(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 8 năm ngoái, đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk (từng đoạt giải Sư tử Vàng) đã bị một nữ diễn viên kiện vì tội cưỡng dâm. Để rồi, cuối tuần qua, khi được trắng án, ông đã đâm đơn kiện lên Văn phòng Công tố viên Quận Seoul với cáo buộc mình bị phỉ báng.
- Làn sóng #MeToo tại Hàn Quốc: Đến lượt đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk
- Đạo diễn Kim Ki Duk phản hồi cáo buộc đánh đập, ép diễn viên đóng cảnh 'nóng'
- Đạo diễn Kim Ki Duk: 'Tôi không muốn nói dối trong phim của mình'
Trong vụ việc cũ, Kim Ki Duk nhận cáo buộc lạm dụng quyền lực để buộc một nữ diễn viên (không tiết lộ danh tính) quan hệ tình dục với ông, đồng thời chạm vào những vùng "nhạy cảm" của cô trong quá trình quay phim Moebius (2013).
Vừa qua, vụ kiện này đã bị bác bỏ do thiếu bằng chứng. Song Kim Ki Duk vẫn bị phạt 5 triệu won (4.650 USD) vì đã tát vào mặt diễn viên này.
"Tôi không thể nói mình đã không làm gì sai trong trường hợp này.Nhưng tôi chắc chắn không phải là một kẻ cưỡng dâm như một người mô tả. Dựa trên những lời nói dối đầy ác tâm, họ đã gây tổn hại lớn cho tôi" – Kim Ki Duk tuyên bố.
Say mê với đề tài cưỡng dâm
Khá thú vị, cuộc sống của Kim Ki Duk tương đồng với các nhân vật trong phim của ông. Các nhân vật của ông là những người bị xã hội ruồng bỏ, là một người đàn ông vô gia cư hoặc là một kẻ mua bán dâm.
Phim của Kim Ki Duk đã nhận được lời ca ngợi của giới phê bình, đặc biệt là tại các liên hoan phim quốc tế. Một số bộ phim đã mang lại danh tiếng và sự ghi nhận quốc tế cho ông.
Vậy trong con mắt của những người trong nghề, Kim Ki Duk là người như thế nào?
Theo nhà phê bình Jeo Chan Il, nền điện ảnh Hàn Quốc quá quen với những tin đồn về Kim Ki Duk, thậm chí có những chuyện do chính nhà làm phim nói ra.
"Kim Ki Duk từng khoe khoang về các mối quan hệ của mình (với các nữ diễn viên và ê-kíp làm phim). Tôi không thẩm tra lại xem những tuyên bố của ông có đúng không, vì đó không phải là việc của tôi. Tôi là một nhà phê bình và chỉ bình luận về ông và các bộ phim của ông chứ không phải cuộc sống riêng tư của ông" - Jeo Chan Il nói.
Một số nạn nhân từng tố Kim Ki Duk là "con thú" đội lốt nhà làm phim và sử dụng các bộ phim của mình như một công cụ để thỏa mãn ham muốn tình tục của mình.
"Xem những bộ phim của Kim Ki Duk và cách hành xử của ông trong cuộc sống thì nhận thấy rõ ông là một người thích những kiểu ác dâm" – theo Lee Soo Jung, giáo sư tội phạm thuộc trường Đại học Kyonggi - "Những khuynh hướng ác dâm của Kim Ki Duk được thể hiện trong các bộ phim của ông. Dường như Kim Ki Duk đã lẫn lộn cuộc sống thực với các nhân vật mà ông tạo nên trong phim".
Khi vụ việc xảy ra, nhiều người nhắc tới phim Bad Guy (Kẻ cướp trái tim - 2002) của Kim Ki Duk. Trong phim này, nhân vật nam Han Ki bắt cóc nữ sinh viên Sun Hwa và bán cô cho một mạng lưới bán dâm. Han Ki theo dõi cô quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông khác. Sun Hwa căm thù kẻ bắt cóc mình nhưng thái độ của cô đã thay đổi sau khi thấy anh ta bị những kẻ khác trong băng nhóm đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng, cô thấy thông cảm với kẻ đã bán mình cho mạng lưới bán dâm và có cảm tình với anh ta.
Nhà phê bình Kim Kyung Wook nói rằng các nhân vật do Kim Ki Duk tạo ra là những người có cuộc sống không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn nhân vật trong phim đầu tay của ông, Crocodile (1996), là một người đàn ông vô gia cư kiếm tiền bằng cách bán xác của những nạn nhân tự vẫn.
Bạo lực, cưỡng dâm và buôn bán tình dục là những đề tài quen thuộc trong phim của Kim Ki Duk.
Tàn ác vì ghét đạo đức giả?
Theo Kim Kyung Wook, thông qua những bộ phim của mình Kim Ki Duk muốn truyền thông điệp rằng các nhân vật của ông có thể là những người rất kinh tởm, song họ vẫn là một phần của xã hội, vì vậy những cách sống của họ cần phải được chấp nhận hơn là phán xét.
Trong cuốn sách Kim Ki Duk, Wild or Scapegoat, Kim Ki Duk thừa nhận "sở thích những trò tàn ác là một phần trong cuộc sống của ông và đó là phản ứng của ông đối với xã hội đầy thói đạo đức giả".
"Làm thế nào tôi có thể thoát khỏi nỗi đau đớn tột cùng từng nhấn chìm tôi? Tôi có thể tìm thấy sự thoải mái nếu tôi hướng sự chú ý của mình đến những người yếu hơn tôi và giày vò họ. Trong xã hội này, giết ếch hoặc chó là chấp nhận được nhưng giết người là bị trừng phạt. Những đối tượng này khác nhau thế nào? Đối với tôi, cuộc sống như vậy là không công bằng" - Kim Ki Duk viết trong cuốn sách – "Nó giống như ai đó tát vào mặt tôi rồi chạy. Nhưng tôi không biết làm thế nào để trả thù. Làm phim là một cách để tôi báo thù cho cuộc sống tàn nhẫn, không công bằng này và cũng là một cách để trừng phạt vì sự hèn nhát của tôi".
Đó là những lời tự bạch của Kim Ki Duk về con người ông. Chuyện ông đánh đập, tát nữ diễn viên, ép họ quay những cảnh "nóng" là có thật. Tất nhiên, ông có cưỡng dâm họ hay không lại là chuyện khác, và sự thực đến đâu thì phải nhờ đến pháp luật can thiệp.
Một đạo diễn tài hoa Trong sự nghiệp, Kim Ki Duk (57 tuổi) từng giành nhiều giải thưởng danh giá như Sư tử vàng tại liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 69 với phim Pieta, giải Sư tử Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 61 với 3-Iron, giải Gấu Bạc cho đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Berlin lần thứ 54 với Samaritan Girl và giải Un Certain Regard tại liên hoan phim Cannes 2011 với Arirang. Bộ phim nổi tiếng nhất của ông, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (2003) đã được đưa vào danh sách The Great Movies của nhà phê bình phim Mỹ trứ danh Roger Ebert. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags