(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra rạp từ ngày 23/10, tính đến hết ngày 2/11, nó cán mốc 100 tỷ đồng doanh thu phòng vé, thu hút hơn 1,4 triệu lượt khán giả ra rạp thưởng thức. Theo đó, Tiệc trăng máu trở thành bộ phim điện ảnh có doanh thu cao thứ nhì trong năm 2020, chỉ xếp sau Gái già lắm chiêu 3 khởi chiếu dịp Tết vừa qua.
ĐD Nguyễn Quang Dũng có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Phim tốt nhất từ trước đến giờ
* Điều gì hấp dẫn khiến anh quyết định đạo diễn phim “Tiệc trăng máu”?
- Kịch bản gốc Perfect Strangers của Italy rất đặc biệt với điện ảnh thế giới, đạt kỷ lục remake (làm lại) với 18 nước. Sau Việt Nam còn có thêm vài nước nữa remake, trong đó có Nhật Bản.
Câu chuyện phim chỉ xảy ra trong một căn nhà, trên bàn ăn, sẽ phải làm gì để cuốn hút khán giả? Kịch bản phim đã thuyết phục 18 nước trước chúng tôi. Đó là câu chuyện mang tính thời đại, đúng với mọi người, ai cũng có những bí mật cất giữ trong chiếc điện thoại, giống như một quả bom nổ chậm.
Tôi cũng đặt mình vào tình huống đó, nếu ai rủ mình chơi trò đó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ở Việt Nam, chuyện sẽ xảy ra như thế nào? Sẽ rất thú vị và thế là tôi quyết định làm.
* Anh có phải thay đổi nhiều tình tiết để “Tiệc trăng máu” không xa lạ với khán giả Việt?
- Tôi cũng đã nghĩ đến việc có nên đổi đường dây kịch bản cho có yếu tố bất ngờ, nhưng như vậy sẽ phá vỡ cấu trúc kịch bản mà cũng không để làm gì. Những tình tiết trong kịch bản gốc tôi hầu như không thay đổi, kể cả nghề nghiệp của nhân vật.
Điều tôi có thay đổi là quan hệ bạn bè thân thiết hơn và tôi cắt bớt chuyện mà ở thị trường khác đang là vấn đề nhưng ở mình thì không quan trọng…
* Phim có 7 diễn viên chính đều thuộc hàng “sao”, anh có gặp khó khăn gì không khi làm việc với họ?
- Với tôi, dàn cast Tiệc trăng máu với Thái Hòa, Hồng Ánh, Thu Trang, Đức Thịnh, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn đều là những người có thực lực và tên tuổi hàng đầu.
Phim có 7-8 nhân vật chính thì không hiếm nhưng thường thì chỉ 1-2 nhân vật chính xuất hiện, sau đó tới nhân vật khác. Với Tiệc trăng máu, cả 7 nhân vật xuất hiện cùng một lúc, khi người này là chính thì những người khác sẽ làm gì? Đó vừa là cái khó nhưng cũng là ưu điểm, khi người này là chính thì những người khác như hỗ trợ, hay kể câu chuyện mạch ngầm của họ.
* Nhận định của anh về diễn viên trẻ Kaity Nguyễn?
- Không chỉ riêng tôi mà khi chiếu thử cho đồng nghiệp, các đạo diễn, bạn bè của tôi hầu như đều rất thích bởi Kaity Nguyễn có sự tươi trẻ, tươi mới.
Mình cũng phải thẳng thắn là mỗi thế hệ có cách diễn, hơi thở, tiết tấu diễn khác nhau. Kaity là cô gái rất đặt biệt, có cách diễn rất thú vị của một thế hệ mới mà đôi khi anh chị khác không có được. Tất nhiên, khán giả đại chúng xem phim sẽ thấy diễn viên khác nổi trội hơn vì kịch bản các nhân vật khác phức tạp hơn.
* Anh có sự kỳ vọng ra sao với “Tiệc trăng máu”?
- Tiệc trăng máu kể một câu chuyện hấp dẫn, dàn diễn viên có thực lực. Khi chiếu thử và chiếu 2 buổi họp báo tại TP.HCM và Hà Nội, có lẽ đây là phim mọi người vỗ tay nhiều nhất, cười nhiều nhất và 1/3 phim thì khóc.
Đứng về nghề, với tôi, đây là bộ phim tốt nhất từ trước đến giờ, từ công tác đạo diễn, tiết tấu phim, nhịp điệu phim, và sự tinh tế của bộ phim.
Chúng ta chưa có giấc mơ nhà biên kịch
* Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tự hứa với bản thân sẽ không làm phim remake nữa, quan điểm của như thế nào?
- Mỗi người có một quan điểm riêng. Thật ra, tôi cũng được gửi rất nhiều kịch bản nước ngoài để remake nhưng khi đọc thì 90% là tôi từ chối. Nói vậy thôi, chưa chắc phim remake nào cũng thành công, nếu chắc chắn thì chúng ta giàu rồi (cười).
Lý do tôi làm phim Tháng năm rực rỡ và Tiệc trăng máu vì mình đồng cảm với kịch bản và thấy góc nhìn riêng của mình khi kể lại câu chuyện. Nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm, lúc này, mình có muốn kể câu chuyện đó hay không.
* Điện ảnh Việt Nam đang thiếu kịch bản hay trầm trọng, theo anh lý do vì sao?
- Tôi thấy bình thường, Việt Nam mà có nhiều kịch bản hay mới lạ (cười). Thực tế là người viết kịch bản hiện giờ có thu nhập thấp quá. Nghề gì cũng vậy, không có những người đổi đời thì khó thu hút những người giỏi.
Chúng ta không thể đòi hỏi người đam mê phải ăn chay trường, không thể đòi hỏi đam mê thuần khiết, cần phải chú ý lợi ích của đôi bên. Thành công người này là giấc mơ của người khác. Chúng ta chưa có giấc mơ của nhà biên kịch, không có nhà biên kịch giàu có, có nhiều fan, có quyền lực…
Hiện giờ đã có những người giỏi của ngành khác bắt đầu qua làm biên kịch: viết sách, báo, học kinh tế… Hy vọng 5 -10 năm nữa sẽ có “giấc mơ có thật” đó.
* Chính vì thế anh mới quyết định làm phim remake?
- Trước đây tôi tự viết, nhưng mình cũng không tự viết mãi được. Trong lúc không “nạp” kịp thì mình làm kịch bản của người khác, kịch bản remake hoặc làm việc với nhóm biên kịch trẻ. Tôi đưa ý tưởng, các bạn viết, tôi chỉnh sửa… Nói chúng là phải tìm đủ mọi cách, khó cỡ nào thì mình cũng phải tìm đủ mọi cách để vượt qua.
- Phim 'Tiệc trăng máu' thu 100 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần công chiếu
- Hậu trường 'Tiệc trăng máu': Hứa Vĩ Văn từng bị 'cắm sừng', Thu Trang - Kiều Minh Tuấn 'siêu quậy'
- Thu Trang quên lời thoại, bị phạt tiền khi làm thi sĩ ở 'Tiệc trăng máu'
- 'Tiệc trăng máu' tung MV nhạc phim phơi bày những giả dối trong chiếc điện thoại
* Các đạo diễn trẻ làm phim thường than thở họ gặp nhiều khó khăn để thực hiện bộ phim, nhất là kinh phí. Với người có kinh nghiệm như anh thì khó nhất là gì?
- Người ta nói “nhà giàu cũng khóc” mà, sinh viên khó, người chuyên nghiệp cũng khó, lúc nào cũng thiếu kinh phí hết (cười).
Một phim nhiều kinh phí chưa chắc hay, nhưng không có kinh phí thì chắc chắn phim dễ… dở. Ý tưởng là quan trọng nhất nhưng để thực hiện được ý tưởng cần có điều kiện để làm việc.
Trên thế giới có những phim làm ít tiền vẫn hay nhưng đừng bắt cả thế giới đi theo, vì đó là những trường hợp đặc biệt. Trúng số thì không nhiều, nên đừng lấy trường hợp trúng số để áp dụng cho mọi người.
* Sau “Tiệc trăng máu”, có dự án nào anh đang trăn trở?
- Trăn trở thì nhiều lắm, tôi đã xếp vào sự nghiệp của mình và sẽ từ từ thực hiện. Tôi đang chuẩn bị thực hiện dự án Đất rừng phương Nam từ kịch bản phim truyền hình Đất phương Nam. Tôi cũng muốn làm một phim đề tài chiến tranh, đây là đề tài rất hay không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Vài nét về đạo diễn Nguyễn Quang Dũng Nguyễn Quang Dũng sinh năm 1978. Anh tốt nghiệp khoa Đạo diễn trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 2000. Năm 2002, Nguyễn Quang Dũng nổi tiếng với phim truyền hình đầu tay Con gà trống chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cha mình - nhà văn Nguyễn Quang Sáng (mất năm 2014). Sau đó, Nguyễn Quang Dũng làm các phim điện ảnh: Hồn Trương Ba da hàng thịt (2006), Nụ hôn thần chết (2008), Giải cứu thần chết (2009), Mỹ nhân kế (2013), Siêu nhân X (2015), Dạ cổ hoài lang (2017), Tháng năm rực rỡ (2018), Ước hẹn mùa thu (2019)... Anh là nhà sản xuất phim Em là bà nội của anh (2016). |
TIỂU PHONG
Tags