Sức làm việc của Xuân Phước rất đều đặn, không tính các thể loại khác, chỉ riêng phim truyền hình đã có khoảng 30 bộ. Cuối tháng 7 này phim Ngũ long công chúa (KB: Sao Thế Giới, 30 tập) lên sóng VTV9, đồng thời có hai phim đã hoàn thành chờ lên sóng là Những nàng nội trợ thời thượng (KB: Phạm Tân - Huỳnh Tuấn Anh, 30 tập) và Sau bức tường lửa (KB: Huyền Quang, 30 tập).
Khán giả phải trả phí xem phim
* Thưa anh, hơn 20 năm làm phim truyền hình, anh thấy điều gì là ổn định nhất?
- Ổn định nhất vẫn là tình trạng liệu cơm gắp mắm, nghĩa là hiếm khi chúng ta có đủ kinh phí để làm một tập phim như mong muốn. Điều này đến từ mấy lý do: Đầu tiên do chuyện dự toán và duyệt kinh phí của nhà đài vẫn ở mức “trước sao thì nay vậy”, rất ít tăng trưởng. Kế đến là do chủ yếu phim truyền hình vẫn được phát miễn phí, sống dựa vào quảng cáo, mà thời lượng dành cho quảng cáo không nhiều, nên không thể cải thiện được chuyện dự toán và duyệt kinh phí cho phim. Kế theo là tình trạng gia tăng kênh phát sóng và nhà nhà làm phim nên dẫn đến chất lượng phim không đồng đều, chia nhỏ thị phần quảng cáo.
* Điều gì là thay đổi?
- Rõ nhất là từ chuyện nhà nhà làm phim đã sản sinh ra nhiều nhân lực phù hợp với việc làm phim truyền hình, cho nên việc tuyển ê-kíp sản xuất đã thuận lợi hơn trước. Nhìn về mặt bằng chung thì phim truyền hình Việt ngày nay đã có nhiều tác phẩm tự nhiên hơn về kịch bản, về cách thể hiện, chuẩn mực hơn về mặt kỹ thuật, về diễn xuất. Tuy vậy, nhưng thách thức với người xem lại lớn hơn, vì bên cạnh những phim đạt chất lượng thì vẫn có nhiều phim yếu kém, cẩu thả.
* Theo anh thì phim truyền hình Việt nên tiến tới điều gì?
- Vấn đề không phải là nên hay không, mà xu thế sẽ dẫn đến chuyện người xem phim phải trả tiền. Trước đây, khi phim truyền hình Việt mới lên sóng, có quảng cáo chen vào là bị báo chí và người xem chửi dữ lắm, bây giờ thì quảng cáo đã là bình thường. Thậm chí còn phổ biến quan niệm rằng phim có nhiều quảng cáo mới là phim đáng xem.
Việc trả tiền sẽ làm cho khán giả kén chọn hơn trong việc mua phim, nó sẽ giúp cho mặt bằng phim được nâng cao lên. Mà thiết thực nhất là đầu tư cho mỗi tập phim được cải thiện; nó cũng giúp cho ngành phim truyền hình Việt Nam tiến đến được cụm từ “công nghiệp phim truyền hình”.
Khó vì thị hiếu của... nhà đài
* Ngoài chuyện đầu tư thấp, anh nghĩ làm phim truyền hình ở Việt Nam khó nhất điều gì?
- Câu này khó trả lời vì mỗi đoàn phim có khó khăn riêng. Bản thân tôi thì thấy rằng muốn phim nhanh được chấp nhận cho sản xuất thì cần nắm rõ thị hiếu của nhà đài. Vì bên cạnh chức năng kinh doanh truyền hình, mỗi nhà đài còn có nhiệm vụ báo chí và chính trị của mình, mà mỗi lúc sẽ có mỗi yêu cầu riêng. Nếu đạo diễn không nắm được yêu cầu này thì khó mà tổ chức kịch bản cho phù hợp, dẫn đến sức sản xuất của đoàn phim, của hãng phim sẽ không hiệu quả.
* Nghĩa là với anh, thị hiếu của khán giả thuộc khu vực dễ?
- Cũng rất khó, nhưng không phải khó nhất. Vì nếu kịch bản không được duyệt để đầu tư sản xuất thì thị hiếu của khán giả cũng không tồn tại...
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags