Điện ảnh Việt: Chấp nhận số hóa hoặc về thời 'đồ đá'

Thứ Sáu, 28/06/2013 06:48 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Cho tới năm 2014 điện ảnh toàn thế giới sẽ số hóa hoàn toàn. Điện ảnh Hàn Quốc vào năm 2013 sẽ hoàn thành mục tiêu này. Trong khi đó, số hóa mới đang là mục tiêu của điện ảnh Việt. Nhiều chuyên gia nhận định số hóa đang là xu hướng không thể cưỡng lại, vì thế nếu chậm chân, nền điện ảnh của chúng ta không chỉ tụt hậu mà còn có nguy cơ bị xóa sổ.

Vấn đề số hóa nền điện ảnh được xới lên từ cuộc tọa đàm mới đây do Bộ VH,TT&DL tổ chức để bàn về tương lai phát triển của điện ảnh Việt Nam.

* Thời của kỹ thuật số…

Nền điện ảnh thế giới đã phát triển dựa trên công nghệ analog, nói nôm na, các máy quay đều sử dụng phim nhựa và chiếu bằng máy quang học. Nhưng giờ đây phim nhựa đã chính thức bị khai tử. Hãng sản xuất phim nhựa lớn nhất thế giới là Kodak đã tuyên bố phá sản từ năm ngoái. Thế giới đã chuyển sang sử dụng máy quay kỹ thuật số (KTS) từ lâu, KTS đang lạnh lùng biến analog trở thành thời kỳ “đồ đá”.

Theo một chuyên gia, bản phim nhựa có giá 1.100 USD có khả năng chiếu tối đa 50 lần là phải vứt đi. Còn một bản phim KTS được chứa bằng ổ cứng chỉ có giá 250 USD, lại có khả năng chiếu vô tận. Làm phim KTS cũng mở ra khả năng sáng tạo vô hạn cho người làm phim. KTS có thể biến không thành có, từ một kịch bản phim giả tưởng nhờ KTS mà chúng ta có những bộ phim vượt xa trí tưởng tượng của con người.


Mùa hè lạnh – một trong những bộ phim quay bằng công nghệ số.

Không chỉ vậy, phim nhựa khi chuyển cho truyền hình chiếu, chất lượng hình ảnh rất tồi, nhưng phim KTS có thể bán cho truyền hình, internet và chất lượng chiếu rất nét. Sự phát triển của các thiết bị cá nhân như: Tivi đạt tới chất lượng hình ảnh gần như điện ảnh, điện thoại thông minh, máy tính bảng… mở ra một thị trường mới cho điện ảnh. Nhờ truyền hình, viễn thông điện ảnh có thể tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn thay vì chỉ nghĩ tới 20% dân ở các đô thị lớn…

Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - cho biết, Trung tâm đã đầu tư các phòng chiếu KTS, chỉ giữ lại bốn phòng chiếu phim nhựa để phục vụ phim nhà nước. Ông Dương rất sốt ruột về tiến trình số hóa điện ảnh: “Điện ảnh thế giới đã 100% số hóa rồi, chỉ còn mỗi Việt Nam vẫn quay phim nhựa thôi. Theo chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam tới năm 2020 mới hoàn thiện quay và chiếu bằng KTS thì gay go quá. Trong thời điểm khó khăn này nhà nước không cứu thì điện ảnh sẽ khó tồn tại”.

* Hoặc về thời… “đồ đá”?

Trong cuộc trò chuyện với TT&VH, nhà quay phim – NSƯT Lý Thái Dũng (Phó giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHHMTV Hãng phim Truyện Việt Nam, người đã quay những bộ phim: Ngã ba Đồng Lộc, Đừng đốt, Lời nguyền huyết ngải, Chơi vơi, Cánh đồng bất tận, Những người viết huyền thoại, Đam mê, Tâm hồn mẹ…) chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ cách đây gần 20 năm ngành viễn thông Việt Nam đã hết sức sáng suốt khi chuyển đổi từ công nghệ analog sang digital (kỹ thuật số).

Nhờ thế mà bây giờ ngành này mới có tốc độ tăng trưởng vào hàng bậc nhất thế giới. Thời điểm đó thay đổi toàn bộ hệ thống tốn kém khủng khiếp, nhưng lại tránh được lãng phí sau này và chúng ta đã theo kịp lộ trình của nhân loại. Nói thế để thấy công nghệ số là xu thế tất yếu, điện ảnh cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó.

Được biết, hiện tại, tất cả hệ thống rạp chiếu phim lớn ở đô thị như Megastar, Lotte, BHD, Platinum, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đều đã dùng hệ thống chiếu phim KTS. Các hãng phim tư nhân và các hãng phim nhà nước đã chuyển sang quay phim KTS. Đến những đạo diễn thuộc thế hệ trước như Nhuệ Giang, Thanh Vân… cũng tuyên bố không bao giờ trở lại phim nhựa nữa.

Tuy vậy, chúng ta vẫn duy trình cách làm phim nhựa để tiện phát hành tại những rạp chiếu chưa kịp chuyển đổi (chủ yếu ở tỉnh lẻ). Phim KTS cho phép chuyển sang phim nhựa để phục vụ các rạp nói trên. “Nhưng làm thế là mình đang đi lùi” – nhà quay phim Lý Thái Dũng thẳng thắn.

Còn Cục Điện ảnh thì cũng chưa có thiết bị duyệt phim số. Thực tế, các đơn vị xin duyệt phimvẫn phải tốn tiền in phim KTS sang phim nhựa để Cục duyệt. Có lúc Cục phải duyệt phim bằng bản DVD. “Mà rõ ràng bản DVD không thể lột tả hết chất lượng nghệ thuật của bộ phim” – Lý Thái Dũng nói thêm.

Nhà quay phim của Chơi vơi cũng cho rằng, công nghệ sẽ quyết định 50% số phận một bộ phim. Đó là xu hướng không thể cưỡng lại được, công nghệ sẽ quyết định phương thức sản xuất, chúng ta không theo sẽ bị tụt lùi, thậm chí bị xóa sổ.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›