The Great Gatsby đã ra mắt ở Mỹ ngày 10/5, hôm nay (15/5), phim sẽ được chiếu mở màn LHP Cannes.
Nữ diễn viên Carey Mulligan vào vai Daisy trong phim The Great Gatsby.
Nhân vật đẹp quá sức tưởng tượng
The Great Gatsby chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn F. Scott Fitzgerald. Là câu chuyện tình trung tâm của tác phẩm, Daisy và Gatsby yêu nhau khi cả hai còn rất trẻ, lúc Gatsby còn là một chàng trai trẻ nghèo khổ, tương lai không mấy tươi sáng. Cô đã bỏ anh để lấy một người chồng giàu có.
Trong bộ phim, Carey Mulligan không những có tạo hình tuyệt đẹp với mái tóc ngắn vàng óng mà còn được khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy đến nỗi chính nữ diễn viên cũng không thể giấu được sự kinh ngạc.
Cô nói với trang Contactmusic: “Tôi chưa từng đóng vai nào đẹp như thế này. Trang phục cũng đẹp quá sức”.
“Trong cảnh đầu tiên, Daisy xuất hiện trong một chiếc váy dạ hội chân bồng. Còn trong sách, nhà văn chỉ mô tả đó là một chiếc váy trắng đơn giản. Nhưng các nhà thiết kế của phim cho rằng sẽ rất thú vị nếu cho Daisy mặc váy dạ hội vào ban ngày mà không vì một lý do nào cả, chỉ vì cô ấy thích thế. Tôi cũng đeo trên người những trang sức kim cương trị giá cả triệu USD. Tôi chưa bao giờ sử dụng những đạo cụ đắt tiền đến thế”.
Nữ diễn viên 27 tuổi người Anh cũng dành lời ca ngợi thiết kế bối cảnh trong bộ phim, thứ khiến cô cảm thấy như mình được thực sự trở về quá khứ. “Ngay từ đầu, bộ phim đã gợi cảm giác Hollywood xưa cũ. Mọi chi tiết bối cảnh đều không chê vào đâu được. Tất cả giấy dán tường đều là vẽ tay. Tôi bước vào một bữa tiệc nơi có 400 người đang ăn diện theo phong cách thập niên 20. Đó là cảnh tượng tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ”.
Một “Kim Kardashian” của thập niên 20
Carey từng so sánh nhân vật Daisy với một trong các chị em nhà Kardashian, mà Kim Kardashian (biệt danh “cô Kim siêu vòng ba”) là cô gái nổi tiếng nhất trong số đó. Nhà Kardashian vốn bị định kiến là những người không có tài cán gì lại ham hố danh tiếng và tiền bạc.
Cách liên tưởng của Carey khá hay, cô nói với tạp chí Vogue: “Cô ấy (Daisy) như thể đang sống trong một bộ phim về cuộc đời mình. Hoặc một chương trình truyền hình. Cô ấy như đang diễn xuất trong một chương trình bất tận, lúc nào cũng diễn. Trong giấc mơ đó mọi thứ đều tốt đẹp. Bạn không thể chết trong một giấc mơ”.
Nữ diễn viên cũng so sánh Daisy với Zelda Fitzgerald, vợ của nhà văn F. Scott Fitzgerald ngoài đời, cũng là một phụ nữ sống trong nhung lụa. Cô đã đọc tiểu sử Zelda trong thời gian chuẩn bị cho vai diễn Daisy. “Cô ấy sống vô lo như một chú cún, hoặc một chú mèo con. Zelda là thế. Daisy cũng là thế”.
Carey – ngôi sao giản dị
Nhân vật Daisy so với Carey ngoài đời là một sự đối lập. Nữ diễn viên có một gương mặt khả ái, từng đóng khá nhiều phim được biết đến và từng được đề cử giải Oscar với vai diễn trong An Education (2009) nhưng chưa bao giờ Carey triệt để theo đuổi hào quang danh tiếng như chị em Kardashian. Kể cả việc chống tay lên hông để tạo dáng trên thảm đỏ như những ngôi sao nữ khác cũng là điều khiến cô lạ lẫm. “Tôi từng làm thế một lần và hối hận ngay sau đó” – Carey nói với Vogue.
Carey thậm chí còn không có người đại diện truyền thông, dù cô cũng thuộc hàng ngôi sao. Về đời sống riêng, cô đã kết hôn với Marcus Mumford, ca sĩ chính của ban nhạc vừa thắng lớn tại Grammy – Mumford & Sons. Cuộc hôn nhân của họ khá trầm lặng.
Nhưng sự khác biệt đó không có nghĩa là Carey ghét bỏ nhân vật mà cô đóng: “Tôi không nghĩ cô ấy là một người tệ bạc. Cô ấy rõ ràng là đầy khiếm khuyết nhưng tôi nghĩ mình nên thông cảm. Lựa chọn của Daisy là hoàn toàn logic nếu đặt trong thời đại mà cô ấy sống. Cô ấy là một sản phẩm của thời đại đó”.
Trong cảm nhận của Carey, việc Daisy chọn kết hôn với một người đàn ông giàu có là hoàn toàn có thể thông cảm, nhưng cách nhân vật này đối xử với Gatsby ở phần kết lại thể hiện “một sự yếu đuối và hèn nhát thực sự, một lỗ hổng lớn trong tính cách của nhân vật”.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Daisy – nhân vật gây tranh cãi trong văn chương Mỹ Daisy luôn luôn là một nhân vật nữ gây tranh cãi trong văn chương Mỹ từ thời Fitzgerald đến nay. Tận bây giờ người ta vẫn tranh luận liệu đây là một nạn nhân của thời cuộc hay một nhân vật phản diện. Được mô tả là nông cạn và chỉ biết nghĩ cho bản thân, cách hành xử của Daisy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng vào cuối tác phẩm. |