'Gặp nhau cuối năm 2020': càng xem, càng nhớ Táo quân

Thứ Bảy, 25/01/2020 18:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -Nhiều người xem tỏ ra không hài lòng khi kịch bản của "Gặp nhau cuối năm 2020" thiếu chiều sâu so với những chương trình "Táo quân" trước đây.

 

Gặp nhau cuối năm 2020: 'Nam Tào' Xuân Bắc trong 'Táo quân' 'biến hình' thành Xuân tóc đỏ

Gặp nhau cuối năm 2020: 'Nam Tào' Xuân Bắc trong 'Táo quân' 'biến hình' thành Xuân tóc đỏ

Trong Gặp nhau cuối năm 2020 - Xuân Canh Tý, NSƯT Xuân Bắc sẽ vào vai một nhân vật huyền thoại trong văn học Việt Nam đó là "Xuân tóc đỏ". 

>>> Link xem lại Gặp nhau cuối năm trên YouTube:

https://www.youtube.com/watch?v=XWdpjnhs-Uc

Gặp nhau cuối năm 2020 được phát sóng trong đêm giao thừa Tết Canh Tý. Chương trình thay thế Táo quân nhận được sự quan tâm của khán giả truyền hình. Tuy vậy, rất khó để nói người xem đã hài lòng với “món mới”.

Lấy bối cảnh làng Vũ Đại, các nhân vật quen thuộc của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng được xây dựng theo phong cách giễu nhại như Xuân tóc đỏ, Lão Hạc, Phó Đoan, Chí Phèo…

Lão Hạc (Quốc Khánh đóng) họp làng với mong muốn giúp mọi người thoát nghèo bằng việc kinh doanh du lịch. Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc) sau thời gian đi xa, nay trở về làng cùng vợ Phó Đoan (Thanh Thanh Hiền) để đầu tư kinh doanh.

Chú thích ảnh
Dàn nghệ sĩ của Táo quân được "bê" sang Gặp nhau cuối năm

Cả làng cùng thống nhất lấp giếng, chặt cây đa và đập cổng để xây dựng mô hình hiện đại hơn. Thế nhưng, lần lượt Nô (Tự Long), Chí Phèo (Xuân Hinh), Thị Màu (Vân Dung)… đều không thể ra tay phá cổng làng. Tiểu phẩm khép lại với câu nói của Lão Hạc: “Nếu anh đập, cả làng anh toang luôn đó”.

Đây cũng là điểm sáng hiếm hoi của chương trình khi đề cập đến việc giữ lại bản sắc văn hoá trong thời đại số hoá. Nét đẹp truyền thống sẽ được lưu truyền cho thế hệ sau, thay vì họ chỉ được xem qua hình ảnh trên Internet.

Chú thích ảnh
Khán giả khen diễn xuất của các nghệ sĩ

Còn lại, kịch bản Gặp nhau cuối năm bị nhiều người chê lỏng lẻo, thiếu điểm nhấn. Chương trình kéo dài lê thê, nhưng thiếu tính “thời sự” vì mang đậm tính giải trí. Nhiều mặt trái của cuộc sống được phản ánh như truyền thông bẩn, bụi mịn, người người đua nhau làm YouTube, bán hàng online… nhưng bị cho là chưa đủ với sự chờ đợi của khán giả.

Người xem lại nhớ đến bản “báo cáo, tổng hợp năm cũ” ở đầy đủ các lĩnh vực của các Táo trước Ngọc Hoàng vốn đã thành thương hiệu của Táo quân. Ở đó, họ sẽ được cười sảng khoái nhưng rồi lại phải suy ngẫm. Còn ở đây, dù thời lượng khá dài nhưng mọi thứ cứ trôi qua với tiếng cười có phần nhạt nhẽo, gượng gạo. Có lúc, để tăng tính giải trí, chương trình lồng ghép âm nhạc của Hoàng Thuỳ Linh, Bùi Bích Phương vào với các ca khúc Đi đu đưa đi, Để Mị nói cho mà nghe theo cách gây cười.

Chú thích ảnh
Nhưng tiếng cười vẫn gượng gạo do kịch bản thiếu chiều sâu

Nhận xét về chương trình, phần lớn ý kiến cho rằng kịch bản thiếu chiều sâu, không được đầu tư cho xứng tầm. Đồng thời, người xem cũng tỏ ra thông cảm cho các nghệ sĩ trong nỗ lực tập luyện nhằm mang đến một chương trình hay cho khán giả truyền hình.

Chú thích ảnh
Thanh Thanh Hiền phối hợp giữa ca hát và diễn xuất

Điều đáng tiếc khác là nghệ sĩ Công Lý không góp mặt trong chương trình. Một khán giả nói rằng họ nhớ sự đỏng đảnh, chua ngoa của “cô Đẩu” nên việc nam nghệ sĩ không xuất hiện khiến đám đông thấy “thiếu Tết”. Bù lại, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trong vai Phó Đoan cũng mang đến nét chấm phá thú vị.

Trong nỗ lực làm mới chương trình để tiếp cận với khán giả trẻ, Gặp nhau cuối năm tổng hợp nhiều thể loại giải trí như tiểu phẩm hài, xiếc, múa (ballet, múa bụng, đương đại)… Dù vậy, xem Gặp nhau cuối năm, khán giả lại càng nhớ nhiều hơn về Táo quân.

K.C, Ảnh: Cắt từ clip

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›