Lần đầu tiên, chuỗi chương trình chiếu phim và trò chuyện điện ảnh mang tên “Khám phá Đông Nam Á qua phim ngắn” (S-Express Vietnam 2022) sẽ được Cà phê thứ Bảy tổ chức từ ý tưởng của giám tuyển phim Marcus Vũ Mạnh Cường.
Sẽ có 10 buổi chiếu phim và giao lưu với các ê-kíp phim ngắn thuộc mạng lưới S-Express (Short Film Program Exchange: Chương trình trao đổi trong mạng lưới phim ngắn Đông Nam Á) từ ngày 28/7 đến 29/9 tại Hà Nội và TP.HCM.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với giám tuyển phim Marcus Vũ Mạnh Cường về chương trình này.
* Xin anh giới thiệu qua về mạng lưới S-Express và sự tham gia của Việt Nam cũng như cá nhân anh trong mạng lưới này?
- S-Express là một mạng lưới gồm 10 giám tuyển phim đến từ mỗi một nước trong Đông Nam Á và hàng năm, mỗi chúng tôi đều lựa ra một chương trình phim ngắn với tổng thời lượng từ 60 đến 90 phút từ đất nước mình, với mục tiêu giới thiệu các gương mặt mới của điện ảnh trong khu vực. Chương trình được lựa chọn cho S-Express sẽ mặc định được trình chiếu tại các LHP trong khu vực như Mini Film Festival (Kuching, Malaysia), Minikino Film Week (Bali, Indonesia), Thai Short Films & Videos Festival (Bangkok, Thái Lan)…
S-Express bắt nguồn từ một cuộc hội ngộ vào 20 năm trước của ba giám tuyển phim Yuni Hadi (Singapore), Amir Muhammad (Malaysia) và Chalida Uabumrungjit (Thái Lan) với mong muốn kết nối để cùng phát triển. Kể từ đó, S-Express dần trở thành một mạng lưới quan trọng với sự phát hiện các tài năng mới của điện ảnh Đông Nam Á như hiện nay.
Năm 2015, tôi được mời tham gia giám tuyển một chương trình phim ngắn Việt Nam cho Asian Film Symposium diễn ra tại Singapore với chủ đề Pop. Tôi cùng một nhà làm phim Việt Nam trong chùm phim ngắn được mời tham dự sự kiện gồm có trình chiếu phim và trao đổi. Tại đó, tôi đã gặp các giám tuyển khác đến từ khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Sau khi trở về từ sự kiện này, tôi nhận được lời mời chính thức trở thành giám tuyển đại diện Việt Nam cho S-Express từ năm 2016.
* Là người đồng sáng lập và điều hành tiệc phim ngắn YxineFF, một LHP ngắn trực tuyến quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, mục tiêu của anh khi đề xuất ý tưởng về việc tổ chức chương trình S-Express tại Việt Nam năm 2022 là gì?
- Nếu như YxineFF còn được tổ chức, chắc chắn S-Express sẽ trở thành một phần không thể thiếu của chương trình hàng năm. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, YxineFF hiện chỉ còn là một kỷ niệm đẹp và tôi rất xúc động khi nó vẫn còn được nhắc tới sau nhiều năm.
Dù YxineFF không tiếp tục dưới hình hài được sinh ra, nhưng cam kết của tôi với việc phát hiện các tài năng mới cho điện ảnh vẫn như vậy và trong nhiều năm qua, bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn thực hiện sứ mệnh của mình là đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ.
Tôi đã mong muốn trình chiếu chương trình S-Express tại Việt Nam từ nhiều năm trước, nhưng cần sự đồng hành tổ chức của một đối tác tin cậy. Cho tới năm nay, điều này mới trở thành hiện thực khi Cà phê thứ Bảy quyết định đứng ra tổ chức chuỗi sự kiện phim ngắn này.
* Những phim ngắn tham gia trong S-Express 2022 được tuyển chọn như thế nào?
- Mỗi giám tuyển thuộc mạng lưới S-Express ở từng nước trong khu vực tự quyết định cách thức tuyển chọn chương trình của nước mình.
Tại Việt Nam, ở mấy năm đầu tiên, tôi chủ động liên lạc mời các bộ phim của các nhà làm phim tôi đã từng biết đến trước đó hoặc qua bạn làm phim giới thiệu từ các trường điện ảnh, các tổ chức liên quan đến phim ngắn, ví dụ như Một thành phố khác của Phạm Ngọc Lân, Đêm huyền diệu của Trần Ngọc Khuyên… Những cái tên này khi đó đều ít nhiều đã được biết đến với phim ngắn và hiện nay, họ đã trở thành các nhà làm phim chuyên nghiệp.
Kể từ năm 2020, tôi chính thức kêu gọi gửi phim trên trang Facebook cá nhân và cho tới nay, đây là kênh duy nhất tôi sử dụng để mời các nhà làm phim trẻ gửi phim ngắn đến cho S-Express. Mỗi năm, tôi nhận được khoảng 20-40 phim ngắn. Sau đó, tôi sẽ tuyển lựa trong số này những bộ phim tốt nhất và một yếu tố quan trọng là nhà làm phim mới, chưa có cơ hội lớn để đi ra ngoài Việt Nam. Do đó, thỉnh thoảng tôi vẫn phải từ chối một số trong các bộ phim tốt, dù rất tiếc. May mắn cho tôi và cho điện ảnh Việt Nam là từ 2016 đến nay, mỗi năm Việt Nam đều có các gương mặt mới để giới thiệu.
Tôi được biết, chương trình của Indonesia được tuyển chọn tương tự theo cách tôi làm, còn Thái Lan thường sẽ chọn những phim ngắn đoạt giải năm trước đó từ LHP Thai Short Films & Videos.
* Theo đánh giá của anh, những nền điện ảnh nào trong khu vực đáng được chúng ta quan tâm nhất hiện nay, đặc biệt trong S-Express 2022 này?
- Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và đặc biệt là Thái Lan đã luôn là những nước có nền điện ảnh tiên tiến trong tương quan khu vực với một cộng đồng đông đảo các nhà làm phim trẻ sung sức và họ có nhiều LHP diễn ra hàng năm. Ví dụ chỉ tính riêng Malaysia đã có khoảng 10 LHP lớn nhỏ. LHP Singapore hàng năm đã trở thành sự kiện quan trọng nhất của khu vực, bên cạnh các sự kiện khác được tổ chức riêng cho phim ngắn.
Việt Nam, Myanmar và Campuchia đang là những cái tên đáng chú ý gần đây, do bắt đầu có những tiếng nói mới, quan trọng, vượt thoát được khỏi ranh giới quốc gia. Lào, Brunei là hai tiếng nói còn non trẻ và có một số năm, các giám tuyển từ hai nước này không chọn được phim. Năm nay, thật may mắn, chúng ta sẽ có phim từ 10/11 nước Đông Nam Á trong S-Express 2022.
Việt Nam gần như chưa có bất kỳ một quỹ hỗ trợ điện ảnh nào từ ngân sách nhà nước hướng tới các nhà làm phim trẻ” (Nhận định của giám tuyển Marcus Vũ Mạnh Cường). |
* Anh đánh giá thế nào về lực lượng làm phim trẻ Việt Nam hiện nay đặt trong tương quan với các đồng nghiệp trong khu vực?
- Như đã nói ở trên, Việt Nam đang nằm ở top 2 những nước trong khu vực, nếu xét về lực lượng làm phim trẻ. Chúng ta có những tiếng nói mới, thú vị, tuy nhiên còn quá đơn lẻ và ít ỏi. Tôi cho rằng có một số lý do khiến cho Việt Nam chưa thực sự bứt phá.
Thứ nhất là vấn đề đào tạo: số lượng các cơ sở đào tạo điện ảnh chất lượng ở nước ta còn ít, phương pháp giảng dạy còn chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và thời đại. Gần đây, có một số cố gắng nhỏ lẻ đến từ các cá nhân, tuy nhiên vẫn chưa thực sự tạo nên được những chương trình đào tạo đủ chất lượng và chuyên nghiệp.
Thứ hai là vấn đề hỗ trợ: Việt Nam gần như chưa có bất kỳ một quỹ hỗ trợ điện ảnh nào từ ngân sách nhà nước hướng tới các nhà làm phim trẻ. Một số chương trình tư nhân tổ chức có tiếng vang như Phim ngắn CGV chẳng hạn trong nhiều năm nay dù góp phần vào việc hỗ trợ các tiếng nói mới được cất lên, tuy nhiên, số lượng 5 phim hàng năm là quá ít ỏi, chưa kể chất lượng các bộ phim không đồng đều. Gần đây, có một số chương trình đến từ UNESCO hoặc Netflix được khởi xướng, đang bắt đầu tạo đà nhộn nhịp cho điện ảnh trẻ.
- Top 3 phim ngắn xuất sắc nhất cuộc thi 'Việt Nam của tôi'
- Công chiếu online 5 phim ngắn xuất sắc cuộc thi 'Săn tìm đạo diễn phim kinh dị'
Thứ ba là cơ hội cọ xát: Thật đáng tiếc là hiện chỉ có duy nhất LHP quốc tế Hà Nội có danh mục phim ngắn trong chương trình, nhưng lại chỉ diễn ra hai năm một lần. Giải Cánh diều hàng năm chưa thực sự là một cơ hội cho các nhà làm phim trẻ khi vẫn ưu tiên chọn trao giải thưởng cho những cái tên cũ, những tiếng nói cũ. Những cuộc thi phim ngắn chưa thật sự chất lượng, ít đạt chuẩn ở tầm khu vực, chứ chưa nói đến thế giới.
Tuy thế, tôi vẫn tin vào một tương lai xán lạn của điện ảnh trẻ Việt Nam. Tôi hy vọng rằng trong thời gian 5 năm tới, Việt Nam có thể bứt phá để đứng vào top đầu trong khu vực. Hãy nhìn vào sự kiên trì, nhẫn nại trước nhiều khó khăn để rồi vẫn cố gắng hoàn thành được tác phẩm của họ như Trần Thanh Huy, Lê Bảo, Bùi Kim Quy… Đặc biệt, các nhà làm phim trẻ đều bắt đầu hướng đến những mối quan hệ và kết nối từ khu vực Đông Nam Á, ví dụ như Phạm Ngọc Lân, Trương Minh Quý, Dương Diệu Linh… đều đang thực hiện các dự án phim dài của họ với sự chung tay của các nhà sản xuất trong khu vực đến từ Philippines, Indonesia và Singapore. Tôi nghĩ chúng ta đang ngày càng mở dần biên giới và rút ngắn khoảng cách, khái niệm đường biên ra thế giới sẽ dần được chấp nhận hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn, ví dụ như ASEAN chẳng hạn.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Việt Nam tham dự từ năm 2016 Đây là chương trình được giám tuyển kỹ lưỡng từ mỗi một nước thành viên ASEAN, khởi nguồn từ năm 2002 với 3 nước và Việt Nam tham dự từ năm 2016. Hiện nay, mạng lưới S-Express gồm 10 nước thành viên, gồm Thái Lan, Singapore, Maylaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei và Việt Nam. Marcus Vũ Mạnh Cường (Cường Marcus) là giám tuyển đại diện cho Việt Nam từ năm 2016. |
Thủy Phạm (thực hiện)
Tags