Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế

Thứ Sáu, 26/06/2015 10:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thay lời tri ân, ngày 26/6, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế dành nơi trang trọng nhất - Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội, Huế làm lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê, người có nhiều đóng góp lớn trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc Cung đình Việt Nam) đệ trình UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Giáo sư Trần Văn Khê là người từ đầu đã tích cực vận động UNESCO nhìn nhận đúng giá trị Nhã nhạc cung đình Huế. Với ông, để trở thành một di sản phi vật thể của nhân loại, ngoài giá trị lịch sử và nghệ thuật, kiệt tác còn cần được nhà nước sở tại chứng minh đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy và cần chuẩn bị cho được một hồ sơ giải trình hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều nỗ lực. Về mặt này, Nhã nhạc cung đình Huế còn nhận được sự hỗ trợ tận tình của bà Noriko Aikawa, nguyên Giám đốc Vụ Văn hóa phi vật thể của UNESCO lúc đó, qua các liên hệ thường xuyên giữa bà và Giáo sư Trần Văn Khê từ năm 1994, cả ở Paris lẫn tại Việt Nam.


Buổi nói chuyện với sinh viên

Còn nhớ, tháng Ba năm 1994, UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế các chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể tại Huế. Trong một cuộc họp tiểu ban nghệ thuật, Giáo sư Trần Văn Khê cùng các giáo sư Việt Nam là Trần Quốc Vượng và Tô Ngọc Thanh, các giáo sư Nhật Bản là Tokumaru và Yamaguti, GS. Philippines Jose Marceda đệ trình UNESCO và Chính phủ Việt Nam về một chương trình quốc gia khôi phục và nghiên cứu Nhã nhạc cung đình Huế.

Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa Thông tin và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lập hồ sơ ứng cử cấp quốc gia Nhã nhạc Huế - Nhạc Cung đình Việt Nam đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của thế giới (năm 2002). Trong thời gian lập hồ sơ, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng giáo sư vẫn thường xuyên về lại Việt Nam để cùng các thành viên nhóm lập hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các chuyên gia tư vấn khác xem xét điều chỉnh nội dung và các tư liệu cần thiết, bổ sung kịp thời theo yêu cầu của UNESCO, góp phần cho sự thành công của bộ hồ sơ.

Kết quả, tháng 11/2003, Nhã nhạc Huế - Nhạc cung đình Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của thế giới (từ năm 2008 được UNESCO hợp nhất thành danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại).


Lễ khai giảng lớp đào tạo nhạc công nhã nhạc

Sau đó, vào đầu năm 2004, Giáo sư Trần Văn Khê đã cùng với đoàn đại diện của Uủ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng đoàn  nghệ sĩ của Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế giới thiệu và biểu diễn Nhã nhạc Huế tại trụ sở của UNESCO tại Paris, các thành phố lớn của Pháp và thủ đô của Bỉ gây tiếng vang lớn trong công chúng châu Âu, góp phần to lớn cho việc giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam tại Châu Âu.

Kể từ khi Nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận, với tâm huyết và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn gìn giữ âm nhạc dân tộc, Giáo sư Trần Văn Khê lại tiếp tục cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế biên soạn Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế để đề nghị UNESCO tài trợ. Ngay sau đó, dự án thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia trên đã được UNESCO chấp thuận tài trợ với tổng kinh phí 154.900 USD  thực hiện trong giai đoạn 2005-2009.

Trong khuôn khổ dự án này, Giáo sư Trần Văn Khê được mời tham gia với tư cách là cố vấn danh dự và trực tiếp thực hiện các bài giảng, giới thiệu  Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) trong các hoạt động của dự án. Giáo sư Trần Văn Khê đã trực tiếp cùng Giáo sư Tô Ngọc Thanh, nghệ nhân Lữ Hữu Thi, nhạc sĩ Lê Toàn, nhà nghiên cứu Văn Thị Minh Hương và đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường Nghệ thuật Văn hóa đào tạo được 18 nhạc công Nhã nhạc trẻ trong 2 năm nhằm cung cấp một lực lượng nhạc công Nhã nhạc Huế trong tương lai có đủ kiến thức về văn hoá và kỹ năng nghề nghiệp để bổ sung cho Nhà Hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), nhằm duy trì và bảo tồn bền vững giá trị đích thực của Nhã nhạc.


Chụp hình trong buổi nói chuyện với sinh viên

Trong quãng thời gian này, Giáo sư Trần Văn Khê cùng các nghệ nhân Nhã nhạc Huế đã thực hiện 6 đợt tập huấn (mỗi đợt kéo dài 4-5 ngày) cho 180 lượt nhạc công trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế; tổ chức nhiều buổi buổi nói chuyện có minh hoạ hình ảnh và tiết mục biểu diễn minh họa của giáo sư dành cho sinh viên, học sinh các cấp ở thành phố Huế (Trường Thống Nhất, Nguyễn Tri Phương, Nhà văn hóa thiếu nhi Huế, Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, Trường Đại học Nghệ thuật và Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế); tổ chức tọa đàm tập huấn dành cho giáo viên một số trường tiểu học ở khu vực Huế, cung cấp kiến thức về Nhã nhạc và phương pháp giảng dạy âm nhạc truyền thống cho các giáo viên dạy nhạc hướng dẫn giáo viên phương pháp để học sinh có thể lĩnh hội và cảm nhận được giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt đối với Nhã nhạc.

Ngoài ra, Giáo sư Trần Văn Khê còn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện đĩa ghi băng hình giới thiệu một số tiết mục biểu diễn Nhã nhạc và Múa Cung đình chọn lọc với lời giới thiệu do đích thân ông (có phụ đề tiếng Anh và tiếng Pháp) thực hiện. Giáo sư Trần Văn Khê còn tặng cho Trung tâm các tư liệu quý liên quan đến Nhã nhạc do chính ông sưu tầm trước đó gồm một số tư liệu viết, tư liệu nghe nhìn để lưu trữ và nhân bản phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày giới thiệu quảng bá.

Đáng chú ý, Giáo sư Trần Văn Khê đã cùng đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn thực hiện lưu diễn ở Pháp (các thành phố Paris, Lyon, Marseilles năm 2004), Ý (thành phố Torino năm 2006) và Nhật Bản (Okinawa năm 2009). Các chương trình biểu diễn, với phần giới thiệu do đích thân Giáo sư Trần Văn Khê trình bày, đã gây được sự quan tâm sâu rộng và tạo tiếng vang lớn đối với công chúng yêu âm nhạc ở các nước này. Trong lĩnh vực giới thiệu, diễn giải về âm nhạc truyền thống Việt Nam, có thể có một số người giới thiệu rất hay và minh họa rất hấp dẫn về đề tài này, nhưng để giúp công chúng hiểu được một cách dễ dàng nhất về âm nhạc truyền thống và Nhã nhạc, tạo sự phấn khích, đam mê tìm hiểu đối với người nghe thì chỉ duy nhất có Giáo sư Trần Văn Khê.

Theo thu nhận phản hồi các ý kiến từ độc giả và cảm nhận của Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: Trong các buổi giới thiệu Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) tại các quốc gia và tại các cơ quan, trường học ở Việt Nam, với cách diễn đạt thật tuyệt vời; vừa rất dí dỏm lại rất uyên bác, cùng với khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác nhau để minh họa cho phần giới thiệu của mình, và lại có thể diễn đạt trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, Giáo sư đã thực sự thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc cũng như Nhã nhạc Cung đình Huế  trong tâm trí của các đối tượng công chúng ở trong cũng như ngoài nước.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động ngùi ngùi trước sự ra đi của Giáo sư Trần Văn Khê, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị sát cánh cùng Giáo sư Trần Văn Khê trong hành trình bảo vệ gìn giữ giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nhiều năm qua, toàn thể lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, các nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế bày tỏ sự tri ân và lòng thương tiếc vô hạn đối với Giáo sư Trần Văn Khê, người đã dùng cả cuộc đời mình để thắp lên ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc đến với nhiều thế hệ và là người góp công lớn trong việc nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá, để bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc Huế.

Ghi nhận công lao đóng góp của Giáo sư Trần Văn Khê, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã trao tặng Bằng khen và Huy hiệu người tốt việc tốt cho ông vào các năm 2004 và 2006...

Quốc Việt

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›