(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện Rock Concert vừa diễn ra tại Hà Nội được xem là bữa tiệc hiếm có dành cho người yêu rock vào đầu mùa Hè. Với một bộ phận tín đồ rock Việt, sự kiện còn giúp gợi nhớ tới festival Woodstock 1969, một dấu mốc chói lọi của nhạc rock, cũng diễn ra trong mùa Hè.
Chú chim bồ câu đậu trên cần đàn guitar có lẽ là hình ảnh mà các fan nhạc rock sẽ luôn nhớ tới, bởi đó là poster của Woodstock ’69. Đây là festival nhạc rock lớn nhất trong lịch sử, với hơn 400.000 người tham gia, kéo dài 4 ngày, trong trang trại rộng gần 2,5 km2, gây ách tắc giao thông trong bán kính 27 km từ tâm festival. Sự kiện về sau được tạp chí Rolling Stone bình chọn là một trong 50 khoảnh khắc thay đổi lịch sử nhạc rock and roll.
4 gã trai đứng sau festival khổng lồ
Điều đáng bất ngờ là Woodstock ’69 được tổ chức bởi 4 chàng trai với tuổi đời trung bình 24, một cách đầy ngẫu hứng và tự phát. Mọi việc bắt đầu từ một mẩu quảng cáo đăng trên các tờ New York Times và Wall Street Journal vào năm 1967 với nội dung: “Những chàng trai trẻ với nguồn vốn vô tận đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư thú vị, hợp pháp, các đề nghị làm ăn".
Những chàng trai trẻ ở đây là John Robert, 22 tuổi, con trai một triệu phú, mới tốt nghiệp đại học Pennsylvania và bạn là Joel Rosenman, 25 tuổi, tốt nghiệp ngành luật đại học Yale. Thật ra, John và Joel không có ý định kinh doanh mà chỉ định lấy tư liệu cho một bộ phim hài, về những nhà đầu tư nhiều tiền nhưng nghèo ý tưởng. John khi đó hầu như không biết gì về rock còn Joel là người yêu thích việc lang thang với cây đàn guitar.
Nhưng mẩu quảng cáo không có nhiều tính nghiêm túc của họ đã mang tới hai cộng sự đáng giá là Micheal Lang và Artie Kornfeld. Micheal, đầu não của Woodstock, khi đó mới 23 tuổi nhưng năm 1967 đã thành công trong việc tổ chức Festival pop 1968 với sự tham gia của 25.000 người. Liên hoan đó có sự góp mặt của những nghệ sĩ lớn như Jimi Hendrix, The Mothers of Invention, John Lee Hooker, Arthur Brown và Blue Cheer.
Trong khi đó, Artie, 25 tuổi cũng là một nhân vật kiệt xuất khi giữ chức phó chủ tịch hãng đĩa Capitol từ năm 20 tuổi và có mối quan hệ rộng trong giới nghệ sĩ. Micheal và Artie là những người bạn thân, đã cùng có ý tưởng tổ chức một festival nhạc về xã hội những năm 60. Chính luật sư của Artie đã khuyên hai người liên hệ với John và Joel. Đội hình 4 người làm nên Woodstock ’69 đã gặp nhau như thế.
3 ngày đầy những màn diễn bất hủ
Trước khi diễn ra, Woodstock ’69 đã bị chỉ trích và vấp phải vô số sự phản đối. Địa điểm dự định ban đầu là Wallkill đã phải thay đổi do chủ đất bị đe dọa sẽ phải trả giá, nếu cho thuê đất để "dân hippie tới làm loạn". Đến khi chuyển tới địa điểm thứ hai là trang trại Max Yasgun, Bethel, New York, 80 lá đơn từ những người dân đã gửi tới tòa án, đề nghị chấm dứt festival. Tuy nhiên lần này ban tổ chức đã thắng cuộc và sự kiện được phép diễn ra.
Woodstock ban đầu được thiết kế là một dự án đầu tư thu lãi. Vé đặt trước có giá 18 USD và bán tại địa điểm biểu diễn là 24 USD (quy đổi trượt giá vào năm 2014 là 120 và 150 USD). Kết quả là 186.000 vé đặt trước đã bán hết veo chỉ trong vài ngày. Các nhà tổ chức ban đầu chỉ ước tính có 200.000 người mê rock kéo tới. Nhưng khi số lượng người muốn dự festival càng đông, ban tổ chức đã không thể in thêm vé kịp thời.
Tình thế khiến họ chỉ có 2 lựa chọn: hoặc phải đầu tư thêm vào an ninh, hàng rào bảo vệ vòng ngoài và việc này có thể dẫn tới bạo lực; hoặc sẽ chỉ tăng cường an ninh quanh sân khấu. Đám đông về sau đã đưa ra lựa chọn của riêng mình. Trong đêm trước khi các buổi diễn bắt đầu, họ đã cắt bỏ hàng rào an ninh.
Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị, Woodstock ’69 vẫn được tổ chức thành công, từ 15 tới 18/8/1969. Có 34 nghệ sĩ được mời đến Woodstock nhưng Bob Dylan đã từ chối vào phút chót và Iron Butterfly bị giữ lại ở sân bay. 210 ca khúc đã được chơi, gồm những màn biểu diễn bất hủ như Jimi Hendrix với cây đàn đứt dây hay Joan Baez đang mang bầu 6 tháng và những ca khúc hát cho chồng đang ngồi tù…
Tất cả đã làm nên một Woodstock ’69 đi vào lịch sử. Sau Woodstock ’69 còn có Woodstock ’94 và Woodstock ’99; tuy nhiên, cả hai không gây được tầm ảnh hưởng như lần đầu. Ngày cuối cùng của Woodstock ’99 còn bị coi là “ngày âm nhạc chết”.
Chiến thắng của hòa bình và tình yêu
Có thể nói trong không khí của hy vọng và lý tưởng tràn ngập những năm 1960, Woodstock đã thỏa mãn phần lớn khán giả. Những người tới dự festival đã có cảm giác về một xã hội hòa đồng, yếu tố kết hợp với chất lượng tốt của âm nhạc, số lượng lớn người tham dự và hành vi ứng xử chấp nhận được của các khán giả, đã tạo nên một festival rock để lại dấu ấn sâu đậm trong thế kỷ 20.
Chính chủ trang trại nơi tổ chức festival là Max Yasgur về sau cũng nói rằng sự kiện giống một chiến thắng của hòa bình và tình yêu. "Nếu đứng chung hàng ngũ với họ, chúng ta có thể biến những tai họa đang là vấn đề của nước Mỹ ngày nay trở thành hy vọng cho một tương lai tươi sáng, an lành hơn" - ông nói.
Tuy nhiên số đông trong dư luận Mỹ vẫn không có thiện cảm với Woodstock ’69 nói riêng, rock nói chung. Sau sự kiện, cử tri Bethel đã bỏ phiếu tống cổ quan chức quản lý địa phương vì "dám" để festival diễn ra. Chính quyền bang New York và thị trấn Bethel cũng thông qua các luật mới về tụ tập đông người, ngăn không cho các festival tương tự tái diễn. Và để tín đồ rock khỏi tìm tới trang trại Max Yasgur để kỷ niệm festival trong những năm sau này, các chủ nhân của nó từng rải đầy phân gà lên mặt đất.
Nhưng có lẽ các hành động đó hình thành từ định kiến, giống như những điều người ta từng làm với jazz của năm 1920, với Elvis Presley những năm 50… Mỗi dòng nhạc đều sinh ra theo hoàn cảnh xã hội, và với rock, nó được sinh ra từ những kìm nén, bất công, bế tắc. Do đó, tiếng hát trong rock tuy dữ dằn nhưng là khát khao giải phóng, khát khao yêu thương, khát khao hòa bình, đã thể hiện rõ trong những sự kiện như Woodstock ’69.
Top 10 BXH Billboard Hot 100 tuần 3/5 |
Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa
Tags