(TT&VH Cuối tuần) - Khi 4 chàng trai gương mặt còn búng ra sữa đến từ thành phố cảng Liverpool tung ra single đầu tay với tên gọi đơn giản, Love Me Do vào tháng 10/1962, họ không thể nghĩ 50 năm sau người ta gọi ca khúc này là một trong những ca khúc quan trọng bậc nhất của rock’n roll.
Yêu anh nhé?
Nói cho công bằng, Love Me Do là đĩa đơn có thành tích kém nhất trong sự nghiệp của tứ quái Beatles. Sau khi được phát hành 5/10/1962, hạng cao nhất của nó chỉ là 17 trên bảng tổng sắp âm nhạc ở Anh. Nhưng nếu nhìn lại thì chưa hẳn một tên tuổi huyền thoại nào cũng trở nên bất hủ ngay từ đĩa đơn đầu tiên. Đĩa đơn đầu tay Surfin’ của nhóm Beach Boys cũng chỉ đứng ở hạng 75; Everybody của Madonna thậm chí còn không lọt nổi Top 100 của Billboard; đĩa đơn trình làng của Bruce Springsteen, Blinded By The Light, thê thảm hơn khi chẳng lọt được vào bảng xếp hạng nào…
Love Me Do có gì hay? Hai cây guitar gỗ, 1 trống, 1 bass, chơi đơn giản bằng hai hợp âm Đô và Sol trưởng cộng thêm tiếng harmonica lâu lâu cất vang trên miệng John. Giọng hát John Lennon và Paul McCartney đan xen nhau như thể lặp lại hình ảnh của hai anh em nhà Everly, Everly Brothers.,
Năm 1962, Love Me Do không mang trong mình một cuộc cách mạng bởi ca khúc này khá đơn giản, dễ nghe và không để lại nhiều ấn tượng. Nhưng Love Me Do mang hạt mầm cách mạng, bởi từ đây trở đi, âm nhạc nước Anh sẽ thay đổi rất nhiều khi Beatles trở thành chứng cuồng thế giới.
Nhóm Beatles năm 1962
Love Me Do hơn hẳn tất cả những đĩa nhạc đầu tay khác bởi nó là một sự khởi đầu cho làn sóng British invasion (làn sóng xâm lược của người Anh) đổ bộ sang bên kia Đại Tây Dương với thị trường Mỹ rộng mở và tiến ra xâm chiếm toàn thế giới. Bằng chứng là khi Love me do được phát hành dưới dạng đĩa đơn ở Mỹ vào tháng 5/1964 nó đã đứng liên tục trên vị trí quán quân của Billboard suốt 14 tuần liên tục.
Đúng ra ca khúc đầu tiên của Beatles dưới nhãn của Hãng đĩa Parlophone là một ca khúc khác do một nhạc sĩ khác sáng tác nhưng bộ tứ nhất quyết đòi bằng được đĩa đơn đầu tay của họ phải là một sản phẩm thật sự mà họ sáng tác ra. Và cuối cùng Parlophone phải gật đầu chấp nhận. Beatles trước khi trở thành tài sản của nước Anh đã phải bôn ba khắp nơi để chơi nhạc của người khác và họ thèm khát được trình làng thế giới bằng một sản phẩm của chính mình.
Love Me Do khi ra đời được ký tên dưới nhãn hiệu Lennon - McCartney nhưng thật sự thì bài hát này là một sáng tác của Paul McCartney còn Lennon chỉ tham gia vào một vài đoạn phụ. Paul sáng tác ca khúc này vào khoảng thời gian 1958 khi anh mới 16 tuổi và ca khúc được viết trong một lần trốn học. Ngoài phần giai điệu đơn giản thì ca từ cũng chẳng thể giản dị hơn và được lặp đi lặp lại cho đến cuối bài “Yêu anh nhé/em biết rằng anh yêu em/lúc nào anh cũng chân thành/Xin hãy yêu anh nhé”.
Sau khi ca khúc được thông qua, giờ là lúc mà ông bầu của nhóm, Brian Epstein, vất vả nhất. Chạy đôn chạy đáo khắp mọi nơi mà chẳng hãng đĩa nào chịu thâu nạp Beatles, cuối cùng Brian tìm được Parlopone, một hãng đĩa nhỏ, được điều hành bởi một nhà sản xuất mà sau này đã trở thành huyền thoại, George Martin.
Geroge Martin sau khi nghe Beatles hát Love Me Do tỏ ý chê khi cho rằng nó khó có thể ra mắt thị trường như một sản phẩm đầu tay. Ông gợi ý 4 chàng trai nên lấy ca khúc How Do You Do It? của Mitch Murray lúc đó đang khá nổi để giới thiệu mình ra công chúng nhưng chẳng ai đồng ý. “Đĩa đơn đầu tay đối với chúng tôi rất quan trọng, nó đánh dấu cho một thời kỳ mới của cả ban sau khi lưu lạc quá nhiều nơi và hát quá nhiều ca khúc của người khác. Và quan trọng hơn nữa là tôi muốn gây sự chú ý của George Martin rằng chúng tôi là một ban nhạc biết sáng tác chứ không đi diễn bằng bài của người khác”, Paul McCartney nhớ lại. “Điều này cũng khó cho George Martin bởi lúc đó ông đang là chủ Hãng đĩa Parlophone, một hãng đĩa nhỏ và đòi hỏi những sản phẩm phải có sức cạnh tranh cao và táo bạo. Nhưng chúng tôi thuyết phục ông rằng Love Me Do sẽ là một ca khúc ăn khách”. Sau nhiều lần suy nghĩ George Martin đồng ý.
Lần thu đầu tiên của Love Me Do là vào ngày 6/6/1962 tại EMI Studios ở số 3 Abbey Road (London, Anh), đây chỉ là lần thu nháp để George Martin nhìn nhận tổng thể tài năng của từng người. Và cũng ở thời điểm này, tay trống Ringo Starr chưa chính thức gia nhập nhóm. Người đánh trống lúc này là Pete Best. Cho tới khi thu xong bài Love Me Do ở lần đầu tiên, theo lời đề nghị của George Martin lẫn 3 thành viên còn lại của Beatles, ông bầu Brian Epstein đã quyết định sa thải Best và mời Ringo Starr thay thế. Beatles lúc này thật sự trở thành một khối thống nhất. Ngày giờ đã định, 4/9/1962 sẽ là lần thu thứ hai mang tính quyết định để tung sản phẩm đầu tiên ra thị trường.
Beatles bay từ Liverpool đến London vào sáng 4/9, sau khi nghỉ ngơi tại khách sạn Chelsea, đến chiều tất cả 4 thành viên cùng ông bầu thẳng tiến tới phòng thu Abbey Road. Đón họ là George Martin, người lúc nào cũng lịch sự như một quý ông Ăng-lê thứ thiệt. Sau khi xem tổng phổ ca khúc, George Martin quyết định vẫn cho thêm tiếng harmonica vào ngay câu intro đầu bài để tạo ấn tượng. Câu intro này đúng ra đã được thu âm ở lần thu đầu vào tháng 6 và George quyết định dùng lại cho lần thu thứ hai này. “Tôi rất yêu tiếng harmonica, nó nhắc tôi nhớ về những ca khúc rất hay của Sonny Terry và Brownie McGhee và tôi nghĩ nếu Love Me Do có tiếng harmonica thì nó sẽ hấp dẫn. Cả bài hát này, thật sự mà nói, tiếng harmonica đầu bài mới là quan trọng nhất”. Hai nhân vật mà George đề cập (Sonny Terry và Brownie McGhee) đều là những ca sĩ vừa hát vừa thổi harmonica điêu luyện và chính họ đã ảnh hưởng đến Bob Dylan và sau này chính Bob Dylan đã ảnh hưởng khá nhiều tới Beatles. Bản thân John Lennon cũng biết thổi harmonica khi được dượng dạy cho chơi từ bé. Và điều khôi hài là cây harmonica được chơi trong Love Me Do là cây harmonica mà John ăn cắp trong một cửa hàng bán nhạc cụ ở Hà Lan vào năm 1960.
Ghi âm ca khúc "Love me" do trong phòng thu Abbey road tháng 9/1962 |
Cả 4 thành viên của Beatles đều khá căng thẳng khi thu âm ca khúc này. George Martin quyết định ghi âm Love Me Do với chất liệu mộc để mọi người hình dung như Beatles đang chơi “sống” (live) trên sân khấu. Phần ghi âm chẳng cần remix, thu trực tiếp và cũng chẳng chồng âm. Kỹ thuật phòng thu vào lúc đó không tốt lắm và bản thân George Martin chẳng thích lời ca khúc một tí nào, điều này làm John lẫn Paul lo sợ.
Ringo Starr lúc đó vừa gia nhập ban nên cách chơi trống cũng chưa thích nghi lắm. Còn George Harrison thì đến phòng thu với một con mắt bị bầm do bị fan của Pete Best tẩn một trận khi biết tin tay trống này bị sa thải…
Ngoài George Martin không thích ca khúc này, ngay cả dì Mimi, người đã nuôi dạy John Lennon cũng ghét ra mặt. Bà nói thẳng với John: “Nếu cháu nghĩ có thể làm nên sự nghiệp với những ca khúc như thế này thì hãy nghiêm túc nghĩ lại đi”. Và tất cả cùng nhau nghĩ lại. Đúng một tuần sau, Beatles vào phòng thu ghi âm lại với một thay đổi nhỏ: Ringo Starr không chơi trống mà chơi tambourine (trống lục lạc), thay anh là Andy White, một tay trống tuy không nổi tiếng nhưng có nghề và được George Martin tin dùng. Và như thế Love Me Do trở thành bài hát duy nhất của Beatles có 3 phiên bản với 3 tay trống khác nhau.
Nhưng rồi tất cả cũng xong. Love Me Do được phát hành ở Anh một tháng sau đó (5/10/1962) với Love Me Do ở mặt A, P.S I love you ở mặt B và cũng may cho sự nghiệp của Ringo Starr khi George Martin quyết định phát hành ca khúc này với bản thu thứ hai chứ không phải bản thu cuối cùng. Tuy vậy bản thu của Ringo Starr chỉ được hiện diện ở đĩa đơn phát hành tại Anh còn đĩa đơn phát hành ở Mỹ năm 1964 là phiên bản của Andy White. Và trong album đầu tay của nhóm phát hành năm 1963, Please Please Me thì George Martin vẫn sử dụng tiếng trống của Andy White cho bài Love Me Do. Sau này bản của Ringo Starr chỉ xuất hiện trong album Rarities và Past Masters, Vol.1 nhưng đó đều là những album được phát hành sau khi Beatles đã tan rã.
Viên gạch huyền thoại
Cho dù Love me do có một khởi đầu khá mệt nhọc và vất vả (chưa nói đến chuyện sau khi thu xong mỗi thành viên Beatles nhận được gần 8 bảng tiền công) thì ca khúc này vẫn là viên gạch đầu tiên lót đường cho Beatles đến đỉnh vinh quang. Ngay George Martin cũng công nhận rằng ca khúc có số phận khá long đong nhưng ông đã nhận ra ngay chất thiên tài của họ trong lần thu thứ hai. Cũng trong lần thu đó, cả nhóm đã sáng tác và chơi ca khúc Please Please Me, ghi âm xong George Martin nói như đinh đóng cột: “Ca khúc này sẽ đưa các cậu lên vị trí thứ nhất”.
Và đúng như lịch sử đã định, đầu năm 1963 đĩa đơn Please Please Me ra mắt và nhanh chóng đứng đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc, thổi Beatles trở thành một chứng cuồng mới. Tờ Rolling Stones nhận định những ca khúc của Beatles thời kỳ này đã mở ra một chương mới cho việc xuất hiện của các ban nhạc biết sáng tác và sáng tác rất hay.
Ngày 22/3/1963 Beatles ra album đầu tay, album này lập tức đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Anh quốc suốt 7 tháng liên tiếp. Cơn sốt Beatles nhanh chóng lan ra toàn châu Âu, sau đó là Mỹ và thế giới.
Tất cả đều bắt đầu từ Love Me Do, một ca khúc dễ nghe và có ca từ ngô nghê như cậu trai 16 mới yêu lần đầu. Ca sĩ Sting cho rằng Love Me Do đánh dấu một bước ngoặt trong đời ông: quyết định trở thành ca sĩ sau khi nghe ca khúc này. Nhà phê bình âm nhạc người Úc, Mark Sawyer nhớ lại rằng nước Úc phải chờ tới tận năm 1964 để nghe Love Me Do khi đĩa đơn này được phát hành ở Mỹ và Úc. “Love Me Do đánh dấu một thời kỳ mà âm nhạc vẫn còn khá đói khát. Để được nghe bài này, chúng tôi đã chờ đợi suốt 2 năm chứ không như bây giờ chỉ là một cú click chuột. Beatles đã hiện diện ở thời đó và nhờ có họ mà mọi thứ đã thay đổi”.
Cung Tuy