(TT&VH Cuối tuần) - Chỉ trong một thời gian ngắn, hai bộ phim của Lưu Huỳnh và Victor Vũ lần lượt ra mắt, khi mà sự chịu đựng của khán giả sau những bộ phim Việt “từ nhảm đến siêu nhảm” đã sắp “tràn ly”. Họ đều là đạo diễn Việt kiều, từng có vài tác phẩm được giới thiệu trước đây, và với hai bộ phim mới này, ngôn ngữ điện ảnh của họ dường như đã đạt đến độ chín.
Lưu Huỳnh: Từ mê-lô đến bạo lực
22 năm trước, Lưu Huỳnh về nước làm bộ phim Em và Michael (1990) trong thời đỉnh cao của “phim mì ăn liền”. Anh có lẽ là một trong vài đạo diễn Việt kiều sớm nhất về nước làm phim. Khi trào lưu phim mì ăn liền thoái trào, Lưu Huỳnh cũng biến mất. Anh thực sự trở lại với bộ phim ngắn Đường trần (1999) từng đoạt giải thưởng trong một LHP tại Mỹ. Và mất thêm 7 năm nữa, Áo lụa Hà Đông (2006), dự án điện ảnh tâm huyết của Lưu Huỳnh hoàn thành sau cả chục năm trời ấp ủ. Hai giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá nhất mà bộ phim này đạt được là giải Khán giả bình chọn tại LHP Pusan, Hàn Quốc và giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải Kim kê, Trung Quốc. Bộ phim cũng được chọn đại diện cho Việt Nam tranh giải Phim nước ngoài hay nhất tại mùa giải Oscar lần thứ 80.
Còn nhớ, khi Áo lụa Hà Đông chiếu ra mắt, mỗi khán giả được phát một gói khăn giấy. Món quà ý nhị này quả là phát huy tác dụng sau đó, khi mà những tiếng sụt sùi và thậm chí nức nở vang lên trong rạp chiếu suốt nửa cuối phim. Áo lụa Hà Đông tiêu thụ một lượng khăn giấy đáng kể khi chiếu rạp và ảnh hưởng “chất mê lô” kiểu sướt mướt, ủy mị này cho không ít đạo diễn trẻ sau này, điển hình là Nguyễn Phan Quang Bình với Cánh đồng bất tận và Vũ Ngọc Đãng với Hotboy nổi loạn…
Ba năm sau, Lưu Huỳnh cho ra mắt bộ phim tiếp theo Huyền thoại bất tử, tiếp tục khai thác (sở trường?) chất mê lô dù nó có vẻ là một bộ phim võ thuật. Kịch bản thiếu chặt chẽ, xây dựng biểu tượng không tới, dựng phim lê thê thiếu tiết chế (đã bộc lộ khá rõ trong Áo lụa Hà Đông) và thiếu thuyết phục khi chọn Dustin Nguyễn, một diễn viên tuổi trung niên cho nhân vật một thằng khờ tầm trên dưới 20 khiến bộ phim tiếp theo của Lưu Huỳnh rơi vào trường hợp “dở ông dở thằng”: không đủ hấp dẫn để lôi kéo khán giả tới rạp nhưng lại khó có thể để coi nó là một bộ phim nghệ thuật, dù nó “ăn” khá nhiều giải tại Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Xem hai bộ phim nói trên, thấy Lưu Huỳnh luôn thể hiện tay nghề và sự đầu tư kỹ càng của một đạo diễn nghiêm túc, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Phim của anh cũng thường có những hình ảnh mang tính biểu tượng điện ảnh cao (dù đôi khi chưa tới) và đặc biệt là luôn giàu cảm xúc. Nhưng tổng thể luôn thiếu vắng một cái gì đó (sự quyết liệt và cực đoan chăng?) để trở thành một bộ phim hay.
Thêm 3 năm nữa, Lấy chồng người ta ra mắt. Cái nhịp đều đặn ba năm một phim không nhanh cũng không chậm, nhất là với những đạo diễn làm phim có hơi hướng nghệ thuật.
Nhưng ở bộ phim thứ ba này đã cho thấy một Lưu Huỳnh khác hẳn, đặc biệt là tư duy trong kịch bản và ngôn ngữ điện ảnh của anh. Trong một bài phỏng vấn, Lưu Huỳnh cho biết anh viết kịch bản phim này chỉ trong 11 ngày! Có lẽ đây là thời gian viết kịch bản ngắn “kỷ lục” của một đạo diễn điện ảnh. Xem phim thì thấy thời gian 11 ngày cho việc viết kịch bản của Lưu Huỳnh có lý: câu chuyện khá đơn giản, tập trung về 3 con người trên bối cảnh là những chiếc nhà thuyền vừa trôi nổi vừa tù đọng. Nhưng thực ra, có một thời gian dài hơn mà Lưu Huỳnh không nói ra - cho những chuyển biến trong tư duy về ngôn ngữ điện ảnh của anh: sự thay đổi từ mê lô sang bạo lực, từ cái nhìn đậm màu duy cảm trong hai bộ phim trước sang duy lý và đôi khi cực đoan trong bộ phim này.
Với 90% bối cảnh diễn ra trên những chiếc nhà thuyền ở làng nổi La Ngà và sử dụng hầu hết những cú quay cận, Lưu Huỳnh tha hồ khai phá đời sống tù đọng của ba nhân vật: Lụa và Khánh, một đôi vợ chồng hiếm muộn con và Linh, một gã đàn ông cô độc bị vợ con bỏ. Lụa vì khao khát một đứa con mà ngoại tình với Linh. Nhưng khi đứa con ra đời, Linh lại “trở mặt” và đòi lại đứa con cho bằng được. Và bi kịch bắt đầu xảy ra giữa ba nhân vật này…
Lưu Huỳnh chọn cho mình đề tài về những con người sống bên lề xã hội với cái nhìn u tối, sự tuyệt vọng và thậm chí cả dị biệt, cực đoan trong việc khai phá thế giới nội tâm con người. Victor Vũ chọc thẳng mũi dùi sắc bén vào thế giới giải trí cũng với một cái nhìn đen tối, ở đó, những nhân vật vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của danh tiếng, vừa là con tốt thí vừa là kẻ giật dây
Sau phần mở dẫn dắt câu chuyện, phần chính của bộ phim trôi đi với sự bế tắc: những chi tiết rời rạc và đôi khi lủng củng; diễn biến tâm lý của nhân vật là sự lặp lại đến mỏi mệt của Lụa cam chịu, Khánh chịu đựng và chấp nhận. Chỉ có Linh là càng lúc càng dữ dội với những trận đòn thù nhuốm màu bạo lực. Cách xây dựng nhân vật Linh là một sự đột phá của Lưu Huỳnh. Hình ảnh Linh hóa trang thành ông Thần tài ngày ngày đi bán vé số vừa hài hước vừa có chút giễu nhại. Trong cuộc đời thực, anh ta là một kẻ thất bại toàn tập, khi hóa trang thành ông Thần tài đi bán vé số, ít ra anh ta còn tự thấy mình mang đến hy vọng hay may mắn cho người khác. Nhưng một mục đích khác thực dụng hơn: anh ta bán được nhiều vé số hơn dưới bộ dạng Thần tài. Việc giúp Lụa có được đứa con cũng có một mục đích thực dụng ngay từ đầu: kéo Lụa và đứa con về với mình, nhưng khi biết Lụa có con chỉ vì yêu chồng, Linh “trở mặt” thành một kẻ côn đồ và không ngừng ra tay tàn bạo với vợ chồng Lụa. Linh của Thái Hòa là một kẻ đa nhân cách và thoái hóa về tâm hồn. Và cái kết đẫm màu bạo lực của Lưu Huỳnh là một sự giải thoát chính đáng cho cả ba nhân vật này...
Lấy chồng người ta của Lưu Huỳnh có vẻ là một bộ phim chia rẽ khán giả, nhiều người thích nó, nhiều người khác lại thấy nó quá mệt mỏi, quá cực đoan và phi lý. Nhưng dường như Lưu Huỳnh đã qua thời kỳ chiều lòng khán giả. Ở bộ phim này, tôi thấy ở anh chất dị biệt trong việc khai phá thế giới nội tâm của nhân vật khá tương đồng với một đạo diễn quái kiệt của điện ảnh Hàn Quốc: Kim Ki-duk.
Victor Vũ: Nghệ sĩ xiếc
Victor Vũ từng có 2 bộ phim dài tại Mỹ trước khi về Việt Nam làm phim. Cả hai đều có hơi hướng kinh dị kiểu tâm linh: Buổi sáng đầu năm (2003) và Oan hồn (2004). Với 2 bộ phim này, dù khá chắc tay về thể loại nhưng vẫn có cảm giác rất rõ là đạo diễn không hiểu lắm về đời sống tâm lý của người Việt, giống như nhiều đạo diễn Việt kiều khác.
Năm 2009, Victor Vũ chính thức giới thiệu bộ phim đầu tiên của anh tại Việt Nam: Chuyện tình xa xứ - một bộ phim lãng mạn hài đúng nghĩa. Và chỉ trong vòng 3 năm sau, Victor Vũ tấn công dồn dập vào thị trường điện ảnh Việt với 4 bộ phim nữa và không bộ phim nào lặp lại về thể loại: Giao lộ định mệnh thuộc thể loại kinh dị mang hơi hướng Alfred Hitchcock; Cô dâu đại chiến đích thị là phim hài tình cảm với đầy đủ mảng miếng của thể loại này; Thiên mệnh anh hùng là một bộ phim hành động dã sử; và bộ phim mới nhất Scandal là sự pha trộn cao tay giữa các thể loại, từ tâm lý đến kinh dị và đoạn kết là bạo lực đẫm máu.
Cảnh phim Scandal - Bí mật thảm đỏ |
Sở dĩ phải phân loại chi tiết các thể loại phim của Victor Vũ bởi đạo diễn này rất thuần thục giữa các thể loại phim và tự do bay nhảy từ thể loại này sang thể loại khác như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây.
Chỉ trong vòng 4 năm, Victor Vũ đã giới thiệu một chân dung rõ nét về một nhà làm phim số 1 của phòng vé bên cạnh Charlie Nguyễn. Nhưng nếu Charlie Nguyễn đang thỏa hiệp với thị hiếu khán giả và “đi xuống dần” sau mỗi bộ phim thì Victor Vũ cho thấy sự ngược lại. Sự đầu tư chặt chẽ và lớp lang của kịch bản, những tình huống bất ngờ khó đoán và chỉ đạo diễn xuất là một điểm cộng trong phim của Victor Vũ. Bối cảnh, trang phục, âm thanh và nhạc nền trong phim của anh cũng rất thời trang, như chính vẻ ngoài bảnh bao của đạo diễn. Hiệu ứng kỹ xảo là một thế mạnh của Victor Vũ, nhờ những kinh nghiệm trong thời gian làm công việc này cho một số bộ phim bom tấn của Hollywood như Rat Race, The 6th Day…, giúp cho những bộ phim của anh, ngay cả một bộ phim hài như Cô dâu đại chiến hấp dẫn hơn hẳn. Phim của Victor Vũ luôn “đạt chuẩn” của phim giải trí “popcorn” kiểu Hollywood. Thêm nữa, Victor Vũ nắm bắt thị hiếu khán giả rất tốt nhưng không thỏa hiệp chiều lòng họ, nên xem phim của anh ít có cảm giác khó chịu như khi xem phim của nhiều đạo diễn Việt đang ăn khách khác bởi hầu hết đều hoặc sến quá, hoặc không tới, hoặc quá lố và phô trương.
Tất cả những thế mạnh nói trên chưa khi nào được đồng bộ “phát huy tác dụng” như trong bộ phim mới nhất Scandal - Bí mật thảm đỏ. Ra mắt trong thời điểm những scandal của làng giải trí nở bung như… bông cải trên các trang báo lá cải, nhưng bộ phim của Victor Vũ không minh họa cho những trò giật gân câu khách rẻ tiền mà biến nó thành một thứ vũ khí lợi hại, chọc thẳng vào những mặt tối của làng giải trí. Anh cũng không ngừng giăng bẫy để đánh lừa khán giả, nhờ sự pha trộn rất thuần thục giữa các thể loại. Chất liệu kinh dị kiểu bùa ngải của đoạn đầu phim dễ liên tưởng đến một bộ phim “horror” kiểu Drag Me To The Hell, đoạn giữa là những ca phẫu thuật tâm lý của hai nhân vật chính Ý Linh (Vân Trang) và Trà My (Maya) mang hơi hướng của một bộ phim kiểu “psychological thriller” như Black Swan và đoạn cuối cao trào với những màn trả thù đẫm máu thì gợi nhớ đến những bộ phim bạo lực của đạo diễn Hàn Park Chan-wook. Nhưng Victor Vũ cũng rất khéo léo để tránh được những ánh mắt soi mói của nhiều khán giả sau hơn một lần mang tiếng “đạo phim”. Khi một chi tiết vừa gợi nhớ đến một bộ phim nào đó thì anh đã lắt léo kéo mạch phim sang một cao trào khác khiến người xem phải đuổi theo những tình huống bất ngờ phía trước.
Cách xây dựng nội tâm và diễn biến tâm lý của hai nhân vật chính phức tạp và mang màu sắc “tâm thần học” cũng góp phần đưa bộ phim thoát khỏi một dạng phim “popcorn” giải trí thông thường. Hai gương mặt nữ Vân Trang và Maya đã hoàn toàn làm chủ vai diễn và không ngừng biến hóa, trong khi đó tuyến diễn viên phụ gồm Minh Thuận và Khương Ngọc được Victor Vũ sử dụng như những nút thắt, mở, gài cắm khéo léo để “phát huy tác dụng” vào cuối phim. Thêm một nhân vật nữa, quan trọng không kém, đóng vai trò… phản diện trong bộ phim này: giới truyền thông (mà ở đây là những tờ báo lá cải và mạng xã hội) được Victor Vũ đưa vào phim và “giã” tơi bời (có đôi chút ân oán phải trả chăng?).
Với Scandal, tôi bước vào rạp như bắt đầu tham gia trò chơi “Roller Coaster” và khi bước ra khỏi rạp, vẫn chưa hết choáng váng sau những hiệu ứng của trò chơi mang lại…
Lê Hồng Lâm