Muôn vàn cung bậc cảm xúc trên một khuôn hình đơn sắc vô thanh nhưng đầy biểu cảm - tất cả đều được Marion Cotillard thể hiện một cách không thể xuất sắc hơn.
Năm 2007, nàng trở thành nữ diễn viên đầu tiên trong lịch sử đoạt cả giải César lẫn Oscar cho cùng một vai diễn. Tiếng tăm nổi như cồn, nàng liên tục xuất hiện trong các bom tấn: "Public Enemies", "Nine", "Inception", "The Dark Knight Rises"… Nhưng những ai yêu mến Marion Cotillard, tự đáy lòng, vẫn nhớ về nàng trong hình hài con én nhỏ bi thương của nước Pháp. Họ hiểu rằng, nàng là nhiều hơn thế, và tài năng của nàng vượt xa những vai thứ, vai phụ mà Hollywood đưa lại cho nàng.
Trong bộ phim mới của mình, Marion Cotillard vào vai một huấn luyện viên cá voi không may bị tai nạn phải cắt bỏ đôi chân. Suy sụp, Stéphanie tìm đến Ali (Matthias Schoenaerts), một cựu võ sĩ, như một điểm tựa tinh thần. Ali, bất chấp một thể chất mạnh mẽ, căng tràn nam tính, cũng có những bất ổn của riêng gã khi dọn đến Antibes (một thành phố biển miền Nam nước Pháp) sống tạm bợ cùng đứa con trai sáu tuổi ở nhà chị gái.
Có thể nói, kể từ "La Vie en Rose" tới nay, Marion Cotillard mới được giao một vai diễn phức tạp, có chiều sâu tâm lý và xứng tầm đến thế. Từ trước khi bị tai nạn, ánh mắt, giọng nói, cử chỉ của Stéphanie đã chất chứa vẻ hoang mang lạc lối, như một dự cảm không lành. Sau tai nạn, tinh thần của nàng càng sa sút thê thảm. Diễn xuất của Marion vừa tiết chế không sa vào cường điệu, vừa tự nhiên như thể nỗi đau vốn là như thế. Cảnh Stéphanie ngồi bên cửa sổ, điều khiển cỗ xe lăn nhún nhảy theo nhạc gieo vào lòng người xem một nỗi bi thương khó bề lý giải. Có cảm giác ngôn ngữ cơ thể của Marion còn biểu cảm hơn cả gương mặt của nhiều diễn viên nữ khác (mà Kristen Stewart là một ví dụ điển hình).
Nhưng để thực sự là một người đàn bà trọn vẹn thì, cả nàng và gã đều có chung một quan điểm, phải có năng lực tình dục và cả khoái cảm tình dục nữa. Bởi vậy nên nàng tự ti. Và gã giải tỏa nỗi niềm ấy bằng cách cho nàng cảm giác được làm một người đàn bà thực thụ, chứ không phải một thân xác bị phí hoài. Họ tìm đến với nhau trong một mối tương giao rất nguyên thủy: gã đem đến cho nàng khoái cảm và, quan trọng hơn cả, sự tự tôn - hai thứ làm sắc mặt nàng tươi tắn và mắt nàng sáng long lanh.
Về phần mình, Ali nghèo, gặp khó khăn trong công việc, trong cách giao cảm và chăm sóc đứa con trai. Nhưng không chỉ có vậy, bất ổn lớn nhất của gã là gã tìm thấy khoái cảm (?) và sự giải tỏa trong những trận kick-boxing của thế giới ngầm. Chính trong một trận đấu kiểu đó, lần đầu tiên Stéphanie từ chỗ được gã giúp đỡ đã trở thành người cổ vũ gã về tinh thần. Nhưng khi đó gã còn chưa hiểu hết được ý nghĩa của nàng đối với mình. Gã nghĩ rằng gã không cần ai cho tới khi gã cảm thấy cần nàng, mãi tận sau này, khi biến cố xảy ra, khi cái bản năng đàn ông vốn là điều nổi bật nhất ở gã từ đầu phim đến giờ bị lu mờ trước bản năng mãnh liệt hơn của tình phụ tử.Tuy Matthias cũng rất xuất sắc trong vai Ali, nhưng phải nói rằng diễn xuất của anh đã bị lu mờ trước Marion. Muôn vàn cung bậc cảm xúc của Stéphanie, từ cơn suy sụp hậu tai biến đến những bước hồi sinh rụt rè bỡ ngỡ, từ niềm ghen tuông hờn giận rất đàn bà đến nỗi khát khao nhớ tiếc sân khấu trên một khuôn hình đơn sắc vô thanh nhưng đầy biểu cảm, tất cả đều được nàng thể hiện một cách không thể xuất sắc hơn. Sau Sophie Marceau, với "La Vie en Rose" và "Rust and Bones", nàng chính là người định nghĩa lại vẻ đẹp Pháp trong điện ảnh.
Marion Cotillard trong phim "Rust and Bones"