(Thethaovanhoa.vn) - Đôi mắt tròn, đen láy và “biết nói” có lẽ là lý do để gần 40 năm trước, Lan Hương trở thành Ngọc Hà của Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh). Còn bây giờ, ở tuổi 50, Hà Nội trong đôi mắt ấy lại là một câu chuyện khác, dài hơn và đủ sắc màu.
Lan Hương lên chức bà ngoại từ chục năm nay. Chị là đạo diễn, là diễn viên, là NSND, là một họa sĩ nghiệp dư khi rảnh rỗi. Còn Hà Nội là nơi Hương sống. Nơi chị bắt đầu cơ duyên với nghệ thuật, đi qua những khúc quanh trước khi có một cuộc sống tương đối viên mãn như bây giờ...
“Nếu vẽ một Hà Nội trong 50 năm sống, chị sẽ chọn những màu gì?”. Tôi hỏi.
Chị cười:
Màu đen - trắng
NSND Lan Hương |
Hà Nội khi ấy với tôi là 2 màu đen trắng, như gam màu của những bộ phim về Hà Nội một thời. Màu đen trắng đẹp, sang, gợi chút hoài cổ, nhưng cũng dễ khiến người ta bâng khuâng buồn bã - nếu nhìn nó với một tâm trạng đã sẵn chút không vui.
Hà Nội cũ rất nhỏ, khu vực Thụy Khuê - Ngọc Hà đã là ngoại ô. Quá bộ thêm vài bước, những khu cao ốc ở đường Hoàng Quốc Việt bây giờ vẫn là những bãi đất hoang của chợ Bưởi. Chợ quê đích thực, nên người ta bán cả tre tươi, cả trâu bò. Vậy nhưng, trong thế giới của một đứa bé mới chỉ đặt chân loanh quanh tới vùng Hà Đông, Thái Bình, Hà Nội vẫn là đẹp nhất.
Nhiều cây xanh, phố vắng, yên bình, người Hà Nội sống chậm và thong thả. Phút gấp gáp nhất trong cuộc sống hàng ngày của tôi chỉ là khi ngồi trên tàu điện. Tàu qua Bờ Hồ, chuông leng keng, đám học sinh xô ra cửa để ngắm vỉa hè, nơi hàng lưu niệm bày bán sáo trúc và tò he. Rồi qua Trường Chu Văn An tôi học, bác lái tàu thương tình kéo nhẹ phanh. Đám học sinh cả nam, cả nữ xô nhau nhảy vội để đỡ phải ngồi thêm một chặng tới ga ngoài.
Một nửa còn lại của Hà Nội khi ấy trong tôi là nỗi sợ. Năm 3 tuổi, chiến tranh phá hoại bắt đầu, tôi vẫn nhớ lần bà ngoại ôm mình lăn xuống vệ đường khi nghe tiếng máy bay. Rồi năm 1972, tôi tròn 10 tuổi và có cả một chuỗi ngày hãi hùng khi nghe tiếng bom từ B52 rơi xuống. Những ngày đó, dòng người từ Hà Nội ùn ùn đổ qua các cửa ô để lánh nạn. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác nghẹt thở trong những chuyến sơ tán ban đêm. Về Hà Đông, qua những khu nhà máy dọc đường, cả nhà lại sấp ngửa chạy thật nhanh vì sợ lọt vào tọa độ B52 rải thảm.
Không hiểu, những đứa trẻ sống qua giai đoạn đó cảm thấy gì? Riêng với một bé gái yếu ớt và nhạy cảm như tôi, hội chứng từ 12 ngày đêm ấy kéo dài mãi cho tới khi trưởng thành. Một tiếng còi hú, một tiếng la thất thanh, hay đơn giản chỉ là cảnh mọi người thì thầm lo lắng với nhau... cũng đủ để tôi khó thở khi nhớ lại những gì từng chứng kiến. Lúc ấy, tim tôi như nghẹt lại, mặt mũi tái xanh như sắp ngất tới nơi. Cả nhà thương lắm, phải ôm lấy tôi vỗ về và bảo nhau cố tránh nói về những câu chuyện nặng nề, u ám.
12 tuổi khi vào vai bé Ngọc Hà, tôi có lẽ đã sẵn sự nhạy cảm thường trực với câu chuyện về Hà Nội trong những ngày đêm cuối 1972. Đạo diễn Hải Ninh được mọi người đánh giá là thành công khi chọn cách kể câu chuyện về sự vô lý của chiến tranh dưới đôi mắt của một bé gái ngây thơ và chịu nhiều tổn thương tâm lý.
Màu xanh!
Hà Nội 10 năm trước Đổi mới gắn với thời thanh niên của tôi. Đường phố và cảnh vật vẫn vậy, có chăng xuất hiện thêm vài chiếc xe máy mang từ phía Nam ra. Sau chiến tranh, cả nước đều khó khăn, nhưng cái hố phân biệt giàu - nghèo cũng bắt đầu manh nha.
Trước đó, người Hà Nội luôn nhã nhặn, thân tình và sẵn sàng chia sẻ với nhau. Sự gắn bó ấy vẫn còn giữ được khi tôi lớn, nhưng đã cộng thêm chút dè dặt từ cuộc sống hàng ngày. Tôi vẫn nhớ lần mình bị ốm sau khi sinh em bé. Để có được nồi cháo gà nấu giấm giúi, mẹ tôi phải “đánh động” với hàng xóm từ hôm trước. Cụ than thở: Con gà đang nuôi trong nhà tự dưng chui khỏi chuồng rồi bỏ đi đâu...
Nhiều người bảo, đó là 10 năm đáng quên nhất của chúng ta. Hình như, điều ấy đúng hơn với lớp người đứng tuổi và có đủ sự chiêm nghiệm về những bất công trong cuộc sống. Còn với lứa trẻ chúng tôi, mọi thứ đơn giản hơn. Chúng tôi không mấy ấm ức hay chạnh lòng khi nhìn sang cuộc sống của những người được gọi là “con phe”. Có lẽ, tuổi đôi mươi dễ quên và cũng dễ hi vọng. Chúng tôi hi vọng vào bất cứ điều gì: một mẩu tin truyền miệng, một lời hứa trên báo... để đi qua chuỗi ngày ấy.
Phố ẩm thực sang nhất Hà Nội khi đó là những quán ăn “chui” của người Hoa kiều ở Tạ Hiện. Suốt mấy năm học, lớp diễn viên của Kịch Tuổi Trẻ chưa một lần dám đặt chân tới đó. Chút phiếu thịt được phát hàng tháng, chúng tôi bán phắt rồi rủ nhau đi ăn miến lươn hoặc xôi chè cho bõ thèm. Còn lại, suất ăn mỗi ngày là một bát cơm, kèm theo miếng bột mì hấp rắn đanh.Một lần, bố mẹ đi vắng. Nhà có nồi thịt kho, tôi kéo Lê Khanh, Chí Trung, Ngọc Huyền, Ái Thanh... về chén sạch. Tôi vẫn nhớ mãi cảnh Lê Khanh xuýt xoa trước chiếc màn tuyn màu xanh mà bố tôi mang từ Lạng Sơn về. Khi đó, những chiếc màn tuyn bán trên thị trường đều màu trắng. Khanh nằng nặc đòi căng chiếc màn lên tường làm “phông nền”, để cậu ấy diễn thử một tiểu phẩm.
Một chiếc màn tuyn màu xanh cũng đủ là niềm vui và hi vọng để bước sang ngày mới của chúng tôi trong những năm ấy!
Áp phích phim Em bé Hà Nội |
Bây giờ, tôi cũng không biết vẽ Hà Nội bằng màu gì. Thành phố nơi tôi đang sống biến đổi tới chóng mặt. Đời sống cao hơn, tiện ích nhiều hơn, nhưng có những thứ mà bản thân những người từng sống lâu năm tại Hà Nội cũng phải loay hoay để thích nghi.
Một ví dụ: năm 2001, gia đình tôi chuyển về phố Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy). Phố vắng ngắt, lèo tèo vài người, tôi hân hoan vô cùng vì không còn phải sống giữa một khu phố quá đông người. Nhưng, chỉ ba năm sau, niềm vui ấy chấm dứt vì cảnh tắc đường bắt đầu lan rộng. Một ngày vất vả trên sàn tập Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi không mệt bằng những phút nhích đi từng bước giữa lòng đường vào buổi chiều, trong mùi xăng nồng nặc với câu hỏi không biết bao giờ mới về đến nhà.
Hoặc, một câu chuyện khác: tới những quán ăn vỉa hè bây giờ, cảnh chủ quán nhận tiền kèm cái gật đầu “cảm ơn anh chị” gần như không còn gặp. Chồng tôi, đạo diễn Tất Bình, vốn là người vui tính. Mỗi lần vào quán ăn, thấy chủ quán mặt nặng như chì, anh vẫn chủ động cất giọng véo von “các em ơi, các em đâu rồi, nào lại đây cho mình xin phép gửi tiền nào? À thế nào không thích tiền à mà không ra lấy? Cầm lấy tiền thì phải vui chứ nào em ơi?...”. Vừa hòa hoãn niềm nở vậy, vừa thon thót lo bị người ta mắng (cười).
Bây giờ, tôi chỉ thấy được hình hài của một Hà Nội cũ trong những ngày Tết Nguyên đán. Trước đây, vợ chồng tôi vẫn dành thời gian nghỉ Tết để đi du lịch ở nước ngoài. Nhưng vài năm vừa rồi, tôi bắt đầu hứng thú với việc ở nhà, tiếp bạn bè đến chơi, và dành cho mình những phút đi dạo ngoài đường để chứng kiến một Hà Nội yên bình với không khí trong lành như nhiều năm trước.
Nhưng, dù kể về một Hà Nội của ngày hôm nay bằng giọng bông phèng, bỡn cợt đi nữa, tôi vẫn chưa bao giờ có ý định rời bỏ cuộc sống ở thành phố này - dù cũng từng có những cơ hội để làm điều này. Cũng không hẳn là tâm lý “ở đâu quen đấy” của người lớn tuổi. Thực ra, ai cũng vậy, vẫn yêu quý, nặng lòng với mảnh đất mình sinh ra và học cách quen với sự chưa hoàn thiện.
Một câu chuyện nhỏ thay cho lời kết: những năm nhỏ tuổi, trước ngõ tôi sống là một nhà máy thuộc da. Mùi da thuộc, mùi hóa chất, không nói thì các bạn cũng biết nó đáng sợ thế nào. Rồi, năm 1972, khi nghe tin hòa bình lập lại ở Hà Nội, tôi và anh trai đi bộ gần hai chục cây số để về nhà. Gần tới nơi, bắt đầu ngửi thấy mùi da thuộc ấy, cả hai anh em nhảy lên, ôm nhau òa khóc...
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần