(TT&VH) - Live show của nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc À ơi lời của mẹ ru ra mắt CD jazz riêng thứ tư được thu ở Thụy Điển diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 18/3. Điều đặc biệt, ba nghệ sĩ khách mời đến từ Thụy Điển sẽ trình diễn trong đêm nhạc, tạo thành tứ tấu quốc tế của nhạc jazz tại Việt Nam.
Như TT&VH đã thông tin, Quyền Thiện Đắc vừa kết hôn và tất bật bắt tay chuẩn bị cho buổi trình diễn quan trọng này. Anh dành cuộc trò chuyện với TT&VH về live show và các dự án năm 2012. Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc Ảnh: Nguyễn Đình Toán
* Chào Đắc, anh đang hưng phấn với “tuần trăng mật âm nhạc”?
- Vâng, quả là “tuần trăng mật jazz”. Live show này là dự định từ khi tôi lên đường du học lần thứ hai. Không ngờ, nó lại diễn ra ngay sau đám cưới (cười).
* Anh đã học Berklee College of Music 2001-2004 (Boston, bang Massachusett – Mỹ), tại sao lại phải tiếp tục học lên thạc sĩ?
- Với một nghệ sĩ solo có đẳng cấp, tôi cho rằng việc được đào tạo bài bản chính quy là rất quan trọng. Âm nhạc phải được học từ nhỏ, và để lên sân khấu như một nghệ sĩ thực thụ, cần có ít nhất hơn 10 năm học, sau đó vẫn tập hằng ngày, học nâng cao, mới giữ được phong độ. Tôi là giảng viên khoa Accordeon - Guitar-Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia từ cuối 2005, hiện dạy 2 buổi/tuần. Làm thầy, càng cần học tiếp chứ.
* Bố anh đã từng bán 7 cây kèn cho anh sang Mỹ, bán nốt 2 cây để anh sang Thụy Điển, đến mức thành nghệ sĩ không kèn đến giờ này. Đáp lại, anh phải trở về cống hiến?
- Trở về, không chỉ là điều kiện của bố tôi, người đã thiết lập và mở ra con đường jazz Việt Nam, mà còn là trách nhiệm của tôi. Mặc dù có nhiều lời mời, cơ hội sống và làm việc ở châu Âu, châu Mỹ, chưa khi nào tôi rơi vào cảnh “đấu tranh, giằng xé” tâm lý, vì đã xác định: sẽ làm âm nhạc trên đất nước mình, biểu diễn cho công chúng Việt, truyền thụ kiến thức cho sinh viên, đàn em Việt Nam.
* Được biết anh là sinh viên Việt Nam duy nhất trong khoá học tại Malmo - Thụy Điển?
- Tiêu chuẩn thi vào các nhạc viện châu Âu khó khăn. Ngoài năng lực, còn trình độ tiếng Anh (hoặc Pháp). Malmo là thành phố lớn thứ ba của vương quốc Thụy Điển, đất nước Bắc Âu giàu có và tươi đẹp này là quê hương ban nhạc huyền thoại ABBA.
Tôi trúng học bổng và theo học master chuyên ngành biểu diễn jazz. Học viện không đào tạo nhiều, mỗi khóa chỉ có 1 chỉ tiêu thạc sĩ cho mỗi nhạc cụ, tạo thành một “ban nhạc Master”. Tôi học tại đây từ tháng 10/2010 đến tháng 12/2011, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.
* Ý tưởng của anh về sản phẩm âm nhạc này?
- Từ khi đang học thạc sĩ, tôi đã muốn khi vào học kỳ cuối, sẽ thu một CD tại Thụy Điển cùng các bạn đồng môn, vừa là dấu ấn kỷ niệm, vừa là thành quả báo cáo với bố, với những người yêu mến và khán giả về sự tiến bộ, đổi mới của mình.
* “À ơi”, tên CD này gợi âm hưởng dân ca. Dân ca là tín hiệu đặc thù tạo nên phong cách, bản sắc jazz Việt?
- Tạo nên một dòng jazz Việt Nam có bản sắc, là khát vọng của nghệ sĩ Quyền Văn Minh và tôi đang nỗ lực cho tiến trình này. Phong cách là điều cốt yếu để người nghệ sĩ không bị nhạt, nhoè lẫn phong cách, cũng phần nào thể hiện đẳng cấp. CD này gồm 6 tác phẩm chủ yếu viết tại Thụy Điển: À ơi, Gió bấc, Thỉnh mẫu, Phiên chợ, Những khoảnh khắc Nam bộ, Trống và kèn. Ngoài phần solo, tôi trình diễn cùng các bạn đồng môn: Per- Oscar Nilsson (28 tuổi) – guitar jazz, Johny Aman – contrebass (24 tuổi) tốt nghiệp trước tôi một học kỳ và Olle Dernevik (26 tuổi) đang học thạc sĩ trống. Chúng tôi đã thu tại phòng thu cổ ở Malmo, bởi nhạc sĩ David Carlson.
* Được biết anh bỏ tiền túi đài thọ 3 nghệ sĩ này từ Thụy Điển sang Việt Nam cùng trình diễn, nếu ai đó cho rằng anh muốn chơi trội, thì sao?
- Chẳng sao. Tôi muốn có một đêm nhạc đẳng cấp quốc tế. Bao lần làm chương trình, bố tôi đều bù tiền túi, đã lên kế hoạch là không chùn bước. Thực tế có công ty An Thịnh ( khu công nghiệp Lương Sơn, Hoà Bình) tài trợ chút ít chỉ đủ tiền thuê Nhà hát Lớn một tối. Đến live show này, công chúng sẽ được thưởng thức bữa tiệc của các tài năng âm nhạc đến từ một nơi còn ít nghệ sĩ sang biểu diễn tại Việt Nam. Tôi bỏ tiền túi mời họ sang.
* Các anh sẽ trổ tài thế nào?
- Chúng tôi tập từ chiều 16/3 tại CLB jazz 65 Quán Sứ – Hà Nội. Trong đêm diễn, từng người solo. Chúng tôi sẽ cùng chơi hai tác phẩm dân gian nổi tiếng Trống cơm (do Quyền Thiện Đắc hòa âm) và Bèo dạt mây trôi (do Nilsson hòa âm) cùng một số bản nhạc Việt Nam.
Người Hải Phòng rất yêu chuộng nghệ thuật và thích đón nhận những gì đổi mới. Sau đêm diễn tại Hà Nội, chúng tôi sẽ tới Hải Phòng.
* Trở về Việt Nam rồi, kế hoạch trong năm nay của anh là gì?
- Vâng, một năm rất bận. Cuối tháng 5 tôi sẽ làm live show với tứ tấu đàn dân tộc (gồm đàn: nguyệt, tranh, tứ và trống) diễn với tứ tấu jazz (gồm saxo, piano, contrebass, trống). Đến tháng 10 là Battle concert. Trong tiếng Anh, “battle” là trận chiến, đây là cuộc “đấu” của Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc. Chúng tôi sẽ solo và song tấu các ca khúc tiền chiến Việt Nam và những bản nhạc nổi tiếng thế giới. Một người trẻ trung, sung sức Tây học, một người tự học với tiếng kèn được coi là đạt tầm tuyệt kỹ hơn 40 năm “gừng già”.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
ViVi (Thực hiện)