(Thethaovanhoa) - Nghệ sĩ Văn Báu có 2 đời vợ, người vợ thứ 2 của anh là nhà thơ và là con của một nhà thơ nổi tiếng. Khi đi xa, anh nhớ vợ nhưng không đóng phim lại rất buồn, vì vậy nghệ sĩ Văn Báu phải tìm mọi cách cân bằng để có cả hai.
Gắn liền với hình tượng cảnh sát hình sự
Nói về NSƯT Văn Báu hẳn chúng ta đều nhớ đến hình ảnh một “cảnh sát hình sự". Trong bộ phim Cảnh sát hình sự, nghệ sĩ Văn Báu đóng vai lãnh đạo của đội cảnh sát hình sự. Nhờ vai diễn thật như đời này mà NSƯT Văn Báu trở thành cái tên gắn liền với khán giả truyền hình suốt một thời gian dài.
Sau 30 năm hoạt động nghệ thuật anh tham gia hàng trăm bộ phim, ở nhiều đề tài nhưng có lẽ vai cảnh sát vẫn hợp với anh nhất. Đến nỗi hết phim ra ngoài đời thực người ta vẫn nhầm tưởng anh là cảnh sát, nghề tay trái là diễn viên. Thậm chí có lần đi cà phê sáng, anh còn được một người là dân anh chị ở khu phố mời cà phê và khen ngợi anh hết lòng với vai diễn "người trong ngành" của mình.
NSƯT Văn Báu sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng bén duyên điện ảnh rất tình cờ. Năm 1992, anh Nguyễn Văn Thu ở Điện ảnh Công an nhân dân làm bộ phim tốt nghiệp có tên Câu chuyện người tù. Khi tìm diễn viên vào vai một thiếu úy quản giáo mà tìm mãi không được, về Hải Phòng anh được giới thiệu đến nghệ sĩ Văn Báu, thế là thành công, vai diễn được nhiều người khen. Từ đó, nghệ sĩ Văn Báu đến với lĩnh vực điện ảnh.
Năm 1996, Đài truyền hình Việt Nam triển khai loạt phim Cảnh sát hình sự gồm 8 phần, 40 tập. Nội dung nói về 8 vụ án khác nhau xoay quanh chủ đề phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội… Bộ phim thực hiện cảnh quay ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn và khu vực miền Trung, thời gian thực hiện ròng rã hơn 2 năm trời.
Để có được những thước phim đặc sắc mang đến cho khán giả, dàn diễn viên của Cảnh sát hình sự đã phải dành một khoảng thời gian dài để sống chung với các anh cảnh sát hình sự và sinh hoạt chung để nắm bắt được những cử chỉ, hành động.
"Lúc đó, tôi trong vai trưởng phòng hình sự, đầu tiên là trung tá, sau lên thượng tá. Diễn viên Hoàng Hải thì trong vai đội trưởng, đại úy. Còn Võ Hoài Nam cùng Hoa Thúy vào vai trinh sát, là trung úy.
Là đội trưởng thì vất vả nhưng công lao lớn lại thuộc về các diễn viên đóng vai trinh sát. Các anh phải hóa thân vào rất nhiều vai, lúc là xe ôm, lúc là con buôn hoặc công nhân lao động bình thường.
Chúng tôi làm tất cả để khán giả thấy rằng, làm công tác hình sự cực kì phức tạp. Người cảnh sát phải xác định đúng nhiệm vụ, là đúng vai trò công tác hình sự, phải làm sao để cùng hòa đồng, chen chân và sống với mọi người, để người xung quanh không biết mình là ai", NSƯT Văn Báu chia sẻ.
NSƯT Văn Báu cũng cho biết thêm, hoàn cảnh đóng phim ở miền Bắc ngày đó thiếu thốn, các diễn viên hầu như tự thể hiện các cảnh đánh đấm vì không có cascadeur (diễn viên đóng thế) chuyên nghiệp. Nhưng, mọi người đều lăn xả trên phim trường để có được những thước phim chân thật nhất mang đến cho khán giả.
Trong 30 mươi năm hoạt động, nghệ sĩ Văn Báu đã gặt hái được nhiều thành công, anh được nhiều người yêu mến. Có khi họ quên cả tên thật và gọi anh bằng tên vai diễn. Âu đấy cũng là phần thưởng xứng đáng mà cuộc đời dành cho người nghệ sĩ tận tâm, tận lực với nghề như anh. Bây giờ, dù tuổi đã cao và đã thành danh, nhưng mỗi khi nói đến đi đóng phim là anh lại bồn chồn, hào hứng. Anh bảo mình còn sức khỏe, thì còn cố gắng, trong thâm tâm chỉ mong có vai diễn, để được cống hiến.
Kết hôn lần 2 ở tuổi ngoài 60
Ít khi chia sẻ về gia đình nên thông tin đời tư của NSƯT Văn Báu rất hiếm. Được biết, nghệ sĩ Văn Báu có 2 đời vợ. Anh đi bước nữa khi tuổi đã ngoài 60 và vợ thứ 2 của anh là một nhà thơ, con một nhà thơ nổi tiếng. Đúng là cái duyên cái số, bởi ở tuổi đó chuyện lập gia đình thêm 1 lần nữa hẳn không phải là điều dễ dàng gì.
- Người đẹp Tây Đô: Lê Công Tuấn Anh, chữ tình bất hạnh đeo bám từ màn ảnh đến đời thực
- Người đẹp Tây Đô: Cậu Ba Đinh Hoàng Sơn phải đi ‘cướp vợ’
- NSƯT Lê Cung Bắc - đạo diễn phim 'Người đẹp Tây Đô' qua đời ở tuổi 75
NSƯT Văn Báu luôn thể hiện sự hạnh phúc khi nói về người bạn đời. Nếu như trước đây bà xã thường hay cằn nhằn vì chồng phải đi diễn xa, vất vả thì giờ về già anh cũng hạn chế nhận những vai diễn tiêu tốn quá nhiều thời gian để có thể dành thời gian chăm sóc cho gia đình.
"Trước đây, bà xã đôi khi cũng cằn nhằn nhưng bây giờ mình có tuổi rồi, con cái đã lớn, lập gia đình nên rảnh rang hơn. Đi thì nhớ vợ nhưng ở nhà mãi cũng buồn. Vợ tham gia đội ca nhạc cựu chiến binh nên cũng khuây khỏa khi mình đi vắng. Nhờ có môi trường sinh hoạt riêng mà cô ấy đỡ bức xúc, không còn như thời tôi mới đi đóng phim. Thậm chí còn động viên nhau nữa", Văn Báu chia sẻ về cuộc sống khi về già.
Hiện tại, anh vẫn tham gia đóng phim nhưng bản thân biết cân bằng cuộc sống hơn, công việc, đam mê là một nhưng gia đình, bà xã nhất định phải giữ một vị trí quan trọng trong anh. Bởi vậy, niềm vui khi về già của anh chính là được quây quần bên con cháu, gia đình và thi thoảng nhận được vai hay, kịch bản phù hợp anh mới đồng ý.
Lê Ni (Tổng hợp)
Tags