(TT&VH) - Có thể nói năm 2011 là một năm thành công của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở công tác đào tạo trẻ khi nhiều học viên của Nhà hát đã gặt hái được thành tích khả quan ở các cuộc thi lớn như Chuông vàng vọng cổ, Giải thưởng Trần Hữu Trang…
Giám đốc Phan Quốc Hùng
Cụ thể có 3 học viên lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát lọt vào top 4 cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2011, trong đó danh hiệu Chuông vàng đã thuộc về học viên Nguyễn Văn Mẹo. 16/21 học viên được chọn vào bán kết Giải thưởng Trần Hữu Trang và học viên Nguyễn Hoàng Hải đứng đầu Bảng triển vọng các thí sinh lọt vào chung kết.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang Phan Quốc Hùng đã chia sẻ với TT&VH về tín hiệu vui này cùng những định hướng cho học viên trong tương lai.
* Để có được kết quả như vừa qua, chắc những học viên được tuyển chọn đa số là con “nhà nòi”?
- Phải nói là bản thân tôi cũng hết sức ngạc nhiên với kết quả mà các em đạt được. Những thành tích mà học viên lớp đào tạo đạt được là ngoài sức tưởng tượng. Qua hai học kỳ các em có sự tiến bộ rõ rệt. Thời gian đầu các em cứ như tờ giấy trắng, nhiều em trước khi vào học hoàn toàn hát theo bản năng, không hề có căn bản, bây giờ thì ca chắc nhịp hơn, diễn đã biết nhập vai. Rất nhiều em đã đạt được những thành quả rất khả quan.
* Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công này?
- Tôi cho rằng có được thành công trên là nhờ lớp thầy cô quá xuất sắc như: NSƯT - TS Bạch Tuyết, NSƯT - nhạc sĩ Thanh Hải, nghệ sĩ Tuấn Phương… dẫu biết tình hình cải lương đang vô vàn khó khăn nhưng họ vẫn mê nghề và mong muốn truyền đạt kinh nghiệm lại cho thế hệ sau. Ở đây, hiệu quả giảng dạy đến từ sự kết hợp giữa kinh nghiệm nghề nghiệp qua phương pháp “nghề truyền nghề” truyền thống và phương pháp sư phạm khoa học. Và yếu tố quyết định chính là tấm lòng của những học viên trẻ đối với cải lương dù biết rằng con đường phía trước là rất gian nan.
* Vậy Nhà hát đã có kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực này chưa hay là lại để các em “bay đi” khi đã “đủ lông đủ cánh”?
- Chúng tôi đã ký hợp đồng quy định rõ ràng học viên sau khi ra trường phải phục vụ Nhà hát trong 5 năm. Sau khi ra trường các em sẽ được bổ sung cho các đơn vị trong Nhà hát (đoàn 1, đoàn 2 và nhóm Thắp sáng niềm tin) và cũng có thể sẽ thành lập một đoàn xung kích dành riêng cho các em.
Trước mắt, chúng tôi sẽ phát động đợt sáng tác kịch bản mới, mời các tác giả đến thăm lớp học và tìm hiểu về các học viên để đặt hàng kịch bản “đo ni đóng giày” phù hợp với sở trường, sở đoản từng em như cách làm thời cải lương hoàng kim. Những vở diễn này sẽ được đưa đi biểu diễn phục vụ nhằm giúp các em tích lũy kinh nghiệm, cọ xát sàn diễn và thăm dò phản ứng của khán giả để tiếp tục có sự đầu tư mới đúng hướng.
* Cám ơn những chia sẻ của ông!
Ninh Lộc (thực hiện)