Họ gắn bó với ông trong cả âm nhạc và đời sống. Và vì thế, ông nói về họ bằng những chia sẻ từ ruột gan mình...
Hồng Nhung: “Nhung rất giống cô con gái đã mất của tôi!”
* Được biết, Hồng Nhung là người đã có công kéo ông vào Sài Gòn, khi ông đã quyết định ra lại Hà Nội? Vì sao một cô gái bé nhỏ, lúc đó chưa hẳn là một cái tên đình đám, lại có thể thuyết phục một tên tuổi lớn và không hề “dễ bảo” như ông?
- Bé nhỏ nhưng suy nghĩ chín chắn, đôi khi chín chắn hơn cả tôi. Tên tuổi đình đám với tôi thì có ý nghĩa gì, nếu Nhung có là Madonna thì cũng thế thôi! Cái sức mạnh để Nhung có thể tác động đến tôi đó là sự yêu quý của Nhung, cái cách Nhung hiểu về những gì tôi viết. Về mặt tinh thần, đôi khi ta vẫn phải dựa vào một ai đó để sống, dù đó có thể chỉ là một sinh linh bé nhỏ. Lúc ấy tôi cô độc lắm!
* Trước đó, vì sao ông lại tính rời Sài Gòn? Sài Gòn lúc đó có gì khiến ông thất vọng và Hà Nội có gì để ông hy vọng?- Tôi chẳng thất vọng gì về Sài Gòn và cũng chẳng hy vọng gì về Hà Nội. Đâu cũng chỉ là nơi ta sống thôi. Tôi thất vọng về chính tôi. Bạn đâu có biết nhiều lúc tôi ngồi hàng giờ nhìn vào bóng tối. Bạn đâu có biết nhiều lúc tôi lẩm nhẩm mãi một từ quen thuộc mà không sao hiểu được cái nghĩa đen quá đơn giản của nó. Có lúc tôi thậm chí còn không hiểu mình sống để làm gì và đã nghĩ đến chuyện nên kết thúc nó. Bây giờ thì đỡ rồi!
* Hồng Nhung cũng là khách hàng duy nhất “đặt hàng” được “kiến trúc sư” Dương Thụ với hai ngôi nhà được ông thiết kế. Vì sao ngoài Nhung ra, ông không dành điều đó cho một ai khác?
- Tôi đâu sống bằng nghề kiến trúc. Thiết kế nhà cửa là công việc sáng tạo rất giống với âm nhạc, tôi thích nó. Tôi chỉ làm nhà cho tôi và cho Nhung. Từng ấy là đủ để thỏa mãn một trò chơi, chơi với việc tổ chức không gian, với vật liệu. Còn làm nữa thì chịu, không có hứng và cũng chẳng có thời gian.
* Dường như có một câu chuyện cảm động về “tình cha con” giữa Hồng Nhung và Dương Thụ, trước hết, trong ngoại hình của cô “con gái”?
- Chắc là đúng. Gặp Nhung, tôi thấy Nhung rất giống con gái tôi và nó quý chị Nhung lắm. Hai bố con sống với nhau, khi nó mất (1993), chỉ còn mình tôi ở lại, chắc bạn biết sống như thế buồn như thế nào. Nhung gợi nhớ đến nó nên tôi coi Nhung như con gái mình. Lúc ấy được giúp Nhung, được gắn bó với Nhung tôi thấy đỡ cô quạnh.
* Hồng Nhung được coi là giọng hát phù hợp nhất với nhạc Dương Thụ vì chất giọng trong sáng, ngây thơ, không bi lụy. Ông có thấy thế?
- Nhung là một Susan Boyle của Việt Nam vì chất giọng giống cô này lắm. Có điều Nhung cứng cỏi hơn. Tất nhiên chất giọng phù hợp tuy quan trọng nhưng tâm hồn không đồng điệu thì cũng không thể thành một cái gì cả.
Mỹ Linh - Thanh Lam: “Nhiều tình huống trớ trêu của họ đã làm sống lại trong tôi ký ức đau buồn…”
* Nếu tôi nhớ không nhầm thì cái duyên của ông với Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em bắt đầu từ một sự ưu ái mà ông từng mạnh dạn dành cho Linh tại Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc tại Đà Nẵng (đặc cách giải thưởng không có trong cơ cấu) và sau đó, là chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” (thế chỗ Hồng Nhung)? Sự ưu ái đó đến từ đâu, khi lúc đó, cả hai hãy còn là “người lạ”?
- Bắt đầu phải là với ban nhạc Anh Em trước. Anh Quân là con của anh bạn tôi. Lúc cháu gửi đĩa nhạc đầu tiên từ Đức về, bố Quân đã kêu tôi đến nghe xem “có thể giúp chúng nó được không nếu cả hai đứa (Anh Quân - Huy Tuấn) nó về”. Đấy là lý do vì sao khi các cháu về nước, tôi lại gắn bó với ban Anh Em như thế. Tôi giúp Anh Quân - Huy Tuấn làm album đầu tiên ở Việt Nam từ lúc Anh Em chưa có Mỹ Linh. Mãi sau này tôi mới biết Mỹ Linh và ở một câu chuyện khác như bạn biết.
* Thay vì sự trong sáng, ngây thơ ở Hồng Nhung, theo ông, Mỹ Linh có gì để đến với âm nhạc của ông?
- Ở tuổi ấy Linh cũng ngây thơ trong sáng lắm. Đạp xe tung tăng trên phố, tóc ngắn mắt bồ câu là Linh. Hãy nghe bài “Tóc ngắn” và cả album, bạn sẽ hiểu. Linh rất thông minh, Linh có thể xử lý tốt những cái khó thuộc về kỹ thuật âm nhạc như tiết tấu, hòa thanh. Có lẽ chỉ có Linh mới có thể thấy thích thú và hát ngon lành (tất nhiên khi tập thì vất vả lắm) bài “Có thấy tôi tuổi 15” tôi viết riêng cho Linh. Bài này nhịp 5/4, hòa thanh phức tạp, nếu không vững về trình độ thì hát phô liền. Ca sĩ nhạc nhẹ hát nảy giọng và tách nốt thì tốt nhưng không sở trường về hát légato (hát liền giọng). Légato phụ thuộc vào hơi, phải luyện hơi công phu và có kỹ thuật cơ bản tốt. Linh được về điểm này. Bài tôi viết có khuynh hướng thính phòng Linh hát là tốt nhất, ví dụ như bài “Hát cho anh” cháu hát trong album “Made in Vietnam”.
* Thanh Lam thì sao? Vì sao người đầu tiên trong 3 diva khai phá nhạc Dương Thụ lại không được số đông công chúng đón nhận? Có phải vì cá tính ấy quá mạnh mẽ so với âm nhạc của ông?
- Cá tính trong nghệ thuật không nên hiểu như cá tính trong đời sống thông thường. Cái mạnh trong nghệ thuật cũng thế. Thanh Lam vừa bản năng vừa tinh tế, nhưng bản năng mạnh hơn và đôi lúc Lam bị bản năng cuốn đi, khiến Lam đôi khi lạc lối trên con đường nghệ thuật của mình, nhưng cũng chính cái này lại tạo ra sự hấp dẫn của cái ta gọi là hiện tượng Thanh Lam. Lam hát rất nhiều bài của tôi và là người hát đầu tiên. Trong chương trình “Thiện Thanh 1”, Lam hát “Bài hát ru cho anh” trên phần phối của Quốc Trung, tôi thật sự xúc động. Lam đã hát được cái khao khát sống của tôi, đằm thắm, mãnh liệt, và đượm buồn.
Và cả “Ngày mưa hãy đến với em” và đặc biệt là bài “Bay vào ngày xanh” trong album “Nghe mưa” cũng thế. Và khi Lam hát “Gọi anh”, tôi hiểu rằng mình đã gặp thêm một người tri kỷ. Hát nhạc tôi như thế không được số đông công nhận là đúng, và Lam thừa thông minh để biết nên hát nhạc của tôi lúc nào. Lam thường hát nhạc tôi trong những live show của riêng mình, còn đến với số đông cô hát nhạc khác.* “Mây trắng bay về” đến nay vẫn là album được yêu quý nhất của cặp đôi Thanh Lam – Quốc Trung và cũng là album đánh dấu sự hợp tác của ông với cặp đôi này. Theo ông vì sao nó lại được công chúng nhớ lâu đến vậy?
- Tôi và Quốc Trung làm cho Lam album này vào đúng lúc Lam đạt đến độ chín của nghệ thuật. Tôi viết cho Lam 5 bài, còn lại đặt lời cho Quốc Trung và Lan Doky. Đây là ba tác giả tốt nhất để Lam có thể trở thành một ca sĩ đương đại đúng nghĩa, hội nhập được với thế giới văn minh. Một sự ăn ý như thế với những tên tuổi như thế tất nhiên phải ra được sản phẩm chất lượng tương ứng. Công chúng tinh lắm, họ không thể nhớ lâu thứ âm nhạc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Họ cần cái mới để đáp ứng nhu cầu thẩm âm hiện đại. “Mây trắng bay về” có khuynh hướng world music. Màu sắc Việt Nam và phương Đông trong việc khai thác chất liệu: thang năm âm Bắc Bộ, cách vận hành giai điệu với những quãng đặc thù, âm sắc của bộ gõ dân gian, tiết tấu chèo cộng với âm thanh của dàn nhạc thính phòng và nhạc cụ điện tử, tạo nên sự pha trộn làm nền cho giọng hát Thanh Lam đằm thắm, duyên dáng, mãnh liệt, một Thanh Lam rất Việt Nam mà vẫn hiện đại mới mẻ. Đó có thể là lý do để công chúng nhớ lâu chăng?
* Gắn bó với hai cặp đôi số 1 của nhạc Việt, ông đồng thời cũng là người chứng kiến và từng đóng vai trò “hòa giải” khi giữa họ nảy sinh trục trặc. Cách hòa giải mà ông chọn là gì, với mỗi cặp?
- Tôi hơn họ gần ba chục tuổi, tôi biết được những điều họ chưa đến tuổi để biết, cái mà ta gọi là kinh nghiệm sống và sự từng trải. Nhưng trên tất cả là tình yêu và sự quý trọng thật sự đối với tài năng của mỗi người. Có lẽ họ hiểu và tin tôi. Tất nhiên tôi chỉ thành công với một cặp thôi. Còn cặp kia tôi rất tiếc.
* Những rắc rối tình cảm giữa hai cặp đôi vàng này nghe nói từng tạo cảm hứng cho ông trong những sáng tác, hoặc đặt lời cho sáng tác của Anh Quân, Quốc Trung? Đó là cách ông khéo léo hòa giải, xoa dịu hay sự đồng cảm đã hóa thân một cách tự nhiên vào tác phẩm?
- Trong lời bài hát đặt cho họ là những gì tôi muốn diễn đạt hộ. Những tình huống trớ trêu của họ làm sống lại cái ký ức đau buồn của tôi nên cũng chẳng phân biệt được tôi viết cho họ, hay là cho chính tôi. Có lẽ đúng như bạn nhận xét, đó chính là “sự đồng cảm đã hóa thân một cách tự nhiên vào tác phẩm”!
* “Đã hết ngồi nhìn mãi bóng đêm” nghe nói là một câu tả thực? Điều gì đã khiến ông lắng nghe được nỗi đau của người khác một cách sâu sắc đến vậy?
- Tôi không có khả năng nói cái gì ngoài mình. Viết được những câu như thế là tả thực đấy! Nếu ta chưa đau khổ bao giờ chắc không thể hiểu được nỗi đau khổ của người khác.
* Cùng với giá trị âm nhạc, những duyên nợ đời thường đó phải chăng là lý do để các nữ diva – đều có tiếng bướng bỉnh này chịu “thuần phục” ông, dù nghe nói suốt ngày bị ông cho “ăn mắng”?
- Chẳng ai thuần phục được ai. Sợ, không có nghĩa là phục. Mắng được người khác không có nghĩa là thuần phục được họ. Chỉ có nhân cách và tài năng đích thực cùng sự yêu thương thật lòng mới làm người khác yêu quý mình. Điều này bạn phải hỏi họ.
* Họ vẫn tiếp tục đồng hành cùng ông chứ, trong những dự án sắp tới?
- Ba diva sẽ cùng hát một chủ đề trong một chương trình thuộc dự án “Cửa sổ âm nhạc”, nhưng chắc là phải sau chương trình “Ký ức âm nhạc của Bộ tứ Hà Nội” (gồm 4 nhạc sĩ: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến) mà tôi đã chuẩn bị xong phần biên tập.
* Sau bao năm, vị trí của mỗi diva trong làng nhạc Việt, kể cả khi đồng hành hay không đồng hành cùng âm nhạc Dương Thụ, theo ông?
- “Tóc ngắn” đã trưởng thành và đang đỉnh cao phong độ. “Nữ hoàng nhạc nhẹ” đã chững lại và đang trở về mái nhà xưa (âm nhạc chứ không phải chuyện gia đình). “Cô Bống” đang làm mới chân dung mình. Cả ba, dù đang là thế nào thì vị trí của họ vẫn là hàng đầu trong làng nhạc nhẹ Việt Nam. Chưa ai có thể soán ngôi họ. Có chăng chỉ là thêm một người nữa - Nguyên Thảo, ngồi vào vị trí em út để họ trở thành bộ tứ, mà nói theo kiểu chưởng bộ Hongkong là “Tứ đại diva”...
* Xin cảm ơn ông!