(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù được sinh ra ở Nam Định, nhưng gắn bó gần trọn cuộc đời với Hà Nội, nhạc sỹ Văn Ký coi Hà Nội chính là quê hương thứ hai của mình. Hà Nội là nơi ai cũng muốn đến, muốn được hòa mình trong không gian thanh bình và dành tình yêu thương. Đặc biệt, với những người nhạc sỹ, họ may mắn hơn vì có thể lấy giai điệu âm nhạc để thể hiện tình yêu của mình. Theo nhạc sỹ Văn Ký, mảnh đất này góp phần tạo thăng hoa trong sáng tác âm nhạc của ông và tình yêu với Hà Nội là một thứ tình cảm không thể thay đổi trong ông.
Nhạc sỹ cho biết, những ca khúc vượt thời gian Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân, Sông Hồng có nhớ… đều xuất phát từ cảm xúc yêu Hà Nội. Và cả những bài hát góp phần tạo nên tên tuổi của Văn Ký: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh… cũng đều viết tại Hà Nội.
Nhạc sỹ Văn Ký
Thời gian hoạt động văn hóa văn nghệ ở Liên khu 4, trước khi giải phóng Thủ đô, nhạc sỹ Văn Ký chưa có điều kiện ra Hà Nội nhưng tâm hồn ông luôn hướng về trái tim của cả nước, nơi diễn ra bao thăng trầm, biến cố lịch sử. Cảm xúc ấy đã tạo nên giai điệu ca khúc Chiếm lại Thủ đô. Đó là khát khao của người dân cả nước và cũng là mong ước của nghệ sỹ muốn giành được Hà Nội khỏi tay giặc Pháp. Sau ngày giải phóng Thủ đô, lúc bấy giờ ở cương vị là Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu IV, trong một lần ra Hà Nội công tác, nhạc sỹ Văn Ký được nhạc sỹ Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát mời ở lại Hà Nội cùng sáng lập Hội nhạc sỹ Việt Nam, thì cơ duyên gắn bó với Hà Nội mới bắt đầu.
Tại đây, ông có nhiều điều kiện để tìm hiểu, sáng tác, phát huy khả năng âm nhạc của mình. Trong số những bài hát “để đời”, ca khúc Trời Hà Nội xanh được đông đảo công chúng Thủ đô và cả nước yêu thích. Bài hát này đoạt giải nhì (giải cao nhất) trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc giải "Hồ Gươm Xanh" do thành phố Hà Nội tổ chức.
Nhạc sỹ Văn Ký cho biết: “Sở dĩ ca khúc Trời Hà Nội xanh tạo được ấn tượng mạnh do tìm được nét riêng mà chưa nhiều người khai thác. Mặc dù trước đó có rất nhiều nhạc sỹ sáng tác thành công về Hà Nội”. Đó là sự tinh tế khi tái hiện hình ảnh bầu trời xanh Hà Nội, một biểu tượng đẹp của hòa bình, trong đó nhấn mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và kết hợp với những hình ảnh hòa bình khác: Nắng Ba Đình, Hồ Gươm, sông Hồng, cầu Thăng Long, Nụ cười người Hà Nội, Đêm pháo hoa, Mùa thu Hà Nội. Gần 20 năm sau khi bài hát ra đời, thành phố Hà Nội cũng chính thức được UNESCO công nhận Thành phố vì hòa bình. Trời Hà Nội xanh cũng là một trong số những bài hát được chọn xét giải thưởng Nhà nước, trao tặng cho nhạc sỹ Văn Ký.
Theo nhạc sỹ Văn Ký, khi nguồn cảm xúc thăng hoa thì ca khúc được viết rất nhanh. Có ca khúc phải mất vài tháng trời mới hoàn thành nhưng cũng có ca khúc chỉ viết trong vài tiếng đồng hồ. Hà Nội mùa xuân là một bài hát như vậy. Chỉ trong vòng một buổi sáng đầu năm 1979, khi cảm xúc ào về, nhạc sỹ đã hoàn thành ca khúc. Và cũng rất bất ngờ trong buổi sáng đó, nhạc sỹ Văn Ký đưa bản nhạc cho một ca sỹ nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là Thanh Lan thì buổi tối Thanh Lan biểu diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hà Nội mùa xuân chính là một bản tình ca chuyển tải lời tâm sự của cô gái xứ dừa miền Nam cho một chàng trai Hà Nội. Lời ca da diết, trữ tình đã chinh phục hầu hết khán giả yêu âm nhạc. Sau này nhiều ca sỹ chuyển tải rất thành công tác phẩm này như: Lan Anh, Ngọc Ánh, Bích Vượng…
Ngoài hai ca khúc nổi tiếng trên, trong khối tài sản âm nhạc hơn 400 bài hát của ông còn có rất nhiều ca khúc về Hà Nội. Đó là Tiếng hát sông Hồng sáng tác năm 1973, Kỷ niệm mùa thu năm 1986, Bâng khuâng chiều hạ năm 1986, Sông Hồng có nhớ năm 1998, Hà Nội nhớ năm 1998, Hà Nội bình minh năm 1992, Chiều Thăng Long năm 2012, gần đây nhất là tác phẩm Sóng Tây Hồ năm 2014…
Đặc biệt, ngôn ngữ âm nhạc trong các ca khúc của nhạc sỹ Văn Ký luôn đậm chất trữ tình. Các chủ đề về thiên nhiên, cuộc sống, đất nước, con người hay các vấn đề chính trị được nhạc sỹ khéo léo chuyển tải một cách mềm mại, dễ đi vào lòng người. Có nghĩa, bằng tâm hồn mình, những tác phẩm chính ca đều được nhạc sỹ chuyển thành tình ca. “Như vậy tác phẩm âm nhạc mới tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, có sức sống lâu bền với thời gian”- Nhạc sỹ Văn Ký chia sẻ.
Một đặc điểm riêng trong phong cách sáng tác của ông, các bài hát không có ranh giới giữa cái chung và cái riêng, mà cái riêng hòa thành cái chung của đất nước, cái tôi phải biến thành cái chung của tất cả mọi người. Khát vọng hòa bình trong Trời xanh Hà Nội cũng là khát vọng hòa bình của mọi người dân Việt Nam. Tây Nguyên bất khuất không chỉ là sự anh dũng của đồng bào Tây Nguyên mà của cả dân tộc Việt Nam …
Ở tuổi 86, nhạc sỹ Văn Ký vẫn tràn đầy nhiệt huyết với âm nhạc và như ông nói “cảm xúc vẫn dạt dào như thủa nào”. Tiếp xúc với ông, được nghe ông trải lòng về tình yêu âm nhạc, tình yêu Hà Nội, người ta càng trân trọng ông, trân trọng các thế hệ nhạc sỹ hết lòng vì nền âm nhạc chân chính. Và người ta cũng không khỏi ngỡ ngàng khi ông bộc bạch: “Trước mỗi lần đi công tác nước ngoài, tôi và cả gia đình thường ra Hồ Gươm để tận hưởng những phút giây thư thái, thanh bình của Hà Nội. Chúng tôi ngồi ghế đá bên hồ hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán, ít nhất cũng phải một buổi chiều hoặc buổi tối”. Và người ta nhận ra một điều, chỉ có người dành trọn tình yêu với Hà Nội mới có thú vui thanh tao ấy.
Đinh Thị Thuận - TTXVN
Tags