Nhìn lại 'Ảo thuật siêu phàm': Bữa tiệc mới có... vài món ngon

Thứ Ba, 24/07/2018 07:12 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa vô số các gameshow về ca nhạc, đời sống gia đình, tìm kiếm tình yêu…đang phủ sóng liên tục trên truyền hình, Ảo thuật siêu phàm xuất hiện như một nét chấm phá thú vị và vô cùng mới mẻ.

Tối 22/7, khép lại 12 số phát sóng, đêm chung kết gameshow này đã tìm được nhà quán quân của mình: ảo thuật gia J Việt Hoàng.

“Lát cắt” cần cho nghệ thuật và giải trí

Ngoài việc là gameshow đầu tiên về ảo thuật ở Việt Nam, điều ấn tượng ở Ảo thuật siêu phàm gắn với những nét đa dạng, đặc sắc về văn hóa trong từng chủ đề, tiết mục thể hiện. Các thí sinh không chỉ thuyết phục khán giả lẫn ban giám khảo về sức hấp dẫn của phần thi mình mang lại mà còn lồng ghép trong đó cần cả sự hiểu biết, tinh tế đối với từng nét văn hóa đặc thù của phương Đông, phương Tây hoặc văn hóa truyền thống.

Trong mỗi tiết mục biểu diễn, các thí sinh cũng buộc phải quan tâm đến sự kết hợp giữa những thủ thuật, chiêu trò với các yếu tố: sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Như vậy, có thể nói, Ảo thuật siêu phàm đã làm khá tốt “sứ mệnh” của mình: một gameshow có tính chuyên môn nhưng vẫn cân bằng được giữa văn hóa, nghệ thuật và giải trí giữa thời điểm các chương trình truyền hình thực tế dường như đã đến độ bão hòa.

Chú thích ảnh
Quán quân J Việt Hoàng sau đêm chung kết

Phải khẳng định, đơn vị sản xuất ADT cũng như ê-kíp thực hiện Ảo thuật siêu phàm khá dũng cảm khi tung nó ra ở thời điểm khán giả có phần chán ngấy với các gameshow và những nhân tố xuất hiện ở cuộc thi này cũng không “có đất” để tận dụng chiêu trò PR mà tăng view.

Bên cạnh đó, ảo thuật vốn không phải là bộ môn được “trọng dụng” và dành cho nó sự tôn vinh trịnh trọng. Ngược lại, người ta khó xác định nó thuộc phạm trù gì - khi mà nóiđến, ảo thuật dễ được hình dung là một thứ giải trí “mua vui”mang tính đường phố hoặc một tiết mục nhỏ bé được biểu diễn nhằm “lấp đầy” thời gian khi được ghép chung trong trình diễn xiếc.

Thế nên, bước đi tiên phong mang ảo thuật đến gần hơn với công chúng là điều cần thiết. Và phần nào Ảo thuật siêu phàm đã cho khán giả hiểu được rằng ảo thuật cũng có vị trí và bản sắc riêng.

Riêng biệt nhưng chưa đủ!

Nói là chưa đủ bởi qua 12 tập phát sóng Ảo thuật siêu phàm, có thể do những hạn chế riêng về kỹ thuật ánh sáng, sân khấu và dàn dựng, cắt ghép, nhiều pha diễn chưa thực sự tạo được sức hấp dẫn. Nhiều tiết mục dù được BGK dành cho lời khen ngợi cộng với những góc máy quay cận thể hiện sự ngạc nhiên, thích thú của khán giả vẫn khiến nhiều người cảm thấy thiếu thuyết phục.

Không phải người nắm rõ kỹ thuật và chuyên môn về ảo thuật, sự xuất hiện của Lý Nhã Kỳ trên hàng ghế giám khảo dường như chỉ mang tính chất đại diện cho khán giả cùngnhững nhận xét, cảm nhận về cách “diễn” đối với từngthí sinh bằng một số kinh nghiệm diễn xuất.

Ngược lại, hai vị giám khảo còn lại là Petey Majik và Palmas Nguyên đều là những ảo thuật gia có tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, tuy kinh nghiệm đầy mình nhưng nhiều lời nhận xét còn chung chung.

Bản thân Ảo thuật siêu phàm khi lên sóng vẫn chưa mang đến sự thu hút mạnh mẽ. Bằng chứng là trên kênh Youtube của chương trình, chưa một tập nào đạt con số người xem ấn tượng và các bình luận bên dưới bày tỏ ít nhiều sự thất vọng.

Có lẽ, nói đến ảo thuật, khán giả hẳn nhiên muốn xem những màn trưng trổ kịch tính, không quá phô trương mà phải thật khéo léo, vừa thể hiện được kỹ thuật chuyên môn, vừa đủ dẫn dắt người xem đắm chìm theo mạch truyện mà mình đang kể đến giây cuối cùng.

Khán giả chắc hẳn cũng sẽ thích thú hơn nếu bị “dắt mũi” mà không hề hay biết, nếu có cảm giác “khó chịu” vì tò mò, vì chưa thể giải mã được những gì mà ảo thuật gia đã thực hiện (nhưng vẫn thấy “sướng” vì mãn nhãn). Còn ở Ảo thuật siêu phàm, đôi khi âm nhạc, ánh sáng và diễn biến không ăn khớp, nhiều tiết mục không mới, lối dẫn dắt không hấp dẫn… dễ gây ra cảm giác “sượng” và nhàm chán.

Nhìn chung, nếu coi Ảo thuật siêu phàm mùa đầu tiên này như một bữa tiệc 12 món ăn thông qua 12 tập phát sóng với các chủ đề khác nhau và mỗi thí sinh là một loại gia vị thì có vẻ như các “đầu bếp” cần cân chỉnh lại từ khâu… “sơ chế” lẫn nếm gia vị một cách phù hợp hơn, “bài trí” thịnh soạn hơn.

Người ta mới chỉ nhận ra có một “bữa tiệc” ảo thuật và một vài “món ăn” là thực sự đặc sắc. Thậm chí có những “món ăn” làm người thưởng thức khá bị gượng ép bởi phải chấp nhận tiêu hóa dù không thực sự ngon lành.

Mùa đầu tiên của Ảo thuật siêu phàm đã khép lại với chiến thắng thuộc về ảo thuật gia J Việt Hoàng, chàng trai sinh năm 1991 đến từ Hà Nội. Tất nhiên, sự lên ngôi nào của Quán quân cũng đều nhận được những ý kiến trái chiều. Nhưng hi vọng, với bước khởi đầu này, Ảo thuật siêu phàm sẽ tạo được vị thế cao hơn ở mùa tiếp theo.

Ảo thuật siêu phàm được xây dựng theo format của Amazing Magicians – chương trình gameshow ăn khách số 1 và đạt kỷ lục về lượng người theo dõi sau khi ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2017 (Công ty Truyền thông ADT phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất). Chương trình phát sóng trên VTV3 hàng tuần từ 6/5.
Chung kết Ảo thuật siêu phàm: J Việt Hoàng trở thành Quán quân, giành giải thưởng 200 triệu

Chung kết Ảo thuật siêu phàm: J Việt Hoàng trở thành Quán quân, giành giải thưởng 200 triệu

Đêm chung kết quyết định Quán quân cuộc thi Ảo thuật siêu phàm phát sóng 20h00 trên kênh VTV3 đã tìm ra chủ nhân số tiền thưởng 200 triệu đồng đó là J Việt Hoàng.

M.T

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›