(Thethaovanhoa.vn) - Trong đĩa Voyager Golden Record trên 2 tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 mà NASA phóng vào vũ trụ năm 1977, ngoài những ca khúc, còn có các tác phẩm âm nhạc hàn lâm. NASA đã chọn tác phẩm của 4 nhà soạn nhạc: Johann Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven và Igor Fyodorovich Stravinsky.
Âm nhạc của 4 nhà soạn nhạc này với những phong cách khác nhau, được xem là tiêu biểu cho âm nhạc hàn lâm của loài người để gửi đến những cư dân ngoài trái đất (nếu có). Kỳ 1 của loạt bài này chúng tôi giới thiệu những tác phẩm âm nhạc của Johann Sebastian Bach.
- Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 8): 'Billie Jean' - Bản thu quan trọng nhất của Michael Jackson
- Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 7): Nhạc rock trong 'NASA Moon Tunes'
Bach nổi tiếng với âm nhạc phức điệu, những tác phẩm của ông được xem là những chuẩn mực và là sự “thể hiện lòng biết ơn của con người về sự cân bằng và đối xứng”. Âm nhạc của ông sâu sắc, mang tính trí tuệ, nhiều tác phẩm của ông được các thế hệ nhạc sĩ thuộc các trường phái về sau nghiên cứu, học tập và khai thác. Không ngoa để có thể nói rằng, âm nhạc của Bach dường như vượt mọi ranh giới và thời đại.
Chúng ta hãy lần lượt điểm qua 3 tác phẩm của Bach mà NASA chọn để đưa vào đĩa Voyager Golden Record như đã nói trên.
Concerto “Brandenburg” - Sự trớ trêu của lịch sử
Concerto Brandenburg gồm 6 bản, được Bach viết để tặng cho Christian Ludwig (1677-1734), bá tước vùng Brandenburg. Dường như Bach đã chọn 6 bản này giữa nhiều bản hòa tấu ông sáng tác trong những năm tươi sáng khi làm giám đốc âm nhạc ở Kothen, Đức; thậm chí là từ thời ở Weimar (1708-17). Chúng được xem là một số trong những sáng tác hay nhất cho dàn nhạc vào thời kỳ Baroque.
Bach đã tặng nó cho vị bá tước vào ngày 24/3/1721, với lời đề tặng hoa mỹ: “Tôi xin thể theo những mệnh lệnh tao nhã nhất của Hoàng thân, tự nguyện dâng lên phận sự khiêm nhường nhất của tôi với Hoàng thân bằng các bản hòa tấu, mà tôi kết hợp vài nhạc cụ với nhau; mong Hoàng thân, với sự khắt khe và nhạy cảm mà mọi người biết Người dành cho âm nhạc, giơ cao đánh khẽ trước sự không hoàn hảo của nó, để khoan hồng nhìn nhận sự tôn trọng sâu sắc và tuân phục khiêm nhường nhất mà tôi nỗ lực thể hiện”.
Bach quả thật đã quá khiêm nhường khi viết “vài nhạc cụ”. Trên thực tế, ông đã sử dụng “phổ rộng nhất của nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng… trong một lối kết hợp táo bạo” - theo nhà âm nhạc học Christoph Wolff.
6 bản hòa tấu tuy đồng điệu nhưng có lối kết hợp nhạc cụ hoàn toàn khác nhau, mang tới phong cách và cá tính riêng, đặc biệt là tiếng kèn ở bản số 2 và tiếng harpsichord ở bản số 5.
Ở bản số 2, đó là nhóm chủ tấu với bốn nhạc cụ clarion (kèn trumpet tự nhiên), sáo dọc, oboe và violin; tương phản với nhóm hòa tấu lớn hơn gồm hai violin, viola và bè trầm (gồm cello và harpsichord). Trong đó, phần kèn là khó nhất với âm vực cao, ban đầu được viết cho một chuyên gia clarion. Concerto này gồm 3 chương, trong đó chương đầu mà NASA lựa chọn thường được biểu diễn nhiều nhất.
Những concerto Brandenburg ngày nay nằm trong số những tác phẩm được ưa chuộng nhất của Bach bởi sự đa dạng và độc đáo của nó. Tuy nhiên, lúc sinh thời của ông, nó chút nữa thì tan biến vào hư vô. Do vua Frederick William I của Phổ không phải người bảo trợ hào phóng với nghệ thuật, bá tước Ludwig dường như không đủ nhạc công trong đoàn nhạc Berlin của mình để biểu diễn các bản hòa tấu. Bá tước cũng không buồn cảm ơn hay trả công cho nhà soạn nhạc tài ba và chắc chắn không biết món quà dành cho mình về sau sẽ là chuẩn mực của nhạc Baroque, với sức mạnh vươn ra ngoài vụ trụ, khi NASA chọn chương I của Concerto Brandenburg số 2 để đưa vào đĩa Voyager Golden Record.
Chùmpartita và sonata - Đỉnh Himalaya của những violinist
Trong đĩa Voyager Golden Record, NASA đã chọn chương III của Partita số 3 cung Mi trưởng viết cho violin.
Partita này nằm trong chùm 6sonata và partita cho violin solo của Bach, nó có tên là: The Sei Solo A Violino Senza Basso Accompagnato (6 bản solo cho violin không có bè trầm kèm theo). Một số người tin rằng nghĩa đen của từ “sei solo” (bạn cô đơn) là để ám chỉ tới cái chết trong thời gian đó của vợ ông. Thuyết này được nhạc sĩ lan truyền nhưng các học giả về Bach không cho là vậy, dù năm hoàn thành ghi trên trang bìa dường như là để tưởng nhớ về vợ ông.
Theo các bản thảo ít ỏi còn sót lại, chùm tác phẩm được Bach hoàn thành vào năm 1720 cũng tại Kothen, nhưng cũng có thể là chỉnh sửa lại từ các tác phẩm gốc viết trong thời ở Weimar. Kết cấu đa âm bị điều chỉnh theo nguyên tắc đối âm cũng cho thấy chúng chịu sự ảnh hưởng của các tác phẩm độc tấu violin đang rất phát triển thời kỳ đó như các partita của Johann Paul von Westhoff viết cho violin độc tấu năm 1696. Nghệ sĩ violin vĩ đại Westhoff từng có quãng thời gian sống ở Weimar và Bach có thể quen biết ông tại đây.
Vào thế kỷ 19, các tác phẩm của Bach cho nhạc cụ dây mà không có bè trầm bị coi là vô cùng kỳ quặc. Một số nhà soạn nhạc còn cho rằng sự tồn tại của chúng là một sai lầm khó hiểu của bậc thầy. Schumann và Mendelssohn thậm chí còn viết thêm phần đệm piano cho các bản này. Nhưng Bach hiểu rõ khả năng của violin và đã đẩy violin độc tấu lên một tầm cao mới và vững chắc.
Cho tới nay, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất từng biểu diễn thành công chùm tác phẩm này là Georges Enescu, người đánh giá chúng là “Đỉnh Himalaya của những người chơi violin”.
“Clavecin Bien Tempere” - Kinh Cựu ước của âm nhạc
Bản NASA chọn vào đĩa vàng Voyager là cặp Prelude và Fugue số 1 giọng Đô trưởng của Clavecin Bien Tempere (tập II) của Johann Sebastian Bach.
Clavecin Bien Tempere tập I được sáng tác vào đầu những năm 1720, hoàn thành năm 1722. Khoảng 20 năm sau, Bach mới biên soạn tập II. Mục đích của 2 tập Clavecin Bien Tempere này là Bach muốn chứng minh sự ưu việt của hệ thống bình quân luật - hệ thống này đã mở ra sự phát triển vô cùng rực rỡ của âm nhạc nói chung.
Theo đó, mỗi tập gồm 24 cặp prelude và fugue, viết theo thứ tự của thang 12 bán cung. Cặp đầu tiên viết giọng Đô trưởng, thứ hai là Đô thứ, thứ ba là Đô thăng trưởng, thứ tư là Đô thăng thứ, và cứ tiếp tục như vậy cho tới khi mọi phím đều được giới thiệu, kết thúc bằng fugue giọng Si thứ.
Tuy prelude và fugue là hai thể loại âm nhạc khác nhau nhưng Bach đã hòa hợp nó lại giống như một “liên khúc nhỏ”.
Một lần nữa, tại đây, niềm đam mê khám phá, thử nghiệm của Bach lộ rõ. Dù nhiều người nghi ngờ, Bach lại tỏ ra ủng hộ hệ thống thang âm bình quân của Werckmeister, trong đó chia quãng 8 thành 12 nửa cung đều nhau, thay vì theo hệ thống âm tuyệt đối, trong đó các nửa cung diatonique và nửa cung chromatique là không bằng nhau.
Do đó, hai tập của Bach có thể coi như một phát minh khoa học. Nhạc trưởng lỗi lạc Hans Von Bulow từng ví nó như Kinh Cựu ước của âm nhạc. Coi là Kinh Cựu ước bởi nó không chỉ lịch sử phát triển của âm nhạc khi đó, mà còn mở đường cho nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại về sau.
Không giống bản prelude giọng Đô trưởng ở đầu cuốn I, với nhiều hợp âm rải, prelude này là một chuỗi du dương liên tục, tự do và tinh vi hơn. Nó giữ được đầy đủ ý nghĩa kép có thể đạt được với nhạc cụ phím bằng cách giữ nốt của giai điệu để chúng có thể phát triển thành hợp âm bền vững (sustained chord), đồng thời, cho phép hai phần riêng biệt kết hợp thành một giai điệu du dương khác biệt so với khi tách lẻ. Trong khi đó, bản fugue dài 83 khuông nhịp, viết cho ba giọng, được đánh giá là có Coda đạt đến cao trào, đặc biệt là sức sống mãnh liệt trong 8 khuông cuối.
Vài nét về Johann Sebastian Bach Johann Sebastian Bach (1685-1750) là nhà soạn nhạc người Đức, đồng thời là nghệ sĩ organ cừ khôi. Ông sinh ngày 21/3/1685 tại Eisenach, Saxe-Eisenach trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Ông mất ngày 28/7/1850 cũng tại nước Đức. Ông qua đời để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó, 48 cặp prelude - fugue trong 2 tập Clavecin Bien Tempere được xem là tác phẩm tiêu biểu và là đóng góp vô cùng quan trọng đối với lịch sử phát triển âm nhạc của thế giới. Cùng thời với ông còn một nhạc sĩ người Đức cũng rất nổi tiếng là George Frideric Handel (1685-1759). Các nhà phê bình âm nhạc ví von: Nếu âm nhạc của Handel là những bức tranh áp-phích mạnh mẽ, gân guốc thì âm nhạc của Bach đi vào sự tinh tế và chiều sâu của tâm hồn… |
Thư Vĩ
Tags