(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉn chu với sơ mi, carvat như khi lên sân khấu, NSƯT Đức Long thoải mái diện áo phông ngắn tay với quần jeans ở phòng tập. Vì thế mà trông anh trẻ hơn so với tuổi.
Liveshow “để đời” Đức Long hát chỉ còn một tuần nữa là diễn ra (lúc 20h ngày 15/4 tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội). Trong khi các nghệ sĩ đang miệt mài tập luyện để chờ đến giờ G thì NSƯT Đức Long đã tranh thủ chia sẻ về một tiết mục đặc biệt sẽ xuất hiện trong chương trình.
Anh gọi đây là “mì chính” không thể thiếu trong bữa tiệc âm nhạc của mình: phần trình diễn ca khúc Cô đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với phần đệm đàn của nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Cô đơn nhưng không giã từ...
* Được biết, show diễn Đức Long hát lúc đầu dự kiến tổ chức vào một ngày khác nhưng sau đó lại là ngày 15.4...
- Đúng là lúc đầu, chương trình lên kế hoạch thực hiện show vào một ngày khác. Nhưng cũng là một cái duyên khi tổng đạo diễn Quang Vinh nói chuyện với tôi và chúng tôi nhận thấy, tháng 4 này còn kỉ niệm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà tôi thì lại hát một ca khúc của nhạc sĩ đã quá gắn bó với mình, gắn bó với cả mối quan hệ giữa tôi và nhạc sĩ: ca khúc "Cô đơn".
Vì vậy, với show diễn có thể gọi là cuối này của mình, tôi vừa muốn tri ân những khản giả đã yêu thương mình suốt hơn 40 năm qua, cũng muốn tri ân cả với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nên đã chọn ngày 15.4 để thực hiện liveshow.
* Để tri ân tác giả mà anh chỉ chọn hát có một bài thôi sao ?
- Cái gì nhiều thì dễ ngán, chỉ một thôi thì còn thòm thèm! Ngay nhạc sĩ Nguyễn Quang (con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) cũng nói, mấy chục năm làm nghề mà anh ấy chưa có một show diễn nào lại chỉ chơi có một bài như lần này. Hay việc bay từ Mỹ về đây chỉ diễn một bài với anh ấy, nghe có vẻ xa xỉ nhưng có những điều mà trên cả xa xỉ là sự vô giá.
Chúng tôi muốn thực hiện một ca khúc với tâm lực dồn vào đấy là 100%. Một ca khúc đủ để gợi nhớ được nhiều kỉ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong tâm tưởng của nhiều khán giả. Điều đó, mang đúng tinh thần chúng tôi muốn làm.
* Anh có thể nói gì về mối nhân duyên giữa mình và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9?
- Đó là sau một đêm nghe tôi hát, nhạc sĩ nói rằng ước gì giọng hát này có thể hát cho ông bài Cô đơn vì chất giọng của tôi mà hát bài Cô đơn thì ông sẽ cực kì toại nguyện.
Vừa nghĩ xong thì bài hát Cô đơn được mở lên - khi đó tôi hát ca khúc này trong chương trình Quán âm nhạc. Vậy là 2h sáng nhạc sĩ gọi cho tôi, ngỏ ý, dịp này sẽ tổ chức đêm nhạc kỉ niệm ông 70 tuổi, ông mời tôi hát nhưng là với ca khúc chưa được hát nhiều ở thời điểm báy giờ, ca khúc Kỉ niệm. Và tôi nhận lời.
Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên gọi điện trao đổi với nhau. Năm 2014, khi làm show 35 năm hát tự tình, tôi quyết định hát Cô đơn. Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã từ Mỹ trở về làm tổng đạo diễn nhưng người đệm đàn cho tôi hát ca khúc này chính là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Tôi đã hát rất thành công ca khúc này ngày hôm ấy và từ đó, mỗi show diễn của nhạc sĩ diễn ra tại Hà Nội, tôi đều có vinh dự được tham gia.
* Anh có nghĩ ca khúc Cô đơn không chỉ là một sự đồng cảm với sự nghiệp mà còn “vận” cả vào cuộc sống của mình không?
- Những nghệ sĩ như chúng tôi khi gặp những ca khúc mà thấy tâm huyết điều gì đó trong ca khúc ấy là yêu thích ngay. Nhưng đối với tôi thì không có bài hát nào hay nhạc sĩ nào là số 1 mà tất cả đều trên cả số 1. Chỉ khác là ca khúc này có hợp với tôi không, tôi có cảm nhận được hay không thi tôi sẽ hát.
Nói đến bài Cô đơn, khi đọc và hát lên, tôi thấy ca khúc này như cuộc đời con người, như người nghệ sĩ, sau cuộc vui mà bao người vỗ tay dưới ánh đèn sân khấu nhưng về nhà, sự cô đơn lại đến dù trong phút chốc. Mình thấy hình ảnh và lời ca đấy còn phù hợp cả với những cuộc sống gia đình, lứa đôi mà có lúc vui vẻ, có lúc lại không hiểu vì sao thế này...
- NSƯT Đức Long làm liveshow để đời kỉ niệm 4 thập kỷ ca hát
- NSƯT Đức Long: Nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc xưa sai lời!
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 quả thật là đa cảm và tôi cũng rất đồng cảm với cảm giác khi nhạc sĩ đang có những sự tung hô ở bên ngoài, nhưng về nhà lại là một sự cô đơn vây quanh. Cái cảm giác ấy, cảm nhận rõ nhất là những lúc chúng tôi đi lưu diễn xa nhà hàng tháng trời. Vì sau những buổi diễn là sẽ chỉ còn lại một mình thui thủi thôi.
Sự giao cảm và đồng cảm đấy khiến tôi và nhạc sĩ gặp nhau. Khi ông nhận xét: "em hát bài của tôi được, tôi rất hài lòng" lại càng trở thành động lực để mỗi lần hát, tôi lại sửa sang thêm những gì mình còn thiếu sót và cảm thấy yêu thích ca khúc này hơn !
* Như chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang về sáng tác Cô đơn thì đó cũng là giây phút nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 muốn từ bỏ nghề. Có khi nào anh rơi vào trạng thái này trong sự nghiệp của mình ?
- Tôi nghĩ khi nào nhắm mắt xuôi tay mình mới giã từ sân khấu ! Nhạc sĩ có thể có lúc ngưng đọng như vậy nhưng với tôi, ngoài đi hát, tôi còn có sinh viên chờ đợi mình lên lớp.
Cuộc sống của tôi là cứ hết giờ diễn lại đến giờ dạy khiến tôi chưa bao giờ cảm thấy bế tắc ở con đường này. Nên ý nghĩ từ bỏ nghề, với tôi chắc chắc là không đến !
Lỡ duyên nhưng không lỡ được yêu!
* Có lẽ vì thế mà ở tuổi này, đứng lên sân khấu thì không thiếu nhưng để làm cả một chương trình như anh thì vẫn hiếm. Điều gì khiến anh "dấn thân" đến vậy ?
- Nếu không có cung văn chiếu mệnh, tôi không đi hát, tôi có làm gì cũng vẫn sẽ làm đến nơi đến chốn trong tinh thần phải lao động cống hiến hết mình. Và tôi theo nghiệp hát, thì tôi cũng sẽ hát đến khi còn có thể.
Cái tinh thần cống hiến ấy có lẽ tôi được tôi luyện từ thời trẻ. Thời thanh niên của chúng tôi sống nhiệt huyết lắm. Thời đó, công nhân chúng tôi sẵn sàng tăng ca để cống hiến. Rồi đến khi làm người lính, những ngày không đi hát, chúng tôi đi cắm chông rồi vác loa, bê loa những 70-80kg mà chỉ 2 người khiêng. Hát thì hát chay, hát bên này thì bên kia biên giới đang súng ống ngắm sang.
Khi được hỏi: "Đi diễn nhiều, đi dạy nhiều thế, khi nào nghệ sĩ sẽ đổi nhà to hơn ?", NSƯT Đức Long khẳng khái: "Nghĩ thế thì nghệ sĩ chúng tôi đã mua được nửa cái Hà Nội này !". "Lao động để cống hiến, không phải đem lại kinh tế. Tất nhiên, lao động làm sao để mình không được khổ quá nhưng cũng không được tham quá. Để đi diễn và đi dạy nhiều mà có tiền mua nhà thì cũng phải hỏi lại nghệ thuật chân chính là gì, và sống như thế nào là đủ, có cảm thấy hài lòng không ?" - nghệ sĩ bày tỏ. Khi lên lớp, điều đầu tiên chúng tôi vẫn dạy học trò là phải có đạo đức nghề nghiệp. Vì giữa hai ranh giới, xã hội sẽ gọi tên mình là anh/chị hay là thằng ! - NSƯT Đức Long nói thêm. |
Thời trai trẻ, một năm chúng tôi có đến 70 buổi diễn ở khắp những vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo để phục vụ đồng bào. Cũng ở thời ấy, khi phong trào ca hát quần chúng lên cao, phường xã hàng năm đều có hội diễn, lứa chúng tôi không chỉ ai cũng biết hát, bài gì cũng hát được mà còn hào hứng với những mùa Hè được phát tem phiếu, giấy công tác đi xuống các địa phương, nhà máy, xí nghiệp để dàn dựng chương trình.
Trong khi bây giờ, nhiều người ở tuổi 30-40 vừa không biết hát vừa không biết bài hát từ đâu ra còn sinh viên nghệ thuật nói chung thì thiếu cái vốn ý thức phục vụ và cống hiến cho cộng đồng. Tôi thấy đó là điều đáng tiếc !
Nhiệt huyết là cống hiến ! Điều đó dường như ăn sâu vào thế hệ chúng tôi.
* Anh vẫn nói mình biết bằng lòng và hài lòng với thực tại, ngay cả khi thiếu vắng đi một tình yêu dành cho đời sống riêng của mình ?
- Tôi xác định đã lao vào con đường này mà đi đến tận cùng, sẽ phải có mất mát và hi sinh. Tôi có điều ấy. Nhưng tôi vẫn luôn được yêu, thậm chí rất nhiều người yêu tôi.
Tôi được yêu nhiều, khán giả cả nước yêu, ngoài nước cũng yêu. Nhiều như vậy rồi, nếu thêm nữa, tôi sợ mình gánh không nổi !
* Nhưng vé chương trình đã bán hết, anh sẽ thêm một buổi để khán giả yêu thương chứ ?
- Cả cuộc đời tôi chỉ có cống hiến nên làm một đêm là đủ cho những ai thực sự yêu mến tìm đến sân khấu để ngồi nghe mình hát ! Còn làm thêm nữa, lại chẳng thành...kinh doanh!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Liveshow Đức Long hát gồm 3 phần chính: Phần 1 là những ca khúc tái hiện lại những tháng ngày đầu tiên NSƯT Đức Long bước vào con đường âm nhạc như Chiều Hạ Long cho đến những ca khúc liên quan đến đời lính vì anh từng là một chiến sĩ. Phần 2 NSƯT Đức Long sẽ xuất hiện với diện mạo của một người nghệ sĩ đắm say với nghề, cũng là một người thầy dạy thanh nhạc tận tụy, luôn truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò dù ở bất cứ nơi đâu. Phần cuối là về một quý ông Đức Long của tình ca. Riêng phần trình diễn ca khúc Cô đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ được dàn dựng đặc biệt dưới bàn tay của nhạc sĩ Nguyễn Quang. Nhạc sĩ Nguyễn Quang tiết lộ đây là một tiết mục mà anh phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao để tiếp nối những lời hẹn ước còn dang dở giữa bố anh và NSƯT Đức Long. |
Thanh Tuệ (thực hiện)
Tags