NSƯT Đức Long: Nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc xưa sai lời!

Thứ Sáu, 08/01/2010 14:17 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình, tiền chiến, NSƯT Đức Long - diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc VN, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, hiện là giọng ca nam hiếm hoi sống được lâu dài với dòng nhạc xưa này. Không quá nổi tiếng như nhiều ca sĩ trẻ, nhưng giọng ca Đức Long vẫn có một vị trí vững chắc trong lòng khán giả với các tình khúc của Phạm Duy, Từ Công Phụng, Y Vân, Phạm Mạnh Cương... CD mới nhất của anh mang tên: Tôi đi giữa hoàng hôn vẫn nối tiếp những tình khúc nhạc xưa đó.

NSƯT Đức Long tâm sự:

- Những tác phẩm trong album này “xưa như trái đất”, không có gì mới mẻ cả, nhưng nó thiếu vắng trên thị trường âm nhạc hiện nay, ít người hát, nhưng công chúng rất cần. Vì thế Công ty Nghe nhìn Thăng Long đã tích cực kết hợp với tôi làm sống lại những tác phẩm này. Loại nhạc này rất khó nghe, nhưng ai đã nghe thì mê luôn...


* Thực ra, bây giờ cũng có nhiều gương mặt trẻ hát dòng nhạc xưa như một sự khẳng định tên tuổi. Anh nghĩ gì về sự cạnh tranh của họ với những người chuyên hát như anh?

- Điều bạn hỏi thật ra tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Hiện nay, đúng là có một số ca sĩ hát lại dòng nhạc xưa, và tôi cũng có theo dõi. Nhưng có nhiều người hát vẫn đi lại gót mòn của người đi trước, hoặc thiếu chỗ này, chỗ kia, hoặc sai lời. Có thể vì họ sinh ra trong thời kỳ đất nước hòa bình, chạy theo dòng nhạc thị trường nhiều nên khi hát lại dòng nhạc này, họ cứ hát chứ không để ý đến nội dung tác phẩm. Ví dụ như bài Áo mùa Đông của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một ca sĩ nổi tiếng đã hát “Người bạn tôi trong nắng quái chiều ngồi miền quê đan áo”, thành “quá chiều”... Khi tôi hỏi là tại sao em lại hát như thế, có để ý đến lời không, bạn ấy mới giật mình bảo: “Ơ, em cứ tưởng là thế!”. Hay bài Suối mơ của Văn Cao có câu “Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi...” thì có ca sĩ lại hát thành “Đàn ai...”. Hoặc bài Chiếc lá cuối cùng của Đoàn Chuẩn - Từ Linh có câu “Dấu vết lâu đài trên cát anh xây...” thì ca sĩ lại hát thành “Dấu vết lâu dài...” Các ca sĩ trẻ quá nổi tiếng, tôi rất phục các bạn ấy về nghề, và cũng không muốn nói lại nhiều...

* Vì lý do gì anh chọn Tôi đi giữa hoàng hôn làm tên album lần này, ngoại trừ đây là ca khúc trong album, hay vì tuổi của anh, cái tuổi đã hoàng hôn?

- Tôi thích lấy ca khúc để đặt tên album vì tất cả những ca khúc bên trong album, nếu dành 60 phút để nghe hết, đều như là một câu chuyện. Và tôi vẫn cố gắng để các ca khúc trong album liên quan đến nhau. Ở album Tôi đi giữa hoàng hôn đề tìm lại những kỷ niệm... vì tất cả những bài hát đều liên quan đến chữ “chiều”...

* Xin cảm ơn anh!

Album Tôi đi giữa hoàng hôn gồm 9 ca khúc: Dấu tình sầu (Ngô Thụy Miên); Kiếp dã tràng (Từ Công Phụng); Ngăn cách (Y Vân); Nghìn trùng xa cách (Phạm Duy); Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền); Thành phố mưa bay (Bằng Giang); Thung lũng hồng (Phạm Mạnh Cương); Tôi đưa em sang sông (Trần Nhật Ngân); Tôi đi giữa hoàng hôn (Văn Phụng).


Lê Duy (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›