TT&VH có cuộc trò chuyện với NSƯT Phan Phúc (trưởng dàn nhạc), một trong những “chứng nhân” của sự kiện nói trên. Trong bức hình Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn do nhà báo - NSNA Lâm Hồng Long chụp đêm hôm ấy, NSƯT Phan Phúc và nghệ sĩ Nguyễn Xuân Hòa là 2 nhạc công violin ngồi hàng đầu tiên và gần Bác nhất, cả hai đang tươi cười, vừa kéo đàn vừa nhìn Bác...
Đã tròn 50 năm, NSƯT Phan Phúc bồi hồi nhớ lại:
Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”. Người đàn violin ngồi bên trái là NSƯT Phan Phúc |
Sân khấu mà tôi tham gia biểu diễn gồm Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với biên chế “4 quản”, gồm 114 nhạc công, có thể nói đây là dàn nhạc giao hưởng lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam; cùng với dàn đại hợp xướng (800 người), đây là hợp xướng tập hợp bởi sinh viên của các trường cao đẳng, đại học tại Hà Nội.
* Trước khi Bác Hồ đến, các ông có biết trước hay không? Khi Bác đến thì đã biểu diễn chưa?
- Bác đến hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi không ai biết trước cả. Lúc đó tôi là trưởng dàn nhạc, khoảng gần 20h, sắp sửa biểu diễn, hợp xướng và dàn nhạc đã tập kết vào vị trí. Tôi đang chuẩn bị soạn tổng phổ, đũa chỉ huy để lên giá nhạc cho chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu.
Bất ngờ, tôi nhìn thấy Bác Hồ đi cùng nhiều vị khách quốc tế. Tôi và mọi người rất vui mừng, nhưng cũng rất lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì Bác và các vị khách nước ngoài đã đến trước dàn nhạc. Bác bảo tôi ngồi xuống, rồi hỏi lớn mọi người: “Các cháu có biết bài Kết đoàn không?”. Nhiều người đồng thanh: Thưa Bác có ạ! Sau đó Bác đứng lên bục chỉ huy và cầm chiếc đũa mà tôi đã để sẵn trước đó.
Tôi vội đứng lên và nói lớn với dàn nhạc: Chúng ta cùng chơi “ton” đô. Rồi dưới đũa chỉ huy của Bác, bài Kết đoàn vang lên, dàn đại hợp xướng 800 người hòa cùng dàn nhạc giao hưởng 114 người nhịp nhàng, hùng hồn...
Bác chỉ huy rất chuyên nghiệp Nhạc sĩ Vĩnh Lai, hiện sinh sống tại TP.HCM. Tối 3/9/1960, ông là kỹ sư âm thanh thuộc tổ kỹ thuật thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam đi thu âm tại sân khấu giao hưởng - hợp xướng ở công viên Bách Thảo. Ông cũng là người chứng kiến Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng. Ông cho rằng: “Hôm đó Bác chỉ huy rất đúng và rất đẹp. Nhìn bức hình do Lâm Hồng Long chụp, tư thế Bác đứng là của một chỉ huy chuyên nghiệp, tay phải cầm đũa để chỉ huy, tay trái điều khiển rất bài bản”. |
- Không, đêm đó biểu diễn “chay” chứ không có micro, khán giả thì đứng chứ không có ghế ngồi, các đại biểu quốc tế đi theo Bác khoảng gần 20 người, họ ngồi bệt xuống cỏ phía trước sân khấu. Họ vô cùng ngạc nhiên, có lẽ không nghĩ rằng một vị lãnh tụ lại đứng điều khiển dàn nhạc và hợp xướng điệu nghệ đến thế.
Mọi người cùng hát và đàn 1 lần bài Kết đoàn thì kết thúc. Sau đó Bác và các vị khách nước ngoài tiếp tục đi qua các sân khấu khác trong công viên Bách Thảo. Chúng tôi lặng yên ngồi nhìn theo cho đến khi không còn thấy Bác nữa, mọi người như sực tỉnh và chuẩn bị cho chương trình biểu diễn chính thức ở sân khấu của mình.
* Khi Bác chỉ huy, các ông chơi đàn có dễ không?
- Hợp xướng và dàn nhạc chỉ chơi đồng âm (unisson) nên cũng không có gì khó khăn, mọi người rất vui vẻ và phấn chấn, biểu diễn nhiệt tình, vừa đàn vừa nhìn Bác. Phải nói là bài hát được trình diễn rất biểu cảm, tiếng đàn tiếng ca vang rền cả một khu công viên. Tiếng hát tiếng nhạc đã dứt, Bác rời khỏi sân khấu nhưng mọi người vẫn cứ như trong mơ...
* Còn cảm giác của riêng ông lúc đó thế nào?
- Đó là lần thứ hai tôi được gặp Bác, lần đầu là 19/5/1950 khi tôi là đội viên Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân, chúng tôi vào biểu diễn mừng sinh nhật Bác tại chiến khu Việt Bắc. Tôi còn nhớ Bác đã đãi chúng tôi một bữa cơm với rau, bí do Bác tự trồng. Lúc ra về Bác cho chúng tôi kẹo và 200 đồng để làm vốn tăng gia sản xuất, đồng thời căn dặn chúng tôi phải ra sức rèn luyện phấn đấu thành tài để sau này phục vụ đất nước. Hình ảnh đó tôi vẫn còn ghi mãi trong tâm trí.
Lần sau, khi tôi đã trưởng thành trong nghề nghiệp, là trưởng của một dàn nhạc giao hưởng quốc gia, biểu diễn dưới đũa chỉ huy của Bác tôi vô cùng hạnh phúc và đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời sự nghiệp của tôi.
* Ngày 3/9 được lấy làm Ngày Âm nhạc Việt Nam hẳn là có ý nghĩa lớn?
- Tôi nghĩ đó là một may mắn đối với âm nhạc Việt Nam. Sự kiện một lãnh tụ vĩ đại chỉ huy một dàn nhạc và dàn đại hợp xướng lớn nhất nước hát bài Kết đoàn mang một ý nghĩa lớn lao và là một kỷ niệm quá đẹp đối với giới âm nhạc của nước nhà. Khi bàn về việc lấy ngày 3/9 làm Ngày Âm nhạc Việt Nam, tôi và một số đồng nghiệp cao tuổi mong muốn rằng, các lĩnh vực của ngành âm nhạc như sáng tác, biểu diễn, lý luận... hãy đoàn kết bên nhau để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
NSƯT Phan Phúc. Tự học nhạc từ bé, thời gian làm liên lạc cho văn phòng Chiến khu 2, người thầy đầu tiên về violin của ông là nhạc sĩ Huy Du. Sau này ông 2 lần đi tu nghiệp violin ở Trung Quốc và Bungary. Ông có thời gian khá dài công tác tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (là trưởng dàn nhạc) và Đài Tiếng nói Việt Nam (trưởng đoàn ca nhạc). Ông nghỉ hưu năm 1998, hiện sống tại số 5 Trần Phú, Q.Ba Đình, Hà Nội. |