(Thethaovanhoa.vn) - Không quá lời để nói Anh trai yêu quái là một trong những phim tình cảm tốt nhất của điện ảnh Việt năm 2019 với kịch bản hay, diễn xuất tốt, thông điệp nhân văn quyện hòa. Phim công chiếu toàn quốc từ ngày 29/11/2019.
Bản phim làm lại (remake) của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng từ tác phẩm My Annoying Brother của Hàn Quốc - đã chiếu ở Việt Nam dưới tựa Anh tôi vô số tội - một lần nữa cho thấy: nếu có kịch bản hay và đạo diễn phù hợp, điện ảnh Việt sẽ làm nên chuyện.
Làm mới cái cũ
Phim làm lại khó vượt qua bản gốc, đó gần như là định kiến đã ăn sẵn vào đầu của nhiều người xem, nhất là khi điện ảnh Việt đã có nhiều phim remake thất bại. Nhưng Anh trai yêu quái không đem lại cảm giác tiêu cực đó.
Những ai đã từng xem bản Hàn Quốc thì đều thấy bản Việt không hề thua kém. Còn với những ai chưa từng xem bản gốc thì Anh trai yêu quái xứng đáng là bộ phim nổi bật của năm 2019, tính đến thời điểm này, sau phim Hai Phượng. Rất tiếc phim này đã rút lui vào phút chót tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 để ưu tiên cho việc công chiếu, không sẽ có thể làm nên chuyện.
Hai anh em tính cách khác biệt và xa cách nhau đã lâu, nay phải về sống chung khiến mâu thuẫn xảy ra, nhưng dần dà họ gắn bó với nhau. Đây là một mô-típ không có gì mới, câu chuyện cũng đã nhiều thể loại khai thác, nhưng phim đã biết níu chân người xem bằng cách kể, cách diễn sao cho mới mẻ.
Dẫu cho phim bám khá sát bản gốc, kể cả góc quay, thì vẫn có thể nhận ra kha khá sự sáng tạo trong bản làm lại. Chẳng hạn hình ảnh cây hồng trong bản gốc được thay thế bằng cây khế với ý nghĩa gợi nhớ sự tích dân gian Ăn khế trả vàng, nói về tình anh em. Hoặc nhân vật người bạn vui tính được thay bằng người hàng xóm dì Tám - người mà từ tên gọi cho đến tính cách rất quen thuộc, gần gũi với đời sống người Việt.
Những món ăn trong phim cũng được mang hồn Việt: canh chua, lẩu khế, mì gói… Thoại phim đời thường, dân dã nhưng lột tả tình cảm nhân vật như việc Phong (Kiều Minh Tuấn đóng) gọi Lâm, em trai bằng “thằng chó”, gọi Diệp - huấn luyện viên của Lâm - là “bé dâu”. Ngay tính cách và mối quan hệ của nhân vật cũng được chỉnh sửa đôi chút, như việc Phong láu cá, tinh quái hơn người anh trong bản Hàn; Lâm và Diệp có mối quan hệ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, chứ không như bản gốc chỉ như tình chị em.
Những sự Việt hóa hợp lý này làm “bay màu” Hàn và chỉ còn để lại dấu ấn Việt trên màn ảnh. Thành công nhất là khả năng dẫn dắt người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ khóc đến cười, rồi ngược lại.
Dấu ấn Kiều Minh Tuấn
Đảm nhận vai diễn trung tâm của Anh trai yêu quái, Kiều Minh Tuấn đã giành lại được thiện cảm của người xem sau xì-căng-đan đời tư thời phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con! Vai diễn Phong chẳng phải là cú lột xác trên màn ảnh của Kiều Minh Tuấn, bởi tính cách của nhân vật gần như đã được chỉnh sửa để phù hợp với nét diễn của anh: tinh quái, láu cá, nhưng lại có được ấm áp, tình cảm. Đến với vai Phong, Kiều Minh Tuấn mới minh chứng được nội lực diễn xuất của mình, kể từ phim Em chưa 18.
Trong phim, khoảnh khắc Phong ngấn lệ, nước mắt trào ra nhưng không rơi xuống, khi nghe em trai kể về những kỷ niệm thời ấu thơ của hai anh em với cây khế; khoảnh khắc Phong khóc nức nở khi nói chuyện qua điện thoại với em trai vì những cơn đau của căn bệnh ung thư đang hành hạ là hai phân cảnh đáng nhớ nhất và lấy nhiều nước mắt nhất của Kiều Minh Tuấn.
Người xem cảm nhận được những tổn thương, nỗi đau trong nhân vật qua từng cách khóc của Kiều Minh Tuấn. Nhưng cũng chính con người này, trước đó một chút, đã khiến người xem bật cười thích thú vì cách hành xử ma lanh, láu cá, nghịch ngợm, nhất là đối với cậu em trai mù lòa, tội nghiệp. Cái hay trong nét diễn của Kiều Minh Tuấn là biết cách cân bằng, tiết chế để khi lột tả sự tinh quái vẫn không làm cho người xem ghét và nhờ vậy khi nhân vật trở thành ông anh hoàn hảo, đáng thương, cũng đã thuyết phục được người xem.
Dương Ngọc
Tags