Phim 'Bắc kim thang': Chất kinh dị ẩn sau bài đồng dao nhí nhảnh

Thứ Năm, 24/10/2019 07:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lấy cảm hứng từ bài đồng dao quen thuộc dành cho thiếu nhi, phim Bắc kim thang (đạo diễn: Trần Hữu Tấn) lại có một không khí trái ngược hoàn toàn. Không hề vui tươi và nhí nhảnh, phim đi sâu vào những góc khuất trong nội tâm con người, kết hợp chất kinh dị để gây ám ảnh.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Chưa có sự khác biệt ở mảng phim kinh dị

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Chưa có sự khác biệt ở mảng phim kinh dị

Trần Hữu Tấn là một cái tên không xa lạ với các… nhãn hàng cần quảng cáo. Hơn 4 năm chuyên làm đạo diễn phim quảng cáo (TVC) cũng như các phim ngắn đoạt giải khắp nơi. Thế nhưng với khán giả số đông của mảng phim chiếu rạp thì anh lại là lính rất mới.

Với những thế mạnh của riêng mình, Bắc kim thang có khả năng truyền cảm hứng về dòng phim kinh dị tâm lý mà Việt Nam đang còn hơi ít tác phẩm.

Đi vào chiều sâu tâm lý

Kịch bản do Trần Hữu Tấn - Nguyễn Thị Hoàng Anh chắp bút, giản dị nhưng đủ chiều sâu. Không bắt đầu bằng những sự kiện “đao to búa lớn”, hoặc rập khuôn như nhiều phim cùng thể loại, Bắc kim thang tập trung đi sâu vào yếu tố tâm lý của nhân vật Thiện Tâm. Phim mượn các sinh hoạt gần gũi, đời thường ở nhiều gia đình vùng thôn quê Nam bộ để làm “đòn bẩy” khơi dậy phần ký ức mơ hồ và kinh hoàng.

Một điểm khác biệt nữa là phim không quá chú trọng vào những pha hù dọa, mà tác động đến tâm trạng của khán giả nhờ cách xây dựng kịch bản lớp lang, có sự lồng ghép của hai thời điểm quá khứ - hiện tại và đan xen nhiều tình tiết có sức gợi mở. Với sự sắp đặt hợp lý này, cộng với nhịp phim chậm rãi, từ tốn, người xem sẽ chú tâm theo dõi phim kĩ hơn, không bị phân tâm vì giật mình, có những khoảng lặng vừa đủ giữa các sự kiện để liên tưởng và đặt mình vào vị thế của nhân vật.

Chú thích ảnh
Vai Thiện Tâm lúc lớn của Trịnh Tài khá hấp dẫn với những cảm xúc về sự băn khoăn, mất mát của nhân vật

Nhờ khắc họa được nếp sinh hoạt của miền Tây sông nước những năm 1990, từ khung cảnh, những gian phòng, trang phục, bữa cơm gia đình... mà tâm lý nhân vật càng có cơ hội nhấn nhá bằng những xúc cảm khá chân thực.

Chất liệu dân gian của phim còn được thể hiện nhiều ở những khoảnh khắc tuổi thơ vô tư, hồn nhiên của hai anh em Thiện Tâm - Hai Lầm với bài hát Bắc kim thang. Nhưng bài hát lặp đi lặp lại với hai sắc thái hoàn toàn đối lập: Vui vẻ và rợn người.

Tâm lý dằng xé còn được làm nổi bật bởi sự trái ngang về quan niệm “trọng nam khinh nữ” cổ hủ và dã tâm, xé nát tình anh em gắn bó của Thiện Tâm và Hai Lầm.

Chú thích ảnh
Với vai Út Nghĩa, Hữu Tiến (bìa phải) có được một bước tiến mới về diễn xuất

Thêm một “hình tượng kinh dị”

Hình ảnh con bù nhìn xuyên suốt trong phim dẫu chưa đủ biến cố mạnh và tạo được ấn tượng, nhưng ít nhiều cũng có tính biểu tượng, nếu biết khai thác, có thể phát triển thành một dạng “Annabelle kiểu Việt Nam”. Trong lúc nhiều phim kinh dị Việt “dùng lại” những hình tượng quen thuộc của phim quốc tế, Bắc kim thang cố gắng khai thác hình tượng con bù nhìn, là nỗ lực đáng ghi nhận.

Chầm chậm đi đến cú lật câu chuyện (twist) cuối phim, khiến khán giả bất ngờ về một cách kể khác hẳn. Đây là điểm mấu chốt của phim và cũng là “cú cua” ăn điểm của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Chắc sẽ có nhiều nhiều khán giả bất ngờ với cú lật này.

Chú thích ảnh
Con bù nhìn trong phim - một dạng “Annabelle kiểu Việt Nam”

Khi cái kết mở, với quá nhiều chi tiết vẫn đang “bỏ ngỏ” về tương lai của các nhân vật. Từ đây, khán giả dễ đoán về phần tiếp theo của Bắc kim thang, bởi sự khởi đầu một chương mới trong cuộc đời của Thiện Tâm, Hai Lầm, ông bà Hai, chú Út, vú Năm, chú Tư… là hoàn toàn đủ đất diễn. Chưa nói, những gì đã xảy ra với họ ở căn nhà đầy uẩn khúc ấy vẫn sẽ ám ảnh dai dẳng, đủ bước sang phần hai đầy đặn hơn. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là đạo diễn, nhà sản xuất và khán giả có muốn đi tiếp hay không mà thôi.

Về mặt thể loại, Bắc kim thang cho thấy Việt Nam hoàn toàn có theo đuổi dòng phim tâm lý kinh dị, nơi mà những câu chuyện đậm chất dân gian có thể tạo được sức hút bằng cấu tứ và hình tượng mới.

Các vai Thiện Tâm lúc lớn (do Trịnh Tài đảm trách), Út Nghĩa (Hữu Tiến), ông hai (Duy Phương), bà hai (Bích Hằng), Hai Lầm lúc lớn (Minh Hy), bà vú năm (NSƯT Phi Điểu), ông tư lái đò (Trung Dân), ông nội (Hữu Thành)… đều có được những nét diễn mới với họ, đủ ấn tượng.

Phim Bắc kim thang được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 25/10

Như Hà

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›