Mỗi lần Sơn Tùng M-TP tung ra thị trường làng nhạc sản phẩm mới đều gây được sự chú ý của cộng đồng nghe nhạc và giới truyền thông.
Điều này không khó hiểu bởi ca sĩ gốc Thái Bình dù sao cũng được mệnh danh là “trùm” nhạc số trong đời sống âm nhạc Việt.
Tuy nhiên, không phải lần trở lại đường đua âm nhạc nào của Sơn Tùng cũng về đích một cách mĩ mãn. Thậm chí với There is no one at all mới phát hành tối ngày 28/4, công chúng chỉ thấy một Sơn Tùng đang trượt ngã, chẳng có gì “lợi hại” hơn xưa…
Khẳng định bản thân bằng... "vay mượn"?
There’s No One At All là ca khúc 100% bằng tiếng Anh theo phong cách trap hip hop vốn đang rất phổ biến trên thế giới hiện nay.
Để có được sản phẩm này, Sơn Tùng đã kết hợp với một số nhà sản xuất âm nhạc quốc tế “có số má” như Chris Gehringer - một trong những kỹ sư âm thanh cấp cao ở studio Sterling Sound (Mỹ) đảm nhiệm khâu master cho ca khúc.
Chris Gehringer từng chịu trách nhiệm khâu master cho loạt sản phẩm âm nhạc của các ngôi sao đình đám như Drake, Lady Gaga, Rihanna, Selena Gomez, Avril Lavigne… đến lứa nghệ sĩ mới sau này như Dua Lipa, Lizzo, Lil Nas X…
Ngoài Chris Gehringer, trong sản phẩm này, Sơn Tùng M-TP còn cộng tác với Jacob McKee – một chuyên gia colorist (tạm dịch: chuyên gia chỉnh màu video), từng cộng tác với nhiều thương hiệu và nghệ sĩ hàng đầu như: Apple, Joji, Reebok, Khalid, Billie Eilish…
Đây chính là lần thứ hai Sơn Tùng M-TP hợp tác cùng nghệ sĩ đình đám của Mỹ, sau rapper Snoop Dogg trong MV Hãy trao cho anh năm 2019.
- Sơn Tùng M-TP nổi loạn và đơn độc trong 'There's No One At All'
- Sơn Tùng M-TP comeback: Fan để tâm chuyện gì?
Cùng với sự hợp tác với những tên tuổi kể trên cho một sản phẩm đầu tiên hát hoàn toàn bằng tiếng Anh trong sự nghiệp hơn 10 năm của Sơn Tùng, tham vọng chinh phục thị trường âm nhạc quốc tế của nam ca sĩ còn cho thấy ở việc cài đặt giờ phát hành riêng tại các thành phố New York, Los Angeles, Tokyo, Seoul trên kênh Youtube của mình.
Nhưng, ở các thị trường ấy chưa biết truyền thông và công chúng đánh giá như thế nào, chỉ nói riêng thị trường Việt Nam thì màn comeback này của Sơn Tùng có thể nói là thất bại khi nhận “mưa gạch đá” hơn là “mưa lời khen”.
Về giọng hát, Sơn Tùng không phải là nghệ sĩ có kỹ thuật tốt, ngay cả việc anh hát tiếng Việt trong nhiều ca khúc anh từng ra mắt trước đây đã khiến người nghe phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới rõ chữ thì khi hát bằng tiếng Anh, độ khó nghe lại nhân lên gấp bội.
Theo ý kiến của một nhà sản xuất âm nhạc, có lẽ nhận ra “điểm yếu” ấy nên trong rất nhiều sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng, các kỹ sư âm thanh thường tìm cách “lấp liếm” giúp anh bằng việc lạm dụng kỹ thuật “saturation” để nhằm mục đích “bão hòa” cho giọng hát. Nó không khác gì một họa sĩ khi phủ các màu lên toan bị quá tay khiến cho tất cả bị “bết” lại, mất đi chi tiết và chiều sâu.
Về phần hình ảnh, trong There’s No One At All, không ít người xem đã phát hiện ra nhiều chi tiết Sơn Tùng “nhái lại” người khác.
Đầu tiên là mái tóc xoăn xù bông mái bằng có độ dài gần chấm vai được cho là giống y xì đúc mái tóc của Daesung - thành viên BIGBANG. Ngoài ra, cảnh quay Sơn Tùng khi đang đi trên vỉa hè bỗng gạt tay vào người đi đường ở chiều ngược lại cũng bị cộng đồng mạng cho là "copy - paste" từ MV Crooked của trưởng nhóm BIGBANG.
Cảnh quay Sơn Tùng, quậy phá trên bàn ăn, chạy trong đường hầm, đấm vỡ chiếc gương sau đó cũng bị cho là “giống đến lạ lùng” với một cảnh quay của D-Gragon trong MV Go và Haru Haru.
Tiếp đến, cảnh quay hình ảnh Sơn Tùng nằm phía sau xe chở rác chạy quanh một khu phố ở đầu MV bị netizen cho rằng đã "đạo nhái" cảnh quay trong MV When I Grow Up của NF.
Hay chỉ một chi tiết nhỏ khác cũng bị cộng đồng mạng “bóc phốt” trong MV này chính là phần font chữ màu đỏ đề tên ca khúc không khác gì ý tưởng đề tên ca khúc ADVICE của idol Kpop Taemin (SHINee).
There's No One At All cũng có một số tình tiết giống với MV của BTS như, phân cảnh nam ca sĩ nằm co ro trên giường trắng từng được Jin diễn xuất qua trong I Need U. Đoạn Sơn Tùng M-TP bị bắt và áp mặt lên xe, liên tục thay đổi sắc mặt cũng xuất hiện ở MV Run.
Còn nhiều những hình ảnh, chi tiết khác trong sảm phẩm mới của Sơn Tùng bị tố “vay mượn” của người khác và đây không phải là lần đầu tiên Sơn Tùng vướng vào những ồn ào như thế này.
Đó có thể xem là điều tối kỵ đối với những người làm sáng tạo nghệ thuật, nhất là với những nghệ sĩ có sức lan tỏa như Sơn Tùng. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ có quyền tham khảo sản phẩm của người khác, nhưng việc sản phẩm của mình có nhiều điểm trùng lặp với sản phẩm của người khác đã phát hành rộng rãi trước đó thì khó có thể được chấp nhận.
“Tiêu cực nhất sự nghiệp của Sơn Tùng”
Ngoài những ồn ào về các chi tiết, phối cảnh giống với nhiều ngôi sao Kpop, There’s No One At All cũng khiến người cộng đồng mạng trút “mưa gạch đá” vì nội dung và hình ảnh của ca khúc được nhiều người nhận xét là “tiêu cực nhất sự nghiệp của Sơn Tùng”.
Trong MV, nam ca sĩ vào vai một trai choai ngổ ngáo, ương ngạnh, miệng phì phèo thuốc lá và có thói quen gây sự, phá bĩnh, tấn công người khác vô cớ như là cách để khẳng định với thế giới xung quanh về sự tồn tại của mình.
Trong cuộc sống hay những sản phẩm điện ảnh không hiếm gặp những nhân vật kiểu như thế này. Cũng giống như Sơn Tùng hóa thân vào nhân vật trong MV, đó có thể là một cậu thanh niên có đời sống tâm lý phức tạp với những biểu hiện tâm lý khác thường vì thiếu tình yêu thương từ gia đình hoặc không may mắn trong cuộc sống.
Nhưng việc kể về một con người luôn có những hành vi tiêu cực đến nỗi kết thúc cuộc đời mình cũng bằng một hành vi tiêu cực là nhảy lầu tự tử thì khó có thể mang lại một thông điệp tích cực như chính mong muốn của Sơn Tùng.
Và việc There’s No One At All với những hình ảnh tiêu cực, u ám như đã kể ở trên xuất hiện vào thời điểm này ở Việt Nam được nhiều người cho là không đúng lúc, khi mà cách đây không lâu, trong xã hội đã xảy ra nhiều vụ tự tử của thanh thiếu niên rất thương tâm.
Khi xem MV của Sơn Tùng, cá nhân người viết bài này cũng bị sốc khi liên tưởng đến những vụ nhảy lầu tự tử của một số bạn trẻ trong thời gian qua…
Chưa cần biết câu chuyện của Sơn Tùng kể trong There’s No One At All và Sơn Tùng gửi gắm điều gì trong đó nhưng chắc chắn một điều không có chút năng lượng tích cực nào được tỏa ra từ sản phẩm này đến với người thưởng thức nó.
Cũng giống như MV Không phải dạng vừa đâu của Sơn Tùng trước đó, dường như khi thực hiện There’s No One At All, mục đích của Sơn Tùng chỉ là để thỏa mãn cái tôi cá nhân hơn là gắn liền với đời sống xã hội và nghiêm túc trong việc dùng nghệ thuật để phục vụ con người.
Trước khi phát hành There’s No One At All, Sơn Tùng M-TP đã bộc bạch với báo chí: “Tùng muốn chinh phục một ngọn núi mới, muốn thử thách bản thân mình nhiều hơn, muốn vượt qua được giới hạn của chính mình. Thật buồn chán nếu như cứ làm một chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần…”
Và, bằng chứng cho lời nói đó, như đã kể ở trên, Sơn Tùng bắt tay với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Chris Gehringer, Jacob McKee (trước đó là Snoop Dogg), đặng hiện thực hóa ước mơ của mình.
Nhưng với There’s No One At All, Sơn Tùng đã thất bại ngay từ vạch xuất phát, vì công chúng “thật buồn chán” vì anh “cứ làm một chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần…” – từ nghi ngờ anh “đạo nhái” đến màu sắc u ám, tiêu cực, thậm chí là ngông cuồng trong những ca từ mà anh đã thể hiện.
Có lẽ chính vì điều đó nên nhiều người đã lặp đi lặp lại những câu hát có nội dung đầy bế tắc trong There’s No One At All của anh để gửi đến chính anh trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Đó là: “Tạm biệt”, “Đây là lời từ biệt”…
Đó là điều rất nguy hiểm đối với một nghệ sĩ, bởi khi bị công chúng quay lưng thì mọi “tháp ngà” nghệ sĩ đã kỳ công xây dựng cũng sẽ sụp đổ, mọi động lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân sau đó sẽ khó hơn… chinh phục một ngọn núi rất nhiều.
Cục Phát thanh Truyền hình: Sẽ có biện pháp xử lý MV của Sơn Tùng M-TP Liên quan MV There’s No One At All của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt gây bức xúc bởi tinh thần tiêu cực, bạo lực ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, phía Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) đã đưa ra thông tin chính thức. Trả lời báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTT&TTĐT), thuộc Bộ TT-TT cho biết, hiện, đơn vị đang phối hợp cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn xử lý vụ việc theo hướng tạm dừng phát hành MV. Theo ông Tự Do, MV của Sơn Tùng vi phạm Khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/202/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn. Cục PTTH&TTĐT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý chính thức. "Hình ảnh trong MV có nội dung tiêu cực tới giới trẻ, thể hiện suy nghĩ, lối sống và hành động tự tử gây tác hại lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều bạn trẻ có vấn đề về tâm lý sau hai năm về đại dịch", ông Tự Do nói. |
Phạm Huy
Tags