(Thethaovanhoa.vn) - "Siêu bão địa cầu" với sự tham gia của ngôi sao Gerard Butler là tác phẩm mang đề tài thảm họa thiên nhiên. Mặc dù chưa đem lại sự mới mẻ ở nội dung nhưng với phần kỹ xảo hoành tráng đã giúp tác phẩm thu về 17 tỉ sau 3 ngày công chiếu ở Việt Nam.
- Xem bộ phim phơi bày nạn quấy rối tình dục mà Hollywood muốn giấu nhẹm
- 'While You Were Sleeping' là bộ phim đáng xem nhất 2017
- LHP Busan 2017: Các nhà làm phim nữ 'vùng lên'
- 'Blade Runner 2049': Bộ phim lột tả chân thực toàn cảnh thế giới 2017
Bộ phim Geostorm - Siêu bão địa cầu lấy bối cảnh thế giới đang phải chịu đựng hậu quả từ biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Lúc này, một nhóm khoa học gia quốc tế mà đứng đầu là người Mỹ đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị kiểm soát thời tiết mang tên The Dutch Boy (Cậu bé Hà Lan). Tình cờ họ sớm phát hiện ra lỗi chết người trên hệ thống khi một ngôi làng ở vùng sa mạc tại Afghanistan bị đóng băng.
Jake (Gerard Butler) và anh trai Max (Jim Sturgess) - người phát minh ra The Dutch Boy lập tức được giao trọng trách sửa chữa hệ thống này. Trong lúc bộ đôi chạy đua với thời gian, toàn nhân loại phải vật lộn giành lấy sự sống khi hàng loạt thiên tai khủng khiếp cứ thế xuất hiện chồng chéo và tạo ra cơn “siêu bão địa cầu”.
Kỹ xảo hoành tráng
Khán giả mong đợi một tác phẩm điện ảnh mang đề tài thảm họa truyền thống hẳn sẽ cảm thấy mãn nhãn với hàng loạt khung hình kỹ xảo choáng ngợp trong Siêu bão địa cầu.
Tác phẩm là bức tranh tái hiện sự diệt vong của toàn Trái đất, khi mà những thảm họa thiên nhiên xảy ra trên toàn cầu, ở khắp mọi nơi. Từ những cơn bão tuyết lạnh giá, những cơn lốc xoáy càn quét mọi thứ nó đi qua đến những trận sóng thần cao ngút có thể cuốn trôi hết mọi sự vật. Trong bộ phim, những thảm cảnh đó xuất hiện ở những thành phố lớn trên thế giới như Washington D.C, Orlando, Florida, Rio de Janero, Mumbai, Dubai, Moscow và Tokyo.
Thông tin từ phía đoàn làm phim cho biết nhờ có công nghệ kỹ xảo điện ảnh mà tất cả những địa điểm kể trên đều được thực hiện tại phim trường ở New Orlean.
Kịch bản quen thuộc, không đột phá
Giống với nhiều bộ phim cùng thể loại, Siêu bão địa cầu đan xen giữa hành động và tình cảm pha chút hài hước. Ngoài chuyện đương đầu thiên tai, phim tập trung vào những âm mưu chính trị nhưng các tình tiết chưa tạo được kịch tính. Kịch bản sắp đặt các âm mưu và giải quyết chúng còn sơ sài.
Trong vài đoạn, cách nói chuyện của nhân vật sáo rỗng hoặc quá đơn giản, dù họ được mô tả là các khoa học gia, đặc vụ chính trị gia lão luyện. Một số màn đối thoại hài hước cũng thừa thãi, làm giảm chiều sâu nội dung.
Đội ngũ nhà biên kịch rõ ràng muốn thôi thúc người xem thay đổi hành vi trong cuộc sống hàng ngày để giúp tình hình biến đổi khí hậu trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng việc sử dụng một người hùng đơn thương độc mã, đại diện cho nước Mỹ cứu lấy thế giới, có lẽ đã trở nên quá nhàm chán.
Quy tụ dàn diễn viên đa quốc gia
Có lẽ với một kịch bản không đòi hỏi quá nhiều về biểu cảm, hành động và tâm lý phức tạp như Siêu bão địa cầu, Gerard Butler khá “nhàn nhã” trong nhiệm vụ giải cứu thế giới lần này. Vai Jake Lawson trong phim đủ để người hâm mộ nhận ra phong cách cao ngạo xen lẫn chút quyến rũ của tài tử 47 tuổi. Song, nếu so sánh với các phim hành động mà Butler từng tham gia trước đây, diễn xuất của nam diễn viên người Scotland chưa có nhiều sự đột phá.
Một số tuyến nhân vật gây tranh cãi khác như nhân vật Tổng chỉ huy của cả một trạm vũ trụ, đồng thời là người phụ nữ đại diện cho nước Đức do Alexandra Maria Lara thủ vai khá mờ nhạt. Nhiệm vụ duy nhất xuyên suốt bộ phim của cô là... chỉ đường cho nhân vật chính Jake. Hay vai diễn Tổng thống Mỹ cũng không hợp với diễn viên Andy Garcia.
Thành công hơn cả trong dàn diễn viên đa sắc tộc là Ed Harris. Tài tử gạo cội đảm nhận vai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Cùng với đó, Abbie Cornish trong vai một nữ mật vụ Sarah Wilson lành nghề cũng là điểm nhấn đáng giá dành cho tác phẩm. Đây là bộ đôi mang đến cho người xem nhiều tình tiết bất ngờ, không kém phần vui vẻ, ngọt ngào khi theo dõi bộ phim.
Có thể thấy, Siêu bão địa cầu là một “bữa tiệc” kỹ xảo với đủ loại thảm họa thời tiết xảy ra trên khắp thế giới có thể khiến khán giả bị choáng ngợp. Song với phần kịch bản cũ, nội dung dễ đoán, tác phẩm khó lòng có thể tạo ra sự đột phá cho dòng phim thảm họa vốn đang cần một “luồng gió" mới.
Nhật Vi
Tags