Năm 2020, hãng phát hành nhạc Universal đã làm thương vụ chấn động làng nhạc khi mua lại toàn bộ danh mục 600 ca khúc của Bob Dylan với giá được đồn là khoảng 400 triệu USD. Điều ngạc nhiên với rất nhiều người là trong danh mục này lại có The Weight của Robbie Robertson, thành viên nhóm The Band.
Với giai điệu và ca từ đặc biệt, ca khúc rock kinh điển The Weight quả thực phảng phất hương vị của Bob Dylan. Có khi nào Dylan là đồng sáng tác?
Bob Dylan giật mình
The Band được tạo thành bởi những giọng ca và nghệ sĩ đa nhạc cụ tài năng, gồm bốn người Canada Robbie Robertson, Rick Danko, Garth Hudson và Richard Manuel, cùng Levon Helm từ Turkey Scratch, Arkansas, Mỹ. Các thành viên gặp nhau ở Canada như một phần của ban nhạc của Ronnie Hawkins, The Hawks.
The Hawks rời Hawkins vào năm 1964 và một năm sau hoạt động với tư cách ban nhạc đệm cho Bob Dylan. Sau khi Dylan gặp tai nạn mô tô vào năm 1966, ông đã mời The Hawks tới tầng hầm ở Wookstock, New York với mình. Nhóm đã thuê một căn nhà màu hồng gần Tây Saugerties mà họ gọi là Big Pink. Trong thời kỳ đệm cho Dylan, nhóm lấy tên là The Band.
Phần lớn thời gian của năm 1967, Dylan đã vẽ thêm một trang sử nhạc rực rỡ. Với sự trợ giúp của The Band, Dylan đã hát hàng tá ca khúc đồng quê cổ và những bản ballad vùng núi Appalachia, cùng với những nhạc phẩm mới như I Shall Be Released và Tears of Rage. Nhưng ngay cả dưới cái bóng của một người khổng lồ như Dylan, The Band vẫn khẳng định sắc thái riêng khi cũng tại thời điểm này, họ làm album ra mắt Music From Big Pink.
Nhưng hơn cả thế, họ đã khiến cả Dylan giật mình, tới mức đề nghị nhóm ký hợp đồng với công ty xuất bản nhạc của ông cho những ca khúc riêng. Thế nên, sau này mới có xì xèo về chuyện Dylan là chủ sở hữu của một trong những tiêu chuẩn rock kinh điển thế giới mà ông không sáng tác (thật ra, ông sở hữu toàn bộ album Music From Big Pink). Cái giật mình và “tiêu chuẩn rock” này đều là về ca khúc The Weight.
Trong cuốn hồi ký Testimony của mình, Robertson nhớ lại lần đầu khi ông chơi ca khúc mới có tên The Weight cho Dylan. “Thật vi diệu! Ai đã viết vậy?” - Dylan thảng thốt. Khi Robertson đáp rằng chính mình viết, Dylan đã rùng mình “lắc đầu, đập mạnh vào tay tôi và nói: Dã man! Anh viết ca khúc này ư?”.
Quả là Dylan rất tinh đời bởi chính The Band lại không mặn mà với The Weight. Ca khúc suýt không được cho vào album Music from Big Pink. Nó chỉ được thu âm khoảng bốn lần và đóng vai trò là bản dự phòng trong trường hợp album cần thêm ca khúc, dù nhóm khá thích thú với nó.
Giai điệu đậm không khí đồng quê và phúc âm của “The Weight”:
Câu chuyện ngụ ngôn kỳ lạ
Thật ra, Robbie Robertson vẫn có niềm tin vào The Weight ngay từ đầu, chỉ là không đoán được nó sẽ thành công như vậy.
“Tôi đã nghĩ, đây là một giai điệu nhỏ mà nếu những giai điệu khác không được như mong đợi thì tôi vẫn còn gì đó ở đây. Hồi đó, tôi không nhận ra rằng nó thật sự rất hay. Khi ở trong cuộc thì khó mà nhìn rõ mọi thứ”- Robertson nhớ lại.
The Band đã biểu diễn The Weight như một ca khúc dân gian miền Nam với các nhạc cụ đồng quê mà trước đây họ hiếm khi dùng (giọng hát, guitar và trống) cùngnhạc cụ phúc âm (dương cầm và organ). Ca từ, viết ở ngôi thứ nhất, là câu chuyện về một người đàn ông- lấy nguyên mẫu từ thành viên Leovn Helm, vốn xuất thân là nông dân ở Arkansas -đi tới thị trấn có tên Nazareth. Nhận lời gửi gắm từ cô bạn, người kể chuyện đã tới thăm hỏi một loạt người xa lạ và từ đó, dẫn tới những đối thoại và hành động mơ hồ.
Rất nhiều chi tiết, nhất là tên và địa danh, trong ca khúc dễ gây liên tưởng về tôn giáo, tuy vậy, Robertson khẳng định The Weight không mang những ẩn ý trong Kinh thánh. Như thành Nazareth vốn là quê hương của Chúa Jesus thật ra được Robertson lựa chọn vì nó cũng là tên vùng Nazareth, Pennsylvania, quê hưởng của thương hiệu đàn guitar Martin trứ danh. Mà chính cây đàn này là khơi mào của The Weight.
Cụ thể, Robertson vẫn nhớ rõ ngày mình sáng tác ca khúc. Đó là một ngày như bao ngày khác, ông lên tầng, vào căn phòng nhỏ chỉ có chiếc bàn và cây guitar mà ông gọi là “khu xưởng nhỏ của tôi”. Ở đây, ông ngồi và cố nghĩ ra gì đó nhưng nhận thấy đầu óc trống trơn.
“Tôi đã nghĩ: Thảm hại! Có những ngày có hứng và có những ngày chẳng có gì thế này” - ông nhớ lại.
Chính trong lúc âu sầu đó, ông nhìn xuống cây đàn guitar đặt trên đùi và qua lỗ thoát âm, nhìn thấy nhãn cây đàn ghi “Nazareth, Pennsylvania”. Và thế là, trong 45 phút, ông đã viết ra được phần xương sống của cả The Weight.
Phần ca từ đáng chú mới là chuyện gây tranh cãi. Thành công lớn của The Weight (đi cùng với đó là tiền bản quyền khổng lồ)đã gây ra căng thẳng tột độ ở The Band khi chỉ có mình Robertson được ghi là tác giả ca khúc. Theo The Band, cả nhóm đã cùng ném vào The Weight những trải nghiệm sống của bản thân, đặc biệt là tay trống Levon Helm
Helm giải thích trong cuốn tự truyện This Wheel’s On Fire: Levon Helm And The Story Of The Band: “Ca khúc này đầy những nhân vật yêu thích của chúng tôi. Luke là Jimmy Ray Paulman. Cô Anna Lee trẻ là Anna Lee Williams từ Turkey Scratch. Chester Điên là một gã chúng tôi đều biết ở Fayetteville, thường tới thị trấn vào những thứ Bảy, đeo cả bộ súng bên hông và bước đi quanh thị trấn để giúp giữ trật tự. Gã như là Hopalong Cassidy và là một người bạn Ronnie Hawkins. Ronnie luôn thông tin với Chester Điên để đảm bảo không có rắc rối gì trong thị trấn còn Chester luôn đảm bảo mọi thứ bình yên, không có gì phải lo một khi gã ở đây. Hai khẩu súng bự, lại còn tóc che hói nữa! Còn có Carmen và Quỷ dữ, Cô Mosses và Fanny là những cái tên nghe hợp với toàn cảnh”.
- Đĩa đơn của Bob Dylan được bán với giá 1,77 triệu USD
- Ca khúc 'All Along The Watchtower' của Bob Dylan: Gã hề kéo đổ tháp Babel
- Ca khúc 'Subterranean Homesick Blues': Bob Dylan - Lao vào vùng băng giá
Bản thân Roberton cho biết ông lấy cảm hứng ca từ từ những bộ phim siêu thực của nhà làm phim Tây Ban Nha Luis Bunnuel. Điều này giải thích cho không khí siêu thực trong The Weight. Robertson đã xem khoảng ba phim của Bunnuel và có một chủ đề chạy qua khiến ông thật sự bị cuốn hút. Đó là về những người “cố gắng để trở thành người tốt và thật bất khả” khi lại biến thành việc xấu, hay “sự bất khả thi trong cương vị thánh”.
Quả vậy, The Weight giống như một câu chuyện ngụ ngôn kỳ quặc về những gánh nặng, khó khăn chồng chất khi làm một người tốt, được nhấn mạnhtrong điệp khúc kinh điển mà cả nhóm hòa giọng hát: “Xin hãy giảm bớt gánh nặng cho Fanny”.
Và liệu có phải vô tình khi The Weight cũng là một sự “bất khả” của lòng tốt khi nó tạo nên danh tiếng cho The Band nhưng đồng thời cũng gây ra lục đục nội bộ như thế?
Không tạo hit lớn nhưng là bản rock kinh điển The Weight chưa bao giờ là hit lớn, chỉ đạt tới No.63 trên BXH Mỹ, nhưng thật sự là một bản rock kinh điển, là một phần thiết yếu trong sách nhạc xứ cờ hoa. Rolling Stone xếp ca khúc đứng thứ 58 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại, Pitcnfork xếp thứ 13 trong những ca khúc hay nhất thập niên 1960 và Đại sảnh danh vọng Rock and Roll đưa nó vào một trong 500 Ca khúc định hình Rock and Roll. Ngoài nước Mỹ, The Weight cũng thành công vang dội ở nhiều quốc gia khác, leo tới No.35 ở Canada và No.21 ở Anh. Rất nhiều nghệ sĩ lừng danh đã hát lại The Weight, đẩy ca khúc lên những vị trí cao hơn trên các BXH, có thể kể tên là Aretha Franklin, Jackie DeShannon, Diana Ross, Bruce Springsteen, The Temptations, Spooky Tooth, John Denver… |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags