Vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" được thực hiện dành riêng cho em thiếu nhi với nhiều thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống đã ra mắt lần đầu tiên trong hai đêm diễn 1-2/6 tại Rạp hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.
Mặc dù chỉ trước giờ diễn ít phút trong đêm mở đầu, trời mưa như trút nước và đến đêm thứ 2, trời vẫn mưa nhẹ nhưng khán phòng của cả hai đêm diễn vẫn chật kín khán giả.
Thậm chí, cuối giờ diễn, các khán giả hâm mộ còn mặc cả áo mưa đứng chụp cùng các nghệ sĩ nhí. Điều đó cho thấy, sức hút của vở diễn cũng như tình yêu khán giả dành cho chương trình.
Không tính đến các chương trình nghệ thuật nhỏ lẻ diễn ra để chào đón tháng thiếu nhi đã diễn ra trước đó, vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập có lẽ là vở nhạc kịch có quy mô mở màn trong mùa hè này.
Và cũng lâu lắm rồi, sân khấu Thủ đô cũng mới được sáng đèn để phục vụ các em thiếu nhi nói chung cũng như có được một vở nhạc kịch chất lượng được dàn dựng công phu nói riêng.
Được giới thiệu là vở diễn có sự quy tụ của nhiều anh tài tầm cỡ như cố vấn nghệ thuật NSƯT Trần Ly Ly, biên kịch “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, đạo diễn sân khấu Lại Bắc Hải Đăng, nhạc sĩ Văn Phong - Minh Phương, họa sĩ sân khấu Phùng Nam Thắng, biên đạo Đức Việt - Ngọc Diệp, hoạ sĩ minh họa Tuấn Bat, stylist Huyền Gin, họa sĩ phục trang NSND Vương Tất Lợi... cho đến dàn nghệ sĩ trẻ như ca sĩ Đông Hùng (vai cá mập bố), ca sĩ Trung Dũng (vai ông lão), ca sĩ Thu Hiền VK (vai bà lão)...nhưng gây ấn tượng với khán giả nhất lại chính là những tài năng nhí hóa thân vào tuyến nhân vật Cá mập con, Cá Hề, Cá Vàng, Cá Bạc, Cá Khuyến Khích, nhóm Phù Du,...
Được dàn dựng theo hướng "phản cổ tích", không còn đi vào lối mòn với những hình tượng cố định như câu chuyện mà các em thiếu nhi được nghe, phiên bản mang tên Ông lão đánh cá và con cá mập đã dành cho những khán giả nhí một chuyến phiêu du kỳ thú giữa đời thực, trở thành bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa, cuốn hút tất cả.
Say mê, thích thú là những gì người lớn, các phụ huynh có thể thấy trên gương mặt của các con mình tại khán phòng của vở kịch.
Và không chỉ say mê, cười nói nắc nẻ, các em nhỏ đã có một sân chơi đúng nghĩa khi còn được tương tác cùng các tình tiết gay cấn, bất ngờ và hài hước.
Một vở nhạc kịch với những câu thoại thức thời bắt trend thế hệ Gen Z, Gen Y hiện nay không chỉ thức thời mà còn khiến các em nhỏ thực sự thấy gần gũi, hưng phấn, hồn nhiên đứng bật khỏi ghế, ồ à, reo hò vô cùng sảng khoái.
- Trẻ em cười lăn với vở 'Ông lão đánh cá và con cá vàng'
- Vì sao cá vàng chỉ thích gặp ông lão đánh cá?
Xuyên suốt trong 45 phút của vở kịch, thế giới thuỷ cung của các loài cá được tái hiện một cách sống động không chỉ bằng thiết kế sân khấu như ở đại dương xanh thẳm mà vẫn đầy màu sắc bởi những chú cá, âm nhạc cũng là một điểm nhấn của chương trình.
Có một ngày tôi cứu thế giới
Để có được một không gian sân khấu ấn tượng như vậy, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã tạo ra thiết kế sân khấu lung linh huyền ảo, phục trang sinh động cũng như vô vàn tình tiết ly kỳ, lý thú và lay động.
Cú vẫy đuôi phép thuật
Như chia sẻ của biên kịch Đinh Tiến Dũng: "vở nhạc kịch không có những tuyên ngôn, giáo điều, định kiến phải thế này phải thế kia thì mới là người tốt khi mà cá mập một hình tượng vốn bị mặc định là hung dữ, lại là người luôn bảo vệ và dung hòa tất cả", khán giả từ người lớn đến trẻ nhỏ khi xem tác phẩm đều có chung cảm nhận này.
Trước sự hào hứng của các khán giả trong hai đêm diễn vừa qua, vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập sẽ đến với khán giả nhí trong mùa Hè này trong những suất diễn tiếp theo.
Thanh Tú
Tags