Năm ngoái, cú nhảy vọt doanh số đĩa than (tăng 52%) khiến các nhà sản xuất và tiệm bán đĩa choáng váng. Đây giống như điều không tưởng, nhưng là sự thật. “Đĩa than đang ngày càng trở nên quan trọng hơn” – Carl Mello, nhà kinh doanh của hãng Newbury Comics ở New England nói với Rolling Stone.
Chỉ “bùng nổ” trên giấy
Nhưng ngành công nghiệp đĩa nhạc lại không phấn khích đến thế. “Sự bùng nổ đĩa than” mới là trên chữ nghĩa. Còn trong đời thực, kế hoạch sản xuất hay chiến lược kinh doanh của các hãng đĩa chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này khiến nhà bán lẻ rơi vào cảnh bối rối, vì những đầu đĩa ăn khách như 1989 của Taylor Swift, In the Lonely Hour của Sam Smith hay Lazaretto của Jack White lại đã hết hàng.
Với hơn 86.000 bản, Lazaretto là đĩa than bán chạy nhất năm 2014. Tính chung, đĩa than đóng góp 6% vào doanh số đĩa nhạc trong năm qua, theo thống kê của Nielsen Soundscan (kể cả đã tăng 52% như nói ở trên). Con số tăng này không thấm vào đâu cả.
Vì thế, các hãng đĩa và nhà quản lý âm nhạc nhìn nhận sự trở lại của đĩa than như biểu hiện của sự ham thích cá nhân. Đây không phải là sự bùng nổ của một xu hướng nghe nhạc hoài cổ.
Đó là lý do để không chủ hãng đĩa nào vội vàng trong việc thay đổi kế hoạch sản xuất đĩa nhạc. “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi doanh số đĩa than tiếp tục gia tăng, dù rất khó để dự báo điều gì sẽ xảy đến trong tương lai” – Candace Berry, nhà quản lý của hãng Universal Music Distribution, một bộ phận của hãng đĩa lớn nhất thế giới, nhận định.
“Tôi biết nhiều người trong ngành công nghiệp âm nhạc đã trở lại với đĩa than trong hai năm qua. Nhưng tôi không chắc là họ có thường xuyên nghe nhạc bằng đĩa than không, hay vẫn nghe bằng các thiết bị công nghệ cao” – Berry nói.
Như vậy, trong giới quản lý ngành công nghiệp âm nhạc, có một hiện tượng tạm gọi là “chúng tôi yêu đĩa than nhưng...” Như Tom Corson nói: “Chúng tôi chào đón đĩa than. Một sản phẩm gợi cảm, chất. Đĩa than đại diện cho một cách đầu tư đầy cảm xúc vào âm nhạc”.
Sau những lời có cánh đó, Corson không quên chữ “nhưng”: “Đĩa than chỉ chiếm một phần trăm nhỏ trong ngành kinh doanh của chúng tôi. Nó sẽ không tạo ra điều gì mới mẻ hay phá vỡ cái gì trong năm nay. Chúng tôi sẽ dành một phần công sức để làm đĩa than, nhưng sẽ không đầu tư nhân sự lớn”.
Công chúng khó rời thiết bị nghe nhạc hiện đại
Với tình trạng đó, đang xảy ra một nghịch lý trong cách nghe nhạc của công chúng. Người yêu nhạc trân trọng những đĩa than cổ xưa, nhưng không thể từ bỏ cách nghe nhạc trực tuyến (streaming) hay tải qua mạng – những hình thức thưởng thức âm nhạc phổ biến và tiện lợi trong thời hiện nay. Lối nghe nhạc này của họ cũng mang về nhiều lợi nhuận hơn cho các hãng đĩa.
Năm ngoái, hình thức nghe nhạc streaming của các hãng như Spotify đã tăng doanh số đến 54%, dần trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành công nghiệp âm nhạc, thay vì đĩa CD hay nhạc số tải về thiết bị phát.
Xét về mặt cảm xúc, đĩa than luôn là lựa chọn hay nhất. “Tôi yêu nó. Tôi lớn lên cũng đĩa than” – Jonathan Daniel, nhà quản lý của các ca sĩ, ban nhạc như Sia và Fall Out Boy, chia sẻ - “Tôi có máy chơi nhạc. Tôi mua đĩa. Đĩa than nghe hay hơn nhiều. Nhưng trên phương diện kinh doanh, tôi nghĩ sự trở lại này không có ý nghĩa gì cả. Nó quá nhỏ bé để trở thành một phần trong chiến lược kinh doanh cho các nghệ sĩ lớn như Fall Out Boy hay Sia”.
Ở Omaha, bang Nebraska (Mỹ), nhà sản xuất Robb Nansel điều hành một hãng đĩa độc lập lâu năm tên là Saddle Creek, kèm một cửa hàng bán đĩa than nhỏ. Điều đặc biệt là cửa hàng chỉ bán đĩa than mà thôi. Nansel nói đĩa than ngày một bán chạy hơn. Gần đây doanh số của cửa hàng tăng 50%, nhưng sẽ không có “sự bùng nổ đĩa than” nào cả.
“Các hãng đĩa không hào hứng lắm vì đĩa than có chi phí đắt đỏ, cửa hàng phải vận chuyển đĩa tới cho khách và loại đĩa này cũng gây ra các vấn đề liên quan tới môi trường” - Nansel nói.
Hạ Huyền (theo Rolling Stones)
Thể thao & Văn hóa
Tags