TP.HCM dành "đất vàng" cho Nhà hát

Thứ Hai, 07/01/2013 06:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - TP.HCM vừa quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ Kịch tại “khu đất vàng” công viên 23 tháng 9, trung tâm quận 1. Vậy là sau rất nhiều năm long đong trong tình cảnh không nhà hát và nhiều lần mừng hụt, nếu không có gì thay đổi, năm 2015, thành phố lớn nhất nước, một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, sẽ có nhà hát giao hưởng - Nhạc - Vũ Kịch đầu tiên của mình. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ Kịch TP.HCM không giấu được niềm vui lớn.

* Ông có thể cho biết chi tiết hơn về “tin nóng” này?

- Đúng là “nóng” thật, vì tôi cũng mới nhận được thông báo. Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đã thống nhất sẽ xây dựng nhà hát tại khu vực Công viên 23 Tháng 9. Hiện nay đây là địa điểm phù hợp nhất, thích hợp nhất để xây dựng công trình văn hóa hàng đầu của thành phố. Nếu xây nhà hát bên Thủ Thiêm theo kế hoạch trước thì chưa thể phát huy được hiệu quả nhà hát chừng nào khu đô thị mới này chưa hình thành.

Vậy là TP.HCM sẽ có thêm một nhà hát mới, lớn hơn, tốt hơn để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân thành phố, bên cạnh Nhà hát Thành phố do người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm trước. Mấy năm trước, Dàn nhạc giao hưởng danh tiếng Philadelphia sang TP.HCM mà phải biểu diễn ở Nhà hát Hòa Bình là nơi không đủ tiêu chuẩn âm thanh cho trình diễn giao hưởng. Có nhà hát tiêu chuẩn, thành phố cũng sẽ thu hút các nhà hát lớn và các nghệ sĩ quốc tế tới TP.HCM biểu diễn. Tôi nghĩ đây là cái lợi nhất về văn hóa từ quyết định này.


* Hàng chục năm chờ đợi, được biết các ông đã nhiều lần “mừng hụt”: năm 1999 thành phố đã từng có quyết định giao mặt bằng trụ sở công ty xổ số trên đường Lê Duẩn để xây nhà hát giao hưởng; 10 năm sau, 2009, địa điểm xây dựng nhà hát lại được dời về Công viên 23 Tháng 9; sang năm 2010 lại có kế hoạch đưa nhà hát sang Thủ Thiêm. Liệu lần này có bao nhiêu % trở thành hiện thực?

- Lần này tôi cho là rất khả quan. Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đã xác định rằng việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM đã từng được ghi trong nghị quyết của 3 nhiệm kỳ mà vẫn chưa thực hiện được là một thiếu sót. Lần này, việc lựa chọn Công viên 23 Tháng 9 để xây dựng nhà hát đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ Thành ủy, UBND đến các sở, ban, ngành có liên quan. Các công việc khảo sát công trình ngầm ở khu vực này như đường metro, trung tâm mua sắm… đều thấy rất phù hợp. So với những thời điểm lựa chọn trước, chưa bao giờ thuận lợi như lần này. Vì vậy tôi rất hy vọng nó sẽ sớm thành hiện thực.

* Nghe nói, có thể năm 2015 nhà hát sẽ xây dựng xong?

- Theo dự kiến thì ngay tháng 1/2013, một nhóm kiến trúc sư Đức sẽ sang khảo sát, không chỉ về mặt bằng không gian đâu, mà cả khảo sát về văn hóa nữa, để lên thiết kế nhà hát phù hợp. Như những gì tôi được biết thì mọi việc chuẩn bị cho quá trình xây dựng đã được lên lịch trình cụ thể chứ không phải chỉ là dự kiến. Có thể chúng ta sẽ chọn được những công ty thiết kế và xây dựng nhà hát lớn và đẳng cấp trên thế giới như nhà hát ở Cologne (Đức) hay Thượng Hải (Trung Quốc) cho công trình Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM. Tất nhiên công việc này còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là tài chính. Tuy nhiên tôi rất hy vọng vào năm 2015, nhà hát sẽ là sự thật.

* Mô hình nhà hát theo ông như thế nào là phù hợp?

- Tôi thấy mô hình phù hợp và hiệu quả nhất hiện nay là Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, vì có thể biểu diễn được cả ba loại hình. Nếu chỉ làm riêng Nhà hát Giao hưởng thì rất phí, vì khán giả riêng cho loại hình giao hưởng hiện chưa nhiều. Hơn nữa hiện nay muốn dựng chương trình, tác phẩm nhạc kịch và vũ kịch lớn đều không được vì không có đủ không gian nhà hát cùng hệ thống kỹ thuật. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch thì sẽ khai thác được hết khả năng.

* Nhà hát tiêu chuẩn, hiện đại, xứng tầm… như vậy là sẽ có, và chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, năm nay đã là 2013 rồi. Nhưng có nhà hát chuẩn rồi, chúng ta liệu có đủ chương trình chuẩn? Không phải không có thực tế đáng lo ngại là nhà xây rất to nhưng bên trong lại… rỗng ruột.

- Câu hỏi này rất quan trọng và đó là một thách thức với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi đã nghĩ tới điều này từ khá lâu và đã chuẩn bị kế hoạch cho nó. Có nhà hát thì nhà hát phải sáng đèn. Muốn vậy, nhân lực phải mạnh hơn, đông hơn và trình độ tốt hơn. Và chương trình biểu diễn, kịch mục, tác phẩm phải phong phú hơn, đa dạng hơn. Hiện tại chúng tôi diễn đều đặn 2 chương trình/tháng tại Nhà hát Thành phố, có thời điểm diễn 3-4 chương trình/tháng, nhưng khi có nhà hát riêng thì tối thiểu mỗi tháng phải diễn được 8 chương trình. Sẽ phải tuyển thêm người, từ nhạc công, diễn viên ca, diễn viên múa…


* Ông có lo lắng về nguồn cung ở trong nước hay không?

- Về nguồn nhân lực trong nước tôi thấy không lo lắng lắm. Hiện TP.HCM có hai ngôi trường đào tạo lớn là Nhạc viện Thành phố và Trường Múa Thành phố, ngoài ra còn Học viện Âm nhạc Quốc gia và Trường Múa Việt Nam ở Hà Nội. Chúng ta có thể tự hào là hiện nay thành viên Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch 100% người Việt Nam (nhiều nhà hát nước ngoài phải tuyển dụng nghệ sĩ nước ngoài, trong đó có cả nghệ sĩ Việt Nam - TT&VH) chứng tỏ hệ thống đào tạo hiện nay nhìn chung cung cấp đủ các nghệ sĩ đủ trình độ phục vụ những chương trình như mình mong muốn. Trong tương lai thì chưa chắc đủ. Có nhà hát, việc đào tạo chuyên nghiệp sẽ được kích thích.

Còn lo lắng thì, theo tôi, ngân sách, kinh tế, là một trong những vấn đề quyết định của thời cuộc hôm nay. Làm sao để các nghệ sĩ có thể sống được với nghề mới gọi là chuyên nghiệp. Rất khó khăn, nhất là trong tình hình hiện nay, nhưng nếu đã đặt ra con đường đó (làm nghệ thuật chuyên nghiệp) thì chúng ta phải phải quyết được vấn đề này. Hiện tại Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM cũng đã và đang vận động tài trợ để xã hội hóa một phần hoạt động của mình.

* Có mặt trong chương trình Giai điệu trẻ của nhà hát hôm cuối năm 2012, tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú với không khí nghe nhạc cổ điển của giới học sinh, sinh viên TP.HCM. Dường như chưa có chương trình giao hưởng nào Nhà hát Thành phố lại đông khán giả như thế và không khí nghe nhạc phấn khích như thế. Xin chúc mừng sự thành công Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM trên con đường phổ cập âm nhạc bác học tới cộng đồng.

- Vâng, tôi cũng rất vui, không chỉ ở chương trình đó. Năm 2012 việc tổ chức biểu diễn của nhà hát đạt hiệu quả tốt. Khán giả ngày càng đông, có chương trình bán hết vé. Nhưng quan trọng hơn là năm qua nhà hát có được nhiều chương trình đạt chất lượng cao, hấp dẫn khán giả, dựng được những tác phẩm lớn như ballet Kẹp hạt dẻ, nhạc kịch Dido And Aeneas; mời được các chỉ huy nổi tiếng từ nước ngoài… Đặc biệt, như chị thấy, chương trình Giai điệu trẻ (chương trình biểu diễn nghệ thuật giao hưởng miễn phí cho thanh thiếu niên, do Thành đoàn và Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM tổ chức hàng tháng, từ năm 2011-TT&VH) càng ngày càng tốt hơn, sức hấp dẫn mạnh hơn, không chỉ đối với khán giả mà cả các nghệ sĩ của nhà hát từ chương trình này đã tiếp cận hơn, nhập cuộc hơn với công chúng.

*Xin cảm ơn ông. Chúc năm mới nhà hát tiếp tục “ăn nên làm ra” và sớm được “dọn về nhà”.

Giai điệu mùa Thu 2013: Nâng cấp thành festival âm nhạc Mùa Thu

Một trong những hoạt động trọng tâm của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM trong năm 2013 là nâng cấp chương trình Giai điệu mùa Thu trở thành một festival nghệ thuật bác học của TP.HCM. Festival được tổ chức vào tháng 8/2013 quy tụ những nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu Việt Nam cùng các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài và nghệ sĩ quốc tế trong các lĩnh vực giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch.


Bài: Thủy Phạm; Ảnh: Việt Cường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›