(Thethaovanhoa.vn) - Điện ảnh Iran lại đang làm tâm điểm chú ý khi Taxi, bộ phim mới của nhà làm phim cựu trào Jafar Panahi, đã đoạt giải Gấu Vàng Phim hay nhất tại LHP Quốc tế Berlin năm nay, vừa bế mạc hôm 15/2.
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm điện ảnh mới của Iran cũng được trình chiếu tại LHP Fajr ở thủ đô Tehran (Iran) diễn ra trong tháng này.
Mặc dù những áp đặt cho nền công nghiệp điện ảnh dưới thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang dần được nới lỏng, song việc lựa chọn các bộ phim để trình chiếu tại LHP Berlin và LHP Fajr đã phản ánh hiện trạng làm phim ở Iran.
Tiếp tục làm phim bằng bất cứ giá nào
Từ năm 2010, nhà làm phim Panahi đã bị cấm làm phim trong 20 năm, sau khi ông bày tỏ quan điểm ủng hộ những người biểu tình phản đối sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Iran.
Mặc dù vậy, Panahi vẫn bí mật làm việc và tuy các bộ phim của ông không thể chiếu ở Iran, song chúng đã được đưa lậu ra nước ngoài để đến với khán giả hải ngoại. Trong bộ phim mới nhất, Taxi, Panahi chính là người lái taxi trong phim. Ông chở khách đi khắp Iran và nói về cuộc sống mà ông đang trải qua.
Đi taxi chung là phương tiện giao thông phổ thông ở Iran và nhiều khi trên những chuyến đi chung ấy, những con người xa lạ có thể trò chuyện với nhau một cách ngẫu nhiên. Điều này từ lâu đã trở thành một đặc trưng trong cuộc sống ở Tehran.
Đạo diễn Jafar Panahi với chân dung tài xế taxi trong Taxi, tác phẩm điện ảnh đoạt giải Gấu Vàng Phim hay nhất
Trong phim Taxi, đạo diễn Panahi đã khai thác triệt để nét sống đặc trưng ấy ở Tehran. Chiếc máy quay của ông ghi lại hình ảnh những hành khách đủ mọi ngành nghề khác nhau trong cuộc sống. Họ nói về một loạt chủ đề, từ án tử hình và luật Shariah của Hồi giáo cho tới vụ xét xử liên quan đến một người phụ nữ trẻ bị tù giam, sau khi cố gắng xem một trận bóng chuyền dành cho đàn ông.
Một trong những hành khách cuối cùng của Panahi là Nasrin Sotoudeh, một luật sư về nhân quyền đồng thời là một người mẹ vừa được trả tự do sau khi chịu án phạt 11 năm tù giam. Sotoudeh còn bị cấm không được phép hành nghề.
Phim Taxi được xem là một thông điệp đầy thách thức gửi tới các nhà chức trách, những người đã cấm Panahi rời khỏi Iran hay được phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn theo tờ Variety: "Phim là sự bàn cãi đầy khiêu khích về những tập tục xã hội ở Iran và mang nghệ thuật kể chuyện điện ảnh".
Tại LHP Berlin năm nay, Panahi không xuất hiện trên thảm đỏ và cũng không có mặt trong ngày trao giải để nhận giải Gấu Vàng Phim hay nhất. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngay trước khi khai mạc liên hoan phim, Panahi khẳng định, ông sẽ tiếp tục làm phim bằng bất cứ giá nào, vì nhờ làm phim ông mới cảm thấy mình “còn sống”.
“Không gì có thể ngăn được tôi làm phim vì khi bị đẩy vào những hoàn cảnh khó khăn, tôi tự kết nối với con người mình. Và trong những không gian riêng tư như vậy, mặc dù phải chịu mọi hạn chế, việc sáng tạo lại càng trở nên thôi thúc hơn” – Panahi viết.
Nhiều phim đề cập đến những đề tài “nhức nhối”
Trở lại với thành phố quê hương Tehran của Panahi, nơi vừa diễn ra 10 ngày LHP Fajr.
Được sáng lập nhằm kỷ niệm cuộc cách mạng Hồi giáo hồi năm 1979, LHP Fajr là sự kiện văn hóa lớn ở Tehran, trong đó trình chiếu cả phim Iran và hải ngoại. Tất cả các bộ phim được chiếu ở liên hoan phim này đều phải được các nhà kiểm duyệt thông qua và từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo, Iran còn áp dụng các quy định nghiêm ngặt cho phép những gì được chiếu trên màn bạc. Diễn viên nữ nhất thiết phải đội khăn choàng đầu và không được hát hay nhảy. Các cảnh yêu đương hay liên quan đến chính trị đều bị hạn chế.
Phim nước ngoài cũng bị kiểm duyệt ở Iran. Nhìn vào lịch chiếu phim tháng 2 ở Tehran nhận thấy, các rạp chiếu đang giới thiệu tới khán giả nhiều bộ phim Hollywood, trong đó có Boyhood, Gone Girl, Interstellar và thậm chí cả phim gây tranh cãi The Interview, song tất cả đều đã qua biên tập.
Panahi không có mặt tại LHP Quốc tế Berlin, song cháu gái đã nhận giải nhân danh ông
Tuy gặp phải những hạn chế đó, song trong 30 năm qua, Iran đã sản sinh nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới, trong đó có một số người đi lên từ liên hoan phim Fajr, trong đó có đạo diễn đã đoạt nhiều giải thưởng Abbas Kiarostami và Asghar Farhadi, nhà làm phim đã “rinh” giải Oscar hồi năm 2012 với phim The Separation.
LHP Fajr năm nay còn chiếu một số bộ phim mang đề tài “nhức nhối” đến kinh ngạc, mô tả nạn nghiện ma túy hay những áp lực mà những người phụ nữ trẻ ở Iran đang phải đối diện và cả việc đề cập gián tiếp tới chuyện trinh tiết, quan hệ tình dục trước hôn nhân và loạn luân.
Nền điện ảnh Iran "khởi sắc" được như hiện nay một phần nhờ vào House of Cinema, một tổ chức xã hội dân sự bắt đầu hoạt động từ năm 1989. Từng bị đóng cửa trong gần 2 năm, dưới thời của cựu Tổng thống Ahmadinejad, House of Cinema cuối cùng đã được phép hoạt động trở lại hồi năm 2013. Các nhà quan sát cho rằng, House of Cinema đang góp phần cải thiện chất lượng và tạo nên sự cởi mở hơn trong nền điện ảnh Iran.
Việt Lâm
Tags