Nhạc sĩ Vinh Sử - người được mệnh danh là "vua nhạc sến" - qua đời sáng nay 10/9 sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, hưởng thọ 78 tuổi.
Bà Ngọc Lệ - vợ cũ của nhạc sĩ - cho biết, ông trút hơi thở cuối cùng vào 3h08 ngày 10/9 tại bệnh viện, hưởng thọ 78 tuổi. Hiện gia đình đang cùng nhau lo liệu cho tang lễ của ông.
Thời gian qua, sức khỏe nhạc sĩ Vinh Sử trở nặng, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Gia Định (TP.HCM). Trước đó, ông được chẩn đoán ung thư đại tràng từ năm 2011. Vài năm qua, sức khỏe ông yếu dần, số lần nhạc sĩ ra vào viện nhiều không đếm xuể.
Vinh Sử tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Ông sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... Ông gắn bó dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng với hàng nghìn ca khúc.
Nhiều sáng tác của ông được công chúng đón nhận, yêu thích vì sự đồng cảm, gần gũi về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa chàng trai nghèo và tiểu thư.
Những ca khúc được nhiều người yêu thích như: Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Đoạn buồn đêm mưa, Qua ngõ nhà em, Hai mái nhà tranh, Không giờ rồi, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Trách người trong mộng, Quên cây cầu dừa, Nối lại tình xưa, Tình đẹp mùa chôm chôm... giúp nhạc sĩ được mệnh danh là "vua nhạc sến".
- Hà Vân hát nhạc trữ tình Vinh Sử
- 'Vàng son một thuở' vắng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhưng có Vinh Sử
- 'Hai bàn tay trắng' của Vinh Sử không chỉ có nỗi buồn
Trong lời vĩnh biệt "vua nhạc sến" Vinh Sử trên trang cá nhân mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long viết: "Người đời gọi ông là "vua nhạc sến", vua của dòng nhạc bình dân cũng phải thôi. Bởi nó phổ cập tới nỗi một thời, ai cũng thuộc làu làu nhiều câu hát của ông. Bất cứ nơi đâu cũng có thể nghe được những câu hát của ông. Mà hình như ngày xưa là vậy, ngày nay dù có giảm bớt bởi thời đại, bởi vô số những dòng nhạc mới mẻ đang cuốn hút giới trẻ thì nhạc của ông vẫn lan tỏa đâu đó rất rộng trong cuộc sống này.
Những câu hát của ông thực sự là chỗ dựa cho những người lao động nghèo, lam lũ. Là chỗ để người thành đạt có địa vị, chức sắc đôi khi nao lòng nhớ lại chuyện ngày xưa. Là chỗ để nhiều khi trong cuộc sống bon chen, nhiều lo toan con người ta bỗng thấy dịu đi.
Nhạc của ông như kể chuyện, như suy tư những nỗi suy tư rất đỗi bình dị, giản đơn mà trong cuộc sống thường nhật ông phải trải qua. Nhạc của ông giống như một kiểu xẩm đời mới, cho nên chỉ cần bật bưng tiếng ghi-ta cất giọng hát không cần nuột nà trau chuốt cũng đã đủ chinh phục rất nhiều người".
Tang lễ của nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân, TP.HCM trong 4 ngày (10-14/9). Lễ di quan diễn ra vào sáng 15/9 và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Bảo Anh (tổng hợp)
Tags