(TT&VH) - Ngay trong dịp cuối tuần đầu tiên phát hành, Wreck-it Ralph đã thu về 49,1 triệu USD, qua đó xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng 10 phim ăn khách nhất khu vực Bắc Mỹ. Đây là con số mở màn kỷ lục đối với một phim hoạt hình 3D của xưởng Walt Disney, tính từ trước tới nay.
Thành công này khiến người ta phải nhìn lại con đường của Walt Disney trong việc chinh phục phim hoạt hình 3D
Hoạt hình 3D lên ngôi
Năm 1995 chính là cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của hoạt hình 3D. Đó là năm mà Toy Story, bộ phim hoạt hình 3D dài đầu tiên trên thế giới được công chiếu rộng rãi.
Khác với hoạt hình vẽ tay trên giấy (2D), hoạt hình 3D được các nghệ sĩ xây dựng hoàn toàn trên máy tính với hình ảnh không gian 3 chiều. Khi đó, xưởng Pixar là gương mặt tiên phong ở thể loại còn non trẻ (so với hoạt hình truyền thống) này.
Làn sóng hoạt hình 3D thực sự bùng nổ vào đầu những năm 2000 với sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm thuộc hàng “kinh điển” như Shrek, Monster Inc., Finding Nemo, Ice Age, The Incredibles… Miếng bánh lợi nhuận hầu như rơi cả vào tay hai ông lớn Pixar (về sau này được Walt Disney mua lại), DreamWorks (nay đã bị Paramount thôn tính) và phần nào là xưởng Blue Sky (thuộc 20th Century Fox).
Cảnh trong Wreck-it Ralph
Nhận thấy món hời béo bở từ mức doanh thu cực lớn hàng năm của hoạt hình 3D, các hãng phim tên tuổi khác cũng dần nhảy vào cuộc.
Ngày nay, thị trường đã được phân chia trở lại, đồng đều hơn, phim ra mắt trong tất cả các mùa quanh năm. Ngoài xưởng Pixar, DreamWorks, Blue Sky còn có xưởng hoạt hình Sony (nổi tiếng với Cloudy With A Chance Of Meetballs, Arthur Christmas, Hotel Transylvania), rồi Illumination Entertainment của Universal (Despicable Me, The Lorax) hay Village Roadshow Pictures của tập đoàn Warner Bros (Happy Feet).
Hoạt hình 3D phát triển đến nỗi mà phim hoạt hình 2D phát hành ngoài rạp gần như đã chết tại thị trường Bắc Mỹ. Thậm chí ngay cả một hãng phim lâu đời như Walt Disney cũng phải chuyển hướng phát triển.
Câu chuyện về Walt Disney
Do sự bành trướng của hoạt hình 3D, hoạt hình vẽ tay truyền thống đã không còn chỗ đứng. Hãng Walt Disney đã phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh để tập trung cho lĩnh vức mới này. Tuy nhiên, hai tác phẩm của họ là Chicken Little (2005) và Meet The Robinsons (2007) đều chưa đạt được kết quả như mong đợi. Walt Disney bắt đầu nhòm ngó tới con gà đẻ trứng vàng Pixar.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Pixar và hãng Walt Disney diễn ra hết sức phức tạp và lằng nhằng trước đó nhiều năm trời. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi Walt Disney mua lại Pixar với cái giá khổng lồ 7,4 tỷ USD vào năm 2006. Mặc dù đã sở hữu Pixar nhưng hãng Walt Disney vẫn tiếp tục duy trì và phát triển song song xưởng hoạt hình Walt Disney (vốn ra đời từ năm 1923). Chính sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo đã mang lại chiến lược mới cho công ty.
Hoạt hình 3D phát triển đến nỗi mà phim hoạt hình 2D phát hành ngoài rạp gần như đã chết tại thị trường Bắc Mỹ.
Thành công gần như ngay lập tức quay trở lại với xưởng hoạt hình Walt Disney ở cả hai lĩnh vực 2D và 3D. Nếu như Bolt (2008) mang tới luồng gió mới cho họ (được đề cử giải Oscar) thì Princess And The Frog (2009) làm sống lại hoạt hình vẽ tay truyền thống. Một năm sau đó, Tangled của xưởng hoạt hình Walt Disney đã mang về tới 590,7 triệu USD trên toàn thế giới. Điều đó khẳng định hướng đi đúng đắn của CCO John Lassester và vị chủ tịch Ed Catmull.
Và Wreck-it Ralph
Đều thuộc quyền sở hữu của hãng Walt Disney (Walt Disney Company) nhưng xưởng hoạt hình Walt Disney và xưởng Pixar lại hoàn toàn độc lập tác chiến. Trong khi Pixar đang gây thất vọng vì bị “Disney hóa” qua Brave và thất bại nặng nề của Cars 2 thì trớ trêu thay, xưởng Walt Disney lại làm điều ngược lại.
Không còn những câu chuyện cổ tích, không còn những cô công chúa xinh đẹp, Wreck-it Ralph phá cách hơn khi đi vào thế giới trò chơi điện tử. Các nhân vật trong phim đều được lấy từ những game arcade quen thuộc trong thập niên 1980.
Ngay trong dịp cuối tuần đầu tiên phát hành, Wreck-it Ralph đã thu về 49,1 triệu USD, qua đó xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng 10 phim ăn khách nhất khu vực Bắc Mỹ. Đây là con số mở màn kỷ lục đối với một phim hoạt hình 3D của xưởng Walt Disney tính từ trước tới nay. Xem ra, hậu quả mà cơn bão Sandy để lại tại bờ Đông nước Mỹ không ảnh hưởng quá lớn tới màn ra mắt hoành tráng của Wreck-it Ralph.
Chất lượng nghệ thuật tốt, lại được giới phê bình hết lời khen ngợi, rất có thể Wreck-it Ralph sẽ vượt qua mốc 150 triệu USD tại thị trường nội địa sau khi kết thúc thời gian trình chiếu ngoài rạp.
Lợi nhuận mà Walt Disney thu về sẽ phải kéo dài hơn so với các tác phẩm khác vì Wreck-it Ralph không được chiếu đồng loạt trên toàn thế giới mà được phát hành rải rác từ đây cho đến tận tháng 3/2013 tại nhiều quốc gia khác nhau.
BXH 10 phim ăn khách nhất 1. Wreck-it Ralph - 49,1 triệu USD 2. Flight - 25 triệu USD 3. Argo - 10,2 triệu USD 4. The Man With The Iron Fists - 8,2 triệu USD 5. Taken 2 - 6 triệu USD 6. Cloud Atlas - 5,2 triệu USD 7. Hotel Transylvania - 4,5 triệu USD 8. Paranormal Activity 4 - 4,3 triệu USD 9. Here Comes the Boom - 3,6 triệu USD 10. Silent Hill: Revelation 3D - 3,3 triệu USD |
Hoàng Phương