'You Want It Darker' của Leonard Cohen: Lời cuối của 'nhạc sĩ vĩ đại' và 'nhà thơ sầu muộn'

Thứ Ba, 02/07/2019 05:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hơi tàn của cuộc sống, Leonard Cohen đã rực sáng lần cuối với những chiêm nghiêm về sinh ly tử biệt, về khổ đau trần gian, đúc kết trong album cuối cùng và nhất là đĩa đơn cuối cùng cùng mang tên You Want It Darker (Người muốn tăm tối hơn).

Ra mắt album mới của huyền thoại quá cố Leonard Cohen

Ra mắt album mới của huyền thoại quá cố Leonard Cohen

Một album mới của Leonard Cohen đang trong quá trình sản xuất, theo con trai của cố huyền thoại.

“Thân thể chúng ta đang tan rã và anh nghĩ anh sẽ sớm theo em thôi. Hãy biết rằng anh ở gần ngay bên em, rằng mỗi khi em đưa tay ra, em sẽ chạm thấy anh… Tạm biệt người bạn cũ của anh. Tình yêu bất diệt, hẹn gặp lại em”.

Đối diện với cái chết

Trên đây là một đoạn trong bức thư Cohen gửi Marianne Ihlen ngày 27/7/2016, chỉ hai ngày trước cái chết của bà.Ihlen là người yêu dấu của huyền thoại Cohen những năm 1960, khi ông bừng nở từ một nhà thơ đầy chật vật thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Bà cũng là nàng thơ trong rất nhiều ca khúc bất hủ của ông như Bird On A Wire hay Hey, That’s No Way To Say Goodbye và nhất là So Long, Marianne.

Sau đó gần bốn tháng, ngày 7/11, ông ra đi trong tiếng than khóc của người hâm mộ toàn thế giới. Tuy vậy, với những ai theo dõi sự nghiệp của ông, đây không phải nỗi đau bất ngờ bởi Cohen đã chuẩn bị cho điều này từ lâu.

Chú thích ảnh
Leonard Cohen trên bìa album cuối cùng của ông “You Want It Darker”

Chỉ một tháng trước đó, ông nói với các phóng viên: “Cái thay đổi lớn đó là sự gần gũi với cái chết. Tôi là người giản tiện. Tôi mong được buộc chặt với cuộc đời nếu có thể. Nhưng nếu không thể, thì cũng được thôi… Tôi có vài việc phải làm. Chăm lo công việc. Tôi đã sẵn sàng chết”.

Nhưng vài tuần sau, ông sửa lại: “Gần đây tôi có nói là tôi đã sẵn sàng chết. Có lẽ tôi hơi phóng đại”. Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là lời tự trấn an bởi dự liệu về cái chết gần kề đã hình thành trong ông từ lâu, khi ông bắt đầu album You Want It Darker.

Album phát hành ngày 21/10/2016, 17 ngày trước khi ông qua đời; trong đó, đĩa đơn chủ đề cùng tên You Want It Darker ra mắt đúng vào sinh nhật thứ 82 của ông, ngày 21/9/2016.

Xưa nay, người hâm mộ đã quen với những chủ đề nặng trĩu trong nhạc của Cohen, đào xới những vấn đề về tôn giáo, chính trị và tính dục. Nhưng với You Want It Darker, ông đã đi vào địa hạt xa xôi hơn, và tăm tối hơn, như cái tên của nó. Đó là sự chiêm nghiệm cuối đời về cái chết và Thiên Chúa.

Chú thích ảnh
Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, Cohen đã lừng danh là một nhạc sĩ đầy triết lý với ca từ đẹp như thơ

Đối diện với Chúa

Ca khúc You Want It Darker uy nghi và nặng nề ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, với âm thanh của dàn hợp xướng giáo đoàn Shaar Hashomayim và đàn ống đối nghịch với dòng bass tuôn tràn. Ngay sau đó, Cohen cất lên những ca từ ám ảnh bằng chất giọng nam trung gầm gừ của mình, theo phong cách vừa hát vừa nói điển hình của ông.

Có thể thấy ngay là Cohen chất vấn Chúa từ dòng đầu: “Nếu Người là người chia bài thì tôi sẽ ra khỏi cuộc chơi/ Nếu Người là người chữa lành, nghĩa là tôi què quặt và đau khổ”.

Từ đâu mà có có những lời than vãn này?

Để giải thích, có lẽ phải tua nhanh tới cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần phía sau là “Hineni” (Có tôi đây). Đây là câu nói nổi tiếng của Abraham và Isaiah trong Kinh Cựu ước.

Trong Sáng thế 22:1, Chúa muốn thử đức tin của Abraham, truyền dâng Isaac, con của Abraham, làm của lễ thiêu. Khi Chúa cất tiếng gọi, Abraham đã đáp: “Hineni”. Còn trong Isaiah 6:8, khi Chúa tìm thống sứ đưa tin trừng phạt: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”, Isaiah cũng đáp: “Hineni”.

Trong lời bài hát trước đó, Cohen đã nhắc tới hình ảnh đau đớn về Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự và nhất là nạn diệt chủng Do Thái Holocaust, rằng “Hàng triệu cây nến thắp lên cầu xin sự giúp đỡ chẳng bao giờ tới”.

Holocaust luôn là nỗi niềm đau đáu trong cả cuộc đời của Cohen, thể hiện trong nhiều ca khúc, điển hình là Dance Me To The End Of Love. Và một lần nữa, trong những ngày cuối đời, Cohen lại chất vấn điều này, trong You Want It Darker, về “Một bài ru cho đau đớn/ Một nghịch lý để đổ lỗi”. Ngoài ra, nó cũng là tâm tư riêng của Cohen, khi buộc phải chấp nhận cái chết bất khả kháng.

Một vấn đề lớn về đạo đức và triết học nhưng được cô đúc trong những câu rất ngắn mà phức tạp, giàu hình ảnh và cảm xúc, điều mà phải là một nhạc sĩ vĩ đại kiêm một nhà thơ sầu muộn như Cohen mới làm được.

Tuy nhiều, dù chứa đầy những lời ai oán về khổ đau hiện hữu trong nhân sinh nói chung lẫn trong nỗi niềm cá nhân nói riêng, không có vẻ là Cohen muốn oán trách. Mà ngược lại, đó là bước đệm để thể hiện niềm tin bất diệt của ông trước Chúa.

Điều này minh chứng rõ qua sự lặp đi lặp lại của câu hát: “Có tôi đây, có tôi đây/ Tôi đã sẵn sàng, thưa Chúa của tôi”. Cohen, cũng giống như Abraham, đã đáp lại lời gọi của Chúa, bất chấp đó là lời gọi về cõi chết. Một sự chuẩn bị vững chãi trước khi bước qua cửa tử, sau một đời đầy đau khổ và triết lý.

Nhưng xét cho cùng, có thành tựu viên mãn nào không xây nên từ kiếp nạn?

Ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa đại chúng

Leonard Norman Cohen (21/9/1934 - 7/11/2016) là danh ca, nhạc sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Canada. Các tác phẩm của ông đi sâu vào khám phá tôn giáo, chính trị, sự cô độc, tính dục và những quan hệ lãng mạn.

Ông được ghi danh ở Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc Canada, Đại sảnh Danh vọng Nhạc sĩ Canada và Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Cohen cũng được trao huân chương Bội tinh Canada, vinh dự dân sự cao nhất của chính phủ Canada. Năm 2011, ông nhận giải Hoàng tử Asturias cho văn học và giải Glenn Goul thứ chín.

Cohen theo đuổi sự nghiệp thơ văn trong những năm 1950, đầu 1960 và phải tới năm 1967, ở tuổi 33, ông mới bắt đầu dấn thân vào con đường âm nhạc và lập tức ghi dấu như một nhạc sĩ quyến rũ và bí ẩn nhất.

Luôn có nhiều vấn đề triết học được thể hiện qua giọng hát trầm khàn của ông. Ông được ca ngợi là người đàn ông thời Phục hưng, luôn đứng giữa những đường biên nghệ thuật khó nắm bắt nhất. Bob Dylan cũng là người rất ngưỡng mộ Cohen, vinh danh ông là nhạc sĩ “số một” của thời đại.

Trong sự nghiệp âm nhạc hơn 50 năm của mình, di sản của ông gồm 14 album phòng thu, 8 album nhạc sống, 5 album tổng hợp và 44 đĩa đơn. Ông cũng tạo ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa đại chúng.

Ông qua đời tại nhà riêng ở Los Angeles; bệnh bạch cầu là một phần nguyên nhân. Theo quản lý, nguyên do trực tiếp là bởi một cú ngã vào đêm 7/11 và ông đã đi dần vào cái chết trong giấc ngủ. Thể theo di nguyện của ông, Cohen nằm xuống theo nghi thức của người Do Thái, trong một chiếc quan tài đơn giản, giữa những người thân trong gia đình.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›