Ngày 12/8 vừa qua, Zhou Xiaotian, nhà thơ đồng thời là giáo sư Văn học & Báo chí thuộc trường Đại học Tứ Xuyên, đã đoạt giải thưởng năm nay với tuyển tập thơ Jiang Jin Cha (Cách mời trà).
Những bài thơ thô thiển
Ngay sau đó, các bài thơ của Zhou đã bị cư dân mạng “bêu” lên Internet, kèm theo lời bình luận: “Không có gì tồi tệ hơn những bài thơ dở ẹc, không xứng đáng với giải thưởng”.
Nhiều người chỉ trích phong cách dùng từ ngữ quá thông tục, thậm chí là thô thiển, trong những bài thơ của Zhou, viết về ca sĩ kiêm diễn viên Hong Kong nổi tiếng đã quá cố Trương Quốc Vinh.
Tương tự là bài thơ về cuộc hôn nhân của nhà vật lý đoạt giải Nobel người Mỹ gốc Hoa Yang Zhenning. Năm 2004, Yang Zhenning (82 tuổi) gây xôn xao khi kết hôn với một người phụ nữ Trung Quốc 28 tuổi. Trong bài thơ của mình Zhou đã viết một đoạn như sau: “Người vợ 28 tuổi lấy người chồng 82 tuổi. Một người vì mê mẩn tài năng, kẻ còn lại vì khao khát nhục dục”.
“Tôi nghi ngờ về chất lượng các tác phẩm của ông Zhou, sau khi đọc những bài thơ mà cư dân mạng đã đưa lên Internet. Đây (ban giám khảo giải Lỗ Tấn) thực sự là những giám khảo chuyên nghiệp ư? Họ chấm giải dựa trên chất lượng tác phẩm, hay theo mối quan hệ của các ứng viên?” – nhà văn Fang Fang ở Vũ Hán đã bày tỏ sự nghi ngờ về chuyên môn của các thành viên giám khảo.
Tuy nhiên, ông Zhou đã bác lại chỉ trích nhắm vào các tác phẩm của mình, nói rằng nó không hề dở. “Thời buổi này anh đừng hy vọng công chúng đọc những bài thơ nghiêm túc” - Zhou tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã. Zhou còn bảo vệ ban giám khảo giải Văn học Lỗ Tấn, khẳng định toàn bộ thủ tục bỏ phiếu diễn ra hết sức minh bạch.
Lời phản biện của ông Zhou đã nhận được sự ủng hộ của một số người trong nghề. Fan Xing, giáo sư trường Đại học Vũ Hán, cho rằng các nhà thơ không thể đảm bảo luôn viết ra những câu thơ hay. “Chỉ có một số bài thơ của Zhou gây tranh cãi” - giáo sư Fan nói, dù thừa nhận Zhou có nhiều câu thơ thô lỗ, không tinh tế.
“Đừng đưa văn học lên tháp ngà”
Đây không phải là lần đầu tiên giải thưởng Văn học Lỗ Tấn gây tranh cãi. Hồi năm 2010, tranh cãi từng nổ ra khi giải được trao cho tuyển tập thơ Yearning for Warmth của Che Yangao, Thư ký Ủy ban Kiểm tra kỷ luật thành phố Vũ Hán.
Cư dân mạng không chỉ đặt câu hỏi về chất lượng văn học trong các bài thơ của Che, đặc biệt là các bài thơ tôn vinh một số nữ diễn viên đại lục, mà còn về tính chính trực của ban giám khảo. Nhiều người cho rằng các câu thơ của Che quá đơn giản, vô nghĩa và chẳng khác gì những câu nói chuyện thông thường.
Về phần mình, Che cố gắng tránh tranh cãi quanh chất lượng các bài thơ, coi đó là những sáng tác “mang tính thử nghiệm”. Ông giải thích: “Tất cả các bài thơ đều thể hiện các cảm xúc của tôi một cách tự nhiên”. Tuy nhiên, Hội Văn học Trung Quốc, đơn vị trao giải thưởng, vẫn kiên quyết khẳng định tuyển tập thơ của Che đáp ứng mọi tiêu chí của giải thưởng.
Theo ông Ding Xiaoyuan, Phó chủ tịch Hội phóng sự Trung Quốc, hiện nay nhiều giải thưởng văn học danh giá không được công chúng quan tâm đến, chưa nói tới giải Văn học Lỗ Tấn. “Các thành viên giám khảo nên lắng nghe phản ứng của công chúng chứ đừng đưa văn học lên tháp ngà” – ông Ding Xiaoyuan cảnh báo.
Còn nhà phê bình Renyong thì cho biết ông rất vui khi công chúng tranh cãi về giải Văn học Lỗ Tấn, bởi điều này chứng tỏ họ ‘vẫn quan tâm tới văn học trong thời buổi tiền bạc dường như đã đứng trên tất thảy”.
Giải Văn học mang tên Lỗ Tấn (1881-1936), một trong những nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất Trung Quốc, được trao lần đầu tiên hồi năm 1986. Sau đó cứ 3 năm giải được trao một lần. Giải thưởng được trao cho các nhà văn có tác phẩm thơ, văn xuôi, tiểu luận, bình luận văn học, tiểu thuyết ngắn và vừa, tác phẩm lý thuyết, bài phóng sự xuất sắc. Lễ trao giải năm nay được tổ chức vào tháng 11 ở Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, quê hương Lỗ Tấn. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags