(Thethaovanhoa.vn) - Tôi nhớ có lần, một giáo viên dạy toán đã nói trên lớp, trong một buổi giảng bài rằng, người ta làm toán là để tìm ra các kết quả, nhưng trên con đường tìm ra kết quả ấy, có khi người ta ban đầu không có được một phương pháp đúng và rồi có được đáp số sai.
- Lá đơn buồn về giáo dục
- Cải cách giáo dục toàn diện, cần tầm nhìn rất xa
- Giáo dục trẻ em bằng cách 'không giáo dục'
Một khi phép thử ấy không thành công, người làm toán phải quay lại với đầu bài để hiểu đúng hơn về nó, tiến hành các phép thử khác, để rồi cuối cùng có được đáp số đúng.
Nhưng thầy nói thêm, phép thử và sai trong bài toán cuộc sống khó hơn nhiều, vì đôi khi, trong những hoàn cảnh nhất định, người ta không có đủ thời gian và kiên nhẫn để cứ thử và sai mãi…
Câu chuyện về giáo dục ở ta luôn là thế. Giáo dục đã là một chủ đề cực nóng và thu hút sự chú ý của dư luận từ rất nhiều năm qua, xung quanh nhiều vấn đề, từ việc cải cách giáo dục, việc soạn thảo những bộ sách giáo khoa mới, việc áp dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, hoặc những vấn đề về dạy thêm, học thêm cho đến tình trạng lạm thu đang lan tràn.
Học trở thành một vấn đề mang tính xương sống đối với một quốc gia đang phát triển, nhưng dường như lại đang đẩy những người làm giáo dục và chủ thể của giáo dục, là học sinh và gia đình họ, vào những mớ bòng bong không lối thoát. Mà sự bòng bong và rắc rối ấy lại sinh ra một phần không nhỏ từ những phép thử và sai liên tục của ngành giáo dục trong những thập kỷ qua.
Đã có biết bao dự án được tiến hành thử nghiệm và đưa vào đời sống giáo dục. Đã có biết bao nhiêu chương trình học được thí điểm rồi bỏ hoặc đưa vào áp dụng một thời gian rồi cũng bỏ. Đi cùng với những phép thử sai ấy là hàng núi tiền ngân sách đã đổ xuống sông xuống bể và sự mệt mỏi của xã hội.
Những chủ đề ấy lại nóng lên nữa trong các phiên họp Quốc hội vừa qua, khi nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên những tình trạng đang gây bức xúc trong xã hội, như lạm thu ở các trường học ở nhiều địa phương trên cả nước dẫn đến “quỹ tự nguyện” còn cao hơn từ 2 đến 2,5 lầnhọc phí, như việc người ta bắt các em phải đóng cả tiền... xây dựng nông thôn mới.Và cả nguy cơ đối với các hộ gia đình nghèo có con học đại học khi trong thời gian 3 năm tới, mức đóng học phí ở các trường công chưa tự chủ về kinh phí cũng sẽ tăng từ 2 đến 4 lần.
Nhưng điều khiến nhiều đại biểu lên tiếng thể hiện sự lo lắng là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xin lùi lại thời gian xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, một đề án đầy tốn kém với ước tính ban đầu của Bộ lên tới... 34 nghìn tỉ đồng (tương đương với 1,7 tỷ USD!) và đến khi bị báo chí chỉ trích là quá lớn, khi phê duyệt xuống còn gần 800 tỷ đồng, vẫn bị phê phán là quá nhiều.
Việc lùi thời gian thực hiện đề án này sang 2019 và 2020 mới áp dụng cho lớp 1, dự kiến 2023 hoặc 2024 mới áp dụng cho toàn bộ (đề án kết thúc năm nào chưa ai rõ!), với nhiều lý do khác nhau, gợi nên những nỗi lo lắng về việc chi phí cho đề án lại phình thêm ra...
Và kết quả của đề án này ra sao, trên thực tế chúng ta chưa thể hình dung được. Mà các “thể loại” đề án cũng như các dự tính thay đổi và cập nhật sách giáo khoa, hoặc các tham vọng áp dụng các phương pháp giáo dục học từ nhiều nước thì nhiều vô kể trong những năm qua, mà khá nhiều trong số đó đem đến những bản dự trù kinh phí khổng lồ.
Tóm lại, quanh năm suốt tháng, câu chuyện giáo dục vẫn là câu chuyện về sự loay hoay làm cái này, đổi cái kia, sửa chỗ này, vá chỗ nọ mà các Bộ trưởng, trong các nhiệm kỳ của mình đều hăm hở làm. Và rồi, mớ bòng bong càng lớn lên.
Bao giờ thì giáo dục có được đáp số đúng, là tư duy đúng và hướng đi đúng?
Trương Anh Ngọc
Tags