(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư Nguyễn Xiển, nhà khoa học khí tượng hàng đầu ở Việt Nam, kiến trúc sư của ngành khí tượng cách mạng Việt Nam, đã để lại cho ngành khí tượng thủy văn nhiều công trình khoa học giá trị. Ông là gương sáng của một người lãnh đạo sâu sát, gương mẫu, một nhà khoa học nghiêm túc, sáng tạo luôn hướng khoa học phục vụ sản xuất và đời sống.
Trí thức yêu nước
Giáo sư Nguyễn Xiển sinh ngày 27/7/1907, tại thành phố Vinh, Nghệ An trong một gia đình Nho học lâu đời, có tiếng của xứ Nghệ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Xiển là sự kết tinh từ hai nền văn hóa Đông-Tây, là hình ảnh tiêu biểu của một bậc sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại ở thế kỷ XX. Từ một trí thức Tây học, Giáo sư đã được Bác Hồ cảm hóa trở thành người cách mạng, một lòng đi theo lý tưởng của Người.
Với trí thông minh vốn có và khả năng tự học hiếm thấy, ông đỗ đầu kỳ thi tú tài Tây và cùng Hoàng Xuân Hãn nhận học bổng của Hội Như Tây sang Pháp du học.
Những năm ở Pháp, ông theo học tại trường đại học Toulouse và đỗ cử nhân. Dù chưa có xu hướng chính trị rõ rệt nhưng Nguyễn Xiển đã nghĩ rằng nếu học giỏi, nắm vững khoa học sẽ giúp cách mạng nhiều hơn, cách mạng không thể thiếu khoa học, xây dựng đất nước càng cần đến khoa học. Ông khâm phục lòng yêu nước nhiệt thành của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, gặp gỡ, quen biết, gần gũi những sinh viên cộng sản trẻ tuổi như Trần Văn Giàu, Phan Tư Nghĩa... tham gia các hoạt động yêu nước, trong đó có cuộc mít tinh lớn chống thực dân Pháp đàn áp phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Khi về nước, Nguyễn Xiển rất băn khoăn trước lối đi cho chính cuộc đời mình. Ông quyết định ra Hà Nội, dạy học ở các trường tư thục bởi ông không muốn làm quan cho triều đình Huế.
Cách mạng tháng Tám thành công, lòng yêu nước của ông chỉ phát huy sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không có Người, ông mãi mãi chỉ là một trí thức Tây học, cả đời đi tìm lý tưởng.
Nguyễn Xiển đã có cuộc gặp gỡ không ngờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người nói chuyện theo tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, chính Bác đã thức tỉnh truyền thống yêu nước âm ỉ trong lòng một người trí thức xứ Nghệ, khiến ông mạnh bước theo cách mạng, kháng chiến... Ông đã xác định rõ con đường mình sẽ đi, toàn tâm theo cách mạng.
Giáo sư Nguyễn Xiển khẳng định rằng, là trí thức có lòng yêu nước tiềm ẩn, ông đã đi theo con đường Cách mạng Tháng Tám như một bản năng và ông có lòng tin sâu sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người chính trị văn hóa vĩ đại và tinh tế, có sức tập hợp và lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đã chứng tỏ bản lĩnh dẫn dắt và chèo chống tuyệt vời của mình trước những cơn sóng gió phức tạp, dồn dập của thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám khi chính quyền nhân dân còn trứng nước.
Nhà khoa học về khí tượng hàng đầu ở Việt Nam
Nguyễn Xiển được Bác giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng.
Là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ, ông đã giải quyết nhiều công việc đang rất khẩn trương lúc đó như tiếp quản bộ máy chính quyền, xây dựng các ủy ban hành chính từ tỉnh đến xã, đặc biệt là việc sửa chữa đê điều bị vỡ trong trận lụt lịch sử năm 1945... Trong trận lũ lịch sử ấy, một loạt đê quan trọng như đê sông Thao, sông Lô, nhiều khúc đê sông Hồng... bị vỡ. Nước lụt đã làm ngập hàng vạn mẫu ruộng. Việc cần làm ngay là hợp long những đoạn đê vỡ để kịp thời bảo vệ vụ mùa năm đó; tiếp đến là phải đắp thêm nhiều đê mới vòng quanh các chỗ đê vỡ, tu bổ những đoạn đê xung yếu.
Ông phụ trách ngành khí tượng và đây là lĩnh vực lâu nhất, xuyên suốt cả cuộc đời, bắt đầu từ trước cách mạng cho đến khi về hưu. Ông không chỉ là người lãnh đạo mà ông còn trực tiếp tham gia mọi công việc, như một cán bộ khí tượng bình thường khác, từ quy tụ cán bộ, trực tiếp huấn luyện đào tạo, đến tìm kiếm địa điểm để xây dựng các công trình khí tượng.
Trong mọi công việc của ngành, ông luôn sâu sát đến từng chi tiết cụ thể. Điều đó thể hiện ở hình ảnh vị giám đốc đi đến hầu hết các trạm quan trắc khí tượng ở miền bắc để kiểm tra, ân cần nhắc nhở khi thấy lều quan trắc còn bẩn. Không tuần nào ông không đến từng phòng ban trong cơ quan để nắm tình hình, chỉ bảo nghiêm khắc khi thấy ai đó tám chuyện hoặc ngồi làm việc không đúng tư thế. Khi có bão lũ, ông thức trắng đêm cùng các dự báo viên, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tình hình bão lũ, đề xuất kịp thời các biện pháp phòng tránh. Những lúc đó, ông vừa là người lãnh đạo vừa là một dự báo viên khí tượng giàu kinh nghiệm.
Ngành khí tượng do ông lãnh đạo đã duy trì tốt hoạt động trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước để phục vụ tốt cho sản xuất và chiến đấu. Ngành đã phát động phong trào chống chiến tranh khí tượng của đế quốc Mỹ. Rồi sau đó khi thống nhất đất nước, ngành đã nhanh chóng tổ chức mạng lưới hoạt động trên toàn đất nước, từng bước hiện đại hóa.
Giáo sư Nguyễn Xiển là nhà khoa học về khí tượng hàng đầu ở Việt Nam. Các công trình khoa học của ông hoặc do ông chủ biên là những mẫu mực về tính khoa học, tính sáng tạo và tính thực tiễn, là tài liệu cơ bản, được sử dụng lâu dài ở nhiều ngành, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khí hậu và môi trường.
Ngoài công tác khí tượng thủy văn, ông còn tham gia công tác khoa học giáo dục. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ, ông hoàn thành 2 công trình: “Toán học đại cương” và “Cơ học thuần lý” bằng tiếng Việt, hợp tác với các nhà khoa học nổi tiếng, giàu tâm huyết như tiến sĩ toán học cơ bản và trường sư phạm cao cấp là những trường đại học đầu tiên đào tạo nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Ngoài ra, ông còn cùng nhiều nhà trí thức ra tờ báo “Khoa học thường thức” (nay là báo Khoa học và Đời sống) để tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo về chính trị, xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Năm 1959, giáo sư Nguyễn Xiển cùng với một số nhà trí thức có tâm huyết tổ chức ra Ban vận động thành lập Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam do ông làm trưởng ban.
Giáo sư Nguyễn Xiển là nhà hoạt động cách mạng đa ngành, đa lĩnh vực, đã để lại những dấu ấn đẹp cho các thế hệ sau.
Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao vàng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ông mất ngày 9/11/1997, hưởng thọ 90 tuổi.
TTXVN/Hồng Quảng
Tags