(Thethaovanhoa.vn) - Cộng đồng mạng đang phẫn nộ về hành động của một nhóm người ở Hà Tĩnh, họ đang bị điều tra vì hành động tàn sát động vật hoang dã. Một người trong số họ đã livestream cảnh giết thịt dã man một cá thể được cho là khỉ (hoặc voọc) rồi lấy óc ăn sống hoặc hòa tiết với rượu để uống.
Thịt thú rừng ở nước ta vẫn được nhiều nơi coi như đặc sản, dù sự bổ béo hay khả năng chữa bệnh gì đó đôi lúc chỉ là đồn đại thiếu căn cứ. Rất nhiều hàng quán còn lợi dụng tâm lý này của khách hàng để “treo dê bán chó” nhằm mục đích trục lợi.
Thú rừng càng hiếm, càng quý thì giá càng bị đẩy lên càng cao. Các loài thú thuộc dạng “của độc” như khỉ, voọc… thì còn được cho là “vô giá” - dường như những món hàng càng giống với con người như các loài linh trưởng thì càng gây nhiều “sát khí” cho đám thực khách độc ác.
Nói đến loài khỉ, tôi nhớ đến chú khỉ trong gánh xiếc của cụ Vitali ở tiểu thuyết “Không gia đình” (của nhà văn Pháp Hector Malot), một con khỉ thông minh, nhanh nhẹn nhưng vẫn còn đó những tính cách đặc trưng của loài khỉ: Tinh ranh, láu cá, khôn vặt... Chi tiết chú khỉ bị phạt nhịn đói bữa tối đọc thấy rất tội nghiệp và xúc động.
Có một năm, vào dịp nghỉ Hè, gia đình tôi đi Bà Nà Hill, được chứng kiến cảnh bầy khỉ trên đỉnh Bà Nà thấy du khách nước ngoài mua chuối, chúng bu lại con dưới, con trên, tay bẻ chuối rất nhanh rồi bỏ chạy ra ngoài bóc vỏ ăn. Du khách nước ngoài rất thích, họ còn để cả nải chuối lên vỉa hè cho lũ khỉ quay lại ăn tiếp. Lũ khỉ ngồi ăn rất… hoang dã, ăn đấy nhưng mắt vẫn nhìn xung quanh cảnh giác, trông thật láu cá mà lại rất đáng yêu. Trẻ con đứng xem thích lắm.
Việc giết thịt khỉ đã là một hành động đáng lên án, huống hồ lại còn quay cảnh ăn óc, uống rượu hòa với tiết, phát trực tiếp lên Facebook thì quả là man rợ. Chưa rõ hình thức xử lý của cơ quan chức năng như thế nào, nhưng việc làm của nhóm người trên quả thật không thể chấp nhận được.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại câu chuyện Muối của rừng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một câu chuyện khơi gợi lòng trắc ẩn và tính nhân văn sâu sắc. Loài vật cũng như con người chúng ta đều có tình cảm, biết yêu thương, chia sẻ, sẵn sàng hy sinh bản thân để cứu đồng loại, “người thân”.
Tôi thích cái chi tiết ông Diểu sau khi bắn được con khỉ đực nhưng không thể mang đi tiếp được đã phải bỏ lại, nhìn nó nằm trên vạt cỏ và khi thấy con khỉ cái thập thò gần đó, vẫn kiên nhẫn bám theo, ông thấy buồn tê tái tận đáy lòng: “Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. Thôi tao phóng sinh cho mày!”
Theo như tâm sự của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời. Nó là cuộc đi săn tìm danh vọng và lợi lộc. Tất cả đều trò khỉ. Cuộc sống là những trò khỉ. Cuối cùng mình trần thân trụi cả, tất cả đều về với cát bụi. Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người”.
Trong Muối của rừng, người đi săn (ông Diểu) rốt cuộc đã tìm thấy được thiên lương của chính mình, để mà cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà trở về. Nhờ đó mà ông gặp được hoa tử huyền - muối của rừng- như gặp thấy điềm lành.
Vị muối của rừng này đã chuyển sang vị xót xa khi xem cảnh livestream giết khỉ lấy óc ăn sống trên Facebook.
Đào Quốc Thắng
Tags