(Thethaovanhoa.vn) - Dự án Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo chính thức được khởi động sáng 10/4 (10/3 năm Nhâm Dần) tại Hội trường Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 73 Quán Sứ, Hà Nội.
Hưởng ứng kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012 - 2022), Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng (CCH), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương công bố "Hợp tác kế thừa phát huy cội nguồn văn hóa Việt và y học cổ truyền" và Khởi động dự án "Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo".
Dự án "Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo" là sự kiện khởi động chiến lược kế thừa và phát huy giá trị văn hóa cội nguồn dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa trong tình hình mới.
Qua đó, Ban tổ chức mong muốn góp phần đưa hình ảnh đền Hùng - một biểu tượng văn hóa đặc biệt Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết của người Việt trong và ngoài nước, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.
Tại sự kiện sáng 10/4, các bên ký kết hợp tác và thống nhất hợp tác triển khai chương trình Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa cội nguồn và y học dân tộc.
Theo đó, Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng (đại diện Hội Nam Y) đưa ra một số nội dung nhằm phát huy giá trị nhiều bài thuốc Nam của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh và một số lương y có bài thuốc giá trị.
Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phát động và tổ chức phong trào trồng cây thuốc Nam tại các chùa trong cả nước; cùng đó sẽ tổ chức nhiều chương trình truyền thông hỗ trợ Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng (CCH).
Các đơn vị sẽ phối hợp thực hiện xây dựng dự án Vinh danh đại thiền sư Tuệ Tĩnh là danh nhân văn hóa thế giới; Nghiên cứu và thực hiện chương trình Bảo dưỡng thân tâm hậu Covid-19.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
- Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy
- Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại
Các bên thống nhất triển khai tổ chức nhiều hoạt động trở về cội nguồn lịch sử dân tộc thông qua dự án Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo: Tổ chức chương trình nghệ thuật "Vua Hùng dựng nước" truyền hình trực tiếp trên Truyền hình An Viên; Mở chuyên mục Đường vào vương quốc các vua Hùng trên Truyền hình An Viên và các nền tảng mạng xã hội Phật giáo Butta, và Laicity; Các bên cùng phối hợp tham gia, thúc đẩy Lễ Giỗ tổ Hùng Vương toàn cầu và có kế hoạch lan tỏa dự án Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo nhằm giới thiệu tới đông đảo cộng đồng người Việt Nam và bạn bè quốc tế trên thế giới….
Bên cạnh đó, các bên thống nhất sẽ ứng dụng không gian mạng lan tỏa truyền thống văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, cho biết: "Các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống thiêng liêng của người Việt Nam trong tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, cũng như phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần độc lập, tự chủ và phát huy mọi nội lực để trường tồn.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thời đại 4.0, chương trình này chính là hoạt động thiết thực để gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
"Sự kiện này có ý nghĩa lớn là khai sinh một phương thức kỷ niệm Hùng Vương hoàn toàn mới, hiện đại, cập nhật, hiệu quả kinh tế xã hội lớn bên cạnh việc khai thác sử dụng những truyền thống, của văn hóa tâm linh. Chúng ta luôn có khát vọng phát triển và hiện giờ chúng ta đang có thêm nguồn lực cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, của thời đại" - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đánh giá.
Bảo Anh. Ảnh: BTC
Tags