(Thethaovanhoa.vn) - “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” tiếp tục được chọn là chủ đề Ngày đình Việt Nam năm 2020. Đây là chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện đại, ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là văn hóa ứng xử gia đình.
Chủ đề này cũng phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”...
*Tôn vinh gia đình Việt Nam
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Lượng - bà Bùi Thị Kiên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) duy trì nền nếp chào đón Ngày Gia đình Việt Nam bằng bữa cơm gia đình sum họp, đông đủ con cháu các thế hệ. Các con cháu bận đi học, đi làm từ sớm, ông bà đã nghỉ hưu nên cũng không khiến con cháu phải "động tay" nấu nướng. Bà vốn khéo tay hay làm, nấu ăn giỏi, nên cứ đến ngày Gia đình Việt Nam, từ sáng sớm, bà đã đi chợ, chọn đồ ăn ngon nhất, chuẩn bị sẵn sàng cho bữa tối sum họp bên con cháu. Thật mừng là các con trai, gái, dâu, rể và các cháu cũng rất thích về sum vầy bên ông bà đón Ngày Gia đình.
Ông Phạm Văn Lượng chia sẻ, cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi gia đình đều có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn xưa rất nhiều, cái ăn cái mặc không thiếu, thậm chí nhà ông đã có thể “ăn ngon, mặc đẹp” từ nhiều năm nay. Nhưng các thành viên trong gia đình cũng vất vả hơn, người lớn lao động nhiều hơn để trang trải cuộc sống, trẻ nhỏ học cũng nhiều hơn thế hệ trước.
Các thành viên trong gia đình vì thế ít có thời gian quan tâm, hỏi han nhau. Bữa ăn vì thế cũng vội vàng, nhiều khi gia đình có mấy người nhưng phải ăn làm 2-3 bữa vì giờ đi học, đi làm về khác nhau, kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Thế nên, ông bà quyết định chọn Ngày Gia đình Việt Nam cùng một số ngày kỷ niệm khác trong năm của gia đình để các thành viên sum họp. Ông bà, cha mẹ và con cháu có thời gian ăn uống thong thả, hỏi thăm lẫn nhau… Đó là việc nên làm để duy trì tình cảm gia đình.
Không chỉ riêng gia đình ông Phạm Văn Lượng, nhiều gia đình khác ở khắp đất nước cũng có những cách thức làm riêng để kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm, phổ biến nhất là tổ chức bữa cơm gia đình.
Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Gia đình) Trần Tuyết Ánh cho biết: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có từ năm 2001 với nhiều hoạt động nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình trên khắp mọi miền quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2014, Ngày Gia đình Việt Nam nhấn mạnh chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm khuyến khích các gia đình Việt Nam tổ chức bữa cơm đoàn viên, sum họp.
Thật mừng là chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” đã thực sự lan tỏa, đi vào đời sống và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu gia đình trên khắp đất nước. Qua đó có thể rằng bữa cơm là cầu nối, góp phần vun đắp tình cảm gia đình, chia sẻ và yêu thương, trao truyền, tiếp thu các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình.
Bắt đầu từ năm 2019, Ngày Gia đình Việt Nam có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Năm 2020, Ngày Gia đình Việt Nam vẫn giữ chủ đề như năm trước. Năm 2020, chủ đề này vẫn được duy trì và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, nhân lên giá trị của gia đình Việt Nam trong dịp này. Đó là các hoạt động tôn vinh gia đình tiêu biểu, nhất là gia đình trẻ, gia đình có người cao tuổi, gia đình khuyết tật; hội thi về văn hóa ứng xử trong gia đình, tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đặc biệt, trong Ngày Gia đình Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình Việt Nam tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”…
Ông bà, cha mẹ nêu gương ứng xử
Vốn là người Hà Nội gốc, bà Trần Thị Minh Quế (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn coi trọng việc ứng xử trong gia đình và với xã hội. Thế nên, bà đã rất chú ý việc giáo dục con cháu theo nền nếp gia đình ngay từ nhỏ. Với con cháu trong nhà, không kể trai hay gái bà đều lưu tâm uốn nắn từ lời ăn tiếng nói, cách thưa gửi, nấu nướng, ăn mặc, đối đáp với mọi người, thậm chí cả việc bài trí trong nhà sao cho thẩm mỹ, sạch sẽ…
Bà Quế dù tuổi đã cao nhưng luôn gương mẫu, nền nếp, sạch sẽ, kính trên nhường dưới, chu đáo mọi việc từ nhỏ đến lớn cả trong gia đình và với khu dân cư. Gia đình bà hàng năm đều được tổ dân phố bầu chọn đứng đầu trong danh sách các hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Nhiều người nói bà quá kỹ tính, thời buổi này cũng nên thoải mái, không cần thiết phải “ép” con cháu học tỉ mỉ như các cụ thời xưa.
Những lúc như thế, bà chỉ cười và bảo: Người Hà Nội vốn có tiếng thanh lịch, không chỉ là thanh lịch ở hình thức mà phải cả ở tâm hồn trí tuệ, ở sự tinh tế khéo léo trong giao tiếp và thị hiếu cảm thụ, hưởng thụ… Những điều này không phải tự nhiên mà có, phải nỗ lực học hỏi, quan sát, rèn từ tấm bé đến khi trưởng thành như là “uốn cây non” vậy. Bà bảo, càng là người lớn tuổi trong nhà càng phải mẫu mực làm gương, con cháu mới noi theo.
Rất tiếc là không phải ai cũng suy nghĩ thấu đáo được như bà Trần Thị Minh Quế. Trái lại, không ít ông bố bà mẹ mải công việc, ít dành thời gian cho con cháu, phó mặc cho thầy cô giáo, thậm chí là người giúp việc trông nom, dạy dỗ con, cháu.
Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh khẳng định: Trước hết, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ cần phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Trẻ em sẽ học tập, thậm chí "sao chép" hành vi ở người lớn rất nhanh, đầu tiên là từ ông bà, cha mẹ trong gia đình. Thế nên sẽ rất khó giáo dục trẻ em khi người lớn có ứng xử chưa đúng mực. Bên cạnh việc rèn luyện cùng con trẻ, ông bà, cha mẹ cần có quan tâm, dành thời gian gần gũi con, cháu chia sẻ tình cảm, nhất là với con, cháu đang ở tuổi mới lớn. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển hạnh phúc của mỗi thành viên...
Cũng chính vì coi trọng nền tảng giáo dục, nhất là ứng xử phải xuất phát trước tiên từ mỗi gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Gia đình đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 8/12/2017) nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, tiêu chí tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình. Các tiêu chí cụ thể, bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng (chung thủy, nghĩa tình); tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép); tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (hòa thuận, chia sẻ).
Bộ tiêu chí hiện nay đã được thực hiện thí điểm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều cách làm sáng tạo, đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kết hoạt động thí điểm và định hướng nhiệm vụ, giải pháp cho việc hoàn thiện, áp dụng thực hiện bộ tiêu chí này.
Nguyễn Khánh Vy
Tags