- Tổng hợp tin đồn Apple: Di sản Tim Cook để lại vẫn là iPhone, nhưng giá 3.000 USD và hiện hình dưới dạng ảo ảnh 3 chiều
- Thủ đoạn giả mạo trang web mua sắm tinh vi: Nếu không thấy biểu tượng đặc biệt này, đừng mua gì trên đó!
- Thử nghiệm thả rơi Galaxy S23 "thân thiện với môi trường" và kết quả bất ngờ
Kể từ khi bộ công cụ bảo mật Windows Defender của Microsoft xuất hiện và được cập nhật thường xuyên, những ngày huy hoàng của phần mềm diệt virus đã không còn nữa.
Từng là loại phần mềm bất ly thân đối với người dùng Windows, nhưng kể từ khi bộ công cụ bảo mật Windows Security (hay còn có tên là Windows Defender hay Microsoft Defender) xuất hiện, các phần mềm diệt virus đã ngày càng vắng bóng trên máy tính người dùng, thậm chí nhiều người còn không nhớ lần cuối cùng họ cài đặt một phần mềm như vậy là khi nào.
Điều tương tự cũng đúng với Jared Newman, phóng viên của trang PCWorld. Dù Windows Security đã thành lựa chọn bảo vệ máy tính duy nhất của anh từ nhiều lâu, nhưng lần cuối cùng anh gặp phải một vấn đề về virus trên máy tính cũng đã từ hàng thập kỷ trước. Nhưng liệu có phải vì không cài phần mềm diệt virus nên máy tính của anh không phát hiện ra virus hay giờ đây, việc cài một phần mềm như vậy đã không còn cần thiết?
Dưới đây là nhận định của Jared Newman về câu hỏi này.
Nếu mọi người muốn nhìn xung quanh để tìm sự ủng hộ cho việc từ bỏ niềm tin kéo dài nhiều năm nay về phần mềm diệt virus, đầy các chuyên gia sẽ khăng khăng khẳng định với bạn rằng, mọi người đều nên trả tiền cho loại phần mềm đó. Lời khuyên này không chỉ đến từ các công ty bán phần mềm diệt virus mà còn từ các trang web uy tín khi thực hiện các bài đánh giá về phần mềm diệt virus.
Ngoài ra hầu như mọi laptop mà tôi từng đánh giá đều đã được cài sẵn bản dùng thử của một phần mềm diệt virus nào đó như McAfee hay Norton. Các công ty này đều trả tiền cho những nhà sản xuất PC để có được một chỗ cài sẵn trên máy tính đó, với hy vọng rằng, sau đó sẽ có người bỏ tiền ra mua sản phẩm đó nhờ việc được tiếp cận và dùng thử.
Tại sao lại không cần cài phần mềm diệt virus nữa?
Chính vì vậy, để trả lời cho câu hỏi "Liệu phần mềm diệt virus có còn cần thiết trên máy tính PC hay không?" Newman quyết định tìm đến một nguồn thông tin khác, phỏng vấn người dùng ngay trên Twitter! Và anh đặt câu hỏi trên Twitter của mình: "Phần mềm Windows Security được Microsoft tích hợp sẵn có đủ để bảo vệ người dùng PC thông thường nữa không?"
Hầu hết câu trả lời anh nhận được là có. Nhưng cũng đi kèm với một số giải pháp khác.
Ví dụ Justin Duino của trang How-To Geek đề xuất nên dùng kèm Windows Security với phần mềm quét malware miễn phí Malwarebytes. Một đồng nghiệp của Newman, anh Rob Pegoraro và một cây viết khác cũng đề xuất một giải pháp tương tự.
Lý do rất đơn giản: Windows Security cạnh tranh với các phần mềm khác trong việc phát hiện virus. Cho dù không phải lúc nào cũng đúng nhưng khả năng phát hiện virus của Microsoft đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bằng chứng là Viện AV-TEST, một tổ chức nghiên cứu độc lập từng chấm điểm cho phần mềm này ở mức 6/6 – điểm số hoàn hảo cho khả năng bảo vệ, sử dụng và hiệu năng vận hành, vượt qua mức trung bình của ngành.
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả, giờ khả năng bảo mật đã được phân cấp thành nhiều lớp khác nhau, vì vậy phần mềm quét virus cũng không còn là lá chắn bảo vệ duy nhất dành cho máy tính của bạn nữa.
Ví dụ giờ đây trình duyệt web cũng có thể tự phát hiện và ngăn chặn các phần mềm website độc hại, nhờ vào những công cụ hữu hiệu như Google Safe Browsing. Thậm chí các trình duyệt còn có thể cảnh báo bạn khi đang tải file từ một chương trình không nhận dạng được.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ email, như Gmail hay Yahoo, cũng đã tăng cường quét mã độc đối với file đính kèm trong email, trước cả khi bạn có thể tải chúng xuống. Ngoài ra bộ lọc spam của các nhà cung cấp email này cũng làm rất tốt việc loại bỏ các email độc hại ra khỏi hòm thư của bạn và cảnh báo bạn về các kịch bản lừa đảo tiềm năng.
Thậm chí trong Windows còn được tích hợp sẵn một công cụ khác có tên SmartScreen sẽ cảnh báo cho bạn nếu bạn cố gắng cài một phần mềm không nhận diện được vào máy tính.
Nhờ vậy, giờ đây các phần mềm diệt virus chỉ là lớp phòng thủ cuối cùng trên toàn bộ cỗ máy của bạn. Và đối với hầu hết người dùng thông thường, các lớp bảo vệ được tích hợp trong Windows cũng đủ mạnh mẽ để ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài.
Thêm một lớp bảo vệ bổ sung sẽ càng tốt hơn
Nhưng tại sao lại nên cài thêm lớp bảo vệ với các phần mềm như Malwarebytes. Dù sao đi nữa, nếu có thêm một con mắt khác để bảo vệ cho máy tính của bạn vẫn là điều nên làm. Một ví dụ của Newman cho thấy cẩn thận không bao giờ thừa.
Khi dùng Malwarebytes để quét máy tính của mình, anh phát hiện ra một số phần mềm không mong muốn liên quan đến việc cài đặt Chrome. Cho dù việc cài đặt Chrome dường như vẫn bình thường – nhưng điều này vẫn khiến Newman xóa hết dữ liệu đồng bộ trên Chrome, reset lại các cài đặt và thực hiện một lần cài đặt hoàn toàn mới trình duyệt của mình. Có thể một extension nào đó đang thực hiện một hành vi không chính đáng.
Nhưng chính Malwarebytes cũng có nhược điểm: nếu bạn không cẩn thận trong quá trình cài đặt, phần mềm sẽ tự động cài đặt các extension riêng vào trình duyệt của bạn và phiên bản miễn phí của phần mềm này thường làm phiền bạn với những lời nhắc nâng cấp. Hơn thế nữa, nếu bạn không tắt tính năng bảo vệ theo thời gian thực, nó sẽ xung đột với phần mềm quét virus của riêng Microsoft trong Windows.
Những ai vẫn cần cài phần mềm diệt virus
Rõ ràng phần mềm diệt virus không phải là các công cụ vô dụng, chỉ là nó không còn hữu ích như trước đây nữa. Cho dù đa số người dùng không cần phải trả tiền cho phần mềm diệt virus nữa, vẫn còn lý do để bạn cân nhắc làm vậy:
- Bạn cần thêm các lớp bảo mật: một số chương trình diệt virus còn cung cấp thêm các tính năng bảo vệ khác ngoài khả năng quét virus truyền thống. Ví dụ Avast có thể giám sát việc sử dụng webcam để giúp bạn chặn các ứng dụng không đáng tin sử dụng nó để ghi hình trái phép, đồng thời phát đi cảnh báo nếu bất kỳ mật khẩu nào của bạn liên quan đến các vụ rò rỉ bảo mật.
- Bạn muốn có các gói công cụ bổ sung: bên cạnh các tính năng bảo mật nâng cao, một số chương trình diệt virus còn cung cấp các công cụ mà bạn phải mua riêng. Ví dụ, Norton 360 Deluxe còn cung cấp cả một chương trình quản lý mật khẩu và dịch vụ đám mây. Avast One tích hợp một VPN và có một chương trình quét file tạm.
- Quan trọng hơn, nhiều phần mềm diệt virus cung cấp các phương pháp bảo vệ bổ sung không được tích hợp sẵn trong Windows. Ví dụ, tính năng "Behavior Shield" của AVG có thể tìm kiếm các mẫu hình về những hành vi độc hại cho dù chưa phát hiện ra virus trong máy tính, trong khi Avast One có lớp bảo vệ chống lại ransomware khi ngăn các phần mềm độc hại mã hóa file của bạn bất hợp pháp. Ngoài ra các bộ phần mềm diệt virus còn bao gồm khả năng bảo vệ thiết bị di động.
Tuy nhiên, tất cả các tính năng này đều sẽ làm nặng máy tính của bạn, ảnh hưởng đến hiệu năng và thậm chí có thể các tính năng bổ sung đó cũng chẳng phải công cụ tốt nhất để làm điều đó. Ví dụ, các tiện ích quản lý mật khẩu hoặc VPN hiện cũng rất phổ biến và có hiệu năng tốt đến mức bạn không cần phải cài cả một phần mềm diệt virus để tận dụng các tính năng đó.
Nhưng dù có bổ sung tính năng nào đi nữa, cũng phải thừa nhận rằng, các phần mềm diệt virus – thứ từng là vật bất ly thân của các máy tính Windows trong thời kỳ đầu của điện toán cá nhân – đã không còn giữ được vai trò như trước nữa.
Giữa hàng loạt các công cụ bảo vệ mạnh mẽ hiện nay, thật khó khiến người dùng mở hầu bao mua thêm một phần mềm diệt virus nữa. Có thể đây chưa phải ngày tàn của các phần mềm diệt virus, nhưng có lẽ họ sẽ khó có thể quay lại những ngày huy hoàng trước đây.
Tham khảo PCWorld