Tại đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, từ 7h sáng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng 3 tỉnh tham gia tổ chức Lễ giỗ Tổ là Hưng Yên, Bình Thuận, Cà Mau và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tề tựu đông đủ trong ngày quốc lễ.
Ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Chủ lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Thân 2016 đã đọc Chúc văn thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức của các Vua Hùng, ôn lại và tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đã đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Lăng Hùng Vương. Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.”
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đã dâng hương tại Đền Giếng, Đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân; dâng hoa tại bức Phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong, ngày 19/9/1954. Lẵng hoa mang dòng chữ “Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy.”
Ghi nhớ công đức 18 đời vua Hùng, trong lễ dâng hương, đại diện lãnh đạo thành phố và các quận, huyện đã dâng lên Quốc Tổ những mâm lễ vật trái cây địa phương được kết hình các linh vật tinh xảo. Ngoài ra, chương trình buổi lễ còn có những tiết mục văn nghệ ca cổ, múa hát mang đậm nét văn hoá miền Tây Nam Bộ, ca ngợi công lao của các vua Hùng và lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
*Tại Di tích lịch sử quốc gia đền Hồng Sơn (tỉnh Nghệ An), UBND thành phố Vinh (Nghệ An) đã phối hợp với Ban quản lý phường Hồng Sơn long trọng tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào 7h sáng 16/4.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương có sự tham dự của 25 phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh. Mỗi đơn vị đều có một mâm lễ vật để dâng lên tế Vua Hùng. Trong phần lễ có lễ khai quang, yết cáo, lễ tưởng niệm và lễ đại tế. Lễ đại tế là nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ giỗ Tổ. Bên cạnh phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, chơi cờ thẻ, thi võ cổ truyền thu hút đông đảo người dân tới xem và cổ vũ.
* Sáng 16/4, tại Di tích lịch sử văn hóa Đình Lạc Giao, (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Đắk Lắk cũng long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Trước anh linh Quốc tổ Hùng Vương, đồng chí H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đạt trong năm qua trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
*Tại đền thờ Âu Lạc thuộc khu du lịch thác Prenn (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) trong sáng 16/4, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2016, thu hút hàng nghìn người dân và du khách. Lễ giỗ Tổ diễn ra với 7 hoạt động chính nhằm giới thiệu những tinh hoa văn hóa của dân tộc qua các nghi lễ truyền thống: nghi thức cúng tế, đám rước lễ vật, văn nghệ dân ca và nhạc cổ truyền, hoạt cảnh truyền thuyết thời Hùng Vương, trò chơi dân gian, hội thi văn hóa ẩm thực…
Nghi lễ trang trọng được tổ chức trong không gian đền thờ Âu Lạc, nơi mô phỏng khá toàn diện kiến trúc Khu di tích Hùng Vương tại đất Tổ Phú Thọ. Sau phần nghi thức cúng tế, các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, hội thi ẩm thực diễn ra tại khu vực chân thác Prenn.
Trong dịp này, tại nhiều nơi trong tỉnh Lâm Đồng, lễ giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trang trọng để nhân dân cùng hội tụ hành lễ.
TTXVN
Tags