Theo số liệu thống kê của chính quyền xã Ninh Vân, xã có khoảng 1.600 hộ chế tác đá, hình thành hơn 60 doanh nghiệp, 450 tổ hợp sản xuất đá mỹ nghệ với hơn 2.000 thợ chuyên, hơn 1.000 thợ bán chuyên và hơn 1.000 thợ từ các vùng khác về Ninh Vân làm đá. Riêng năm ngoái, doanh thu từ chế tác đá (chủ yếu là linh vật ngoại lai) của xã là 180 tỷ đồng.
Nỗi buồn "sư tử ngoại"
Trong không gian ngôi đình cổ thôn Xuân Vũ, ông Nguyễn Quang Diệu, trưởng ban quản lý làng nghề đá xã Ninh Vân nói to trong tiếng trống hội rầm rập: 16/8 (Âm lịch) hàng năm là ngày giỗ tổ, tưởng nhớ người đã mang nghề chạm đá tới làng Xuân Vũ. Nhờ người mà ngôi làng ấm no, hưng thịnh. Đặc biệt, khoảng gần chục năm nay, khi "mốt" sư tử đá, tỳ hưu đá Trung Quốc bùng phát, làng làm không hết việc, phải thuê thêm cả ngàn thợ ở các nơi khác về. Gần một thập kỷ ấy đã thay đổi hoàn toàn diện mạo ngôi làng.
Nhưng năm nay, ngay trong ngày hội một năm mới có một lần của làng đá, không khí trong làng Xuân Vũ, "đại công trường" chế tác đá thật ảm đạm. Những tiếng mài, đục thưa thớt trộn trạo cùng những tiếng hò dô vần những con sư tử đá Trung Quốc đang chế tác dở ra góc xưởng. Một cặp sư tử đá to lớn có giá thành 45 triệu là đơn đặt hàng của một cá nhân để cung tiến một ngôi đình. Nhưng sau công văn 2662 của Bộ VH,TT&DL cùng liên tiếp những công văn của các cấp ban ngành, cá nhân này tự hủy hợp đồng.
"Đây không phải trường hợp duy nhất, chúng tôi vừa phải chịu quá nhiều hợp đồng dang dở. Họ chấp nhận mất một khoản tiền đặt cọc không lớn lắm. Nhưng chúng tôi mất tất: công thợ, tiền mua đá và cả hy vọng thanh toán nốt những đơn đặt hàng sư tử đá Trung Quốc cuối cùng. Những khối đá này do đã thành hình nên không thể chế tác thành mẫu khác và có lẽ chúng sẽ xếp xó vĩnh viễn cùng hàng chục đôi sư tử, tỳ hưu đã chế tác xong nhưng không ai qua lấy trong xưởng" - anh Trương Công Định, thợ chế tác đá ở làng Xuân Vũ chia sẻ.
Có thể làm tốt những linh vật Việt
Nhưng đó không phải là nỗi lo lớn nhất đối với anh Định cùng hàng ngàn người thợ Xuân Vũ đang oằn lưng mài đá giữa trưa nắng. "Cả tháng nay, đón những "tin dữ" liên tiếp từ truyền thông và những bạn hàng, tôi thực sự cảm thấy hoang mang" - anh Định nói - Giờ muốn tồn tại, phải làm tốt linh vật Việt. Tôi muốn làm một vài linh vật truyền thống Việt để thử sức và làm mẫu. Nhưng không biết như thế nào là chuẩn...".
Trước khi đi, chúng tôi có mang bản vẽ chi tiết một vài mẫu linh vật Việt do nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế vẽ lại và nhờ gửi những người thợ Xuân Vũ. Cầm các mẫu vẽ trên tay, anh Định chau mày quan sát từng chi tiết. Rồi anh cười: "Những mẫu này, chúng tôi làm tốt”.
Còn theo anh Đỗ Đình Thủy, người được phong nghệ nhân chế tác trẻ nhất Ninh Vân, người thuộc thế hệ thứ 7 trong gia đình chế tác đá của bậc thầy trường Mỹ thuật Đông Dương Lương Văn Tụ: Chúng tôi làm theo thị hiếu khách hàng. Nếu thị hiếu khách hàng hướng về linh vật Việt, chúng tôi càng vui. Trước đây, trong "cơn sốt" sư tử ngoại, cơ sở tôi vẫn sản xuất nhiều linh vật Việt theo đơn đặt hàng của một số ngôi chùa Việt. Nên chúng tôi tự tin vào năng lực của mình với linh vật Việt."
"Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng làm sao để công chúng thực sự yêu linh vật Việt, sẵn sàng đặt những họa tiết ông cha lên những nơi thiêng liêng thay vì những linh vật mang tạo hình ngoại. Có vậy, làng nghề chúng tôi mới vượt qua khúc quanh co này" - anh Thủy nói tiếp - "Hơn 400 năm, qua bao thiên tai địch họa, làng đá chúng tôi vẫn đứng vững, tôi không nghĩ biến động này có thể khiến làng tôi mất nghề".
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags