(Thethaovanhoa.vn) - Vào 20h30 thứ Bảy ngày 27/3, sự kiện Giờ Trái đất 2021 với thông điệp “Lên tiếng vì thiên nhiên" sẽ chính thức được diễn ra.
Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường, quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu, như khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và thiếu hụt các nguồn tài nguyên; trong đó, có tài nguyên năng lượng, diễn ra với tốc độ chưa từng có.
Hơn mười năm qua, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, đồng hành cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức các chuỗi sự kiện Giờ Trái đất và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Giờ Trái đất 2021 toàn cầu kêu gọi mọi người hưởng ứng thông điệp “Lên tiếng vì thiên nhiên", tập trung vào hai chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.
Chia sẻ về Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 13 Việt Nam thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất. Kể từ lần đầu tiên thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố tham gia nhưng đến nay, sau nhiều năm thực hiện, chương trình đã thu hút được 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Với chủ đề của chiến dịch Giờ Trái đất năm nay là “Lên tiếng vì thiên nhiên”, Bộ Công Thương cũng đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức xã hội khác tham gia chương trình này để huy động toàn dân tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, qua các năm thực hiện, chương trình ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, lực lượng các bạn trẻ trong xã hội tham gia.
“Đây thực sự là một tín hiệu tốt để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp cho việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Chia sẻ thêm về những chính sách, chương trình hành động của Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại thời gian tới, nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành công thương, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, theo các cam kết của Việt Nam về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng và tổ chức các chính sách về giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện nay Bộ Công Thương đã tập trung vào các giải pháp chính liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả và tăng phát triển năng lượng tái tạo.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Hiện, Bộ Công Thương đang thực hiện giai đoạn thứ ba của giai đoạn 2019 - 2030 với mục tiêu giảm từ 8-10 % tổng năng lượng cuối cùng cho cả giai đoạn vào năm 2030, tương đương với 60-80 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng kinh phí của chương trình hiện nay là 4.400 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ đang tập trung vào việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu dài hạn. Theo đó, Việt Nam sẽ đạt mức tổng cung năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên từ 15-20% vào năm 2030 và từ 25- 30% vào năm 2045 theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
- Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020: Tắt các thiết bị điện không cần thiết
- Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất 2018
- Hà Nội tắt và bật Giờ trái đất
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng hai quy hoạch rất quan trọng là Quy hoạch phát triển lực quốc gia cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đến 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Tất cả các mục tiêu sẽ được cụ thể hóa trong hai quy hoạch này và Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đang tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ đối với việc phát triển năng lượng ngành công nghiệp quốc gia với mục tiêu lớn.
Đó là, là chuyển đổi, thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và lao động, chuyển giao các ngành công nghiệp khoa học công nghệ cao hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Về lĩnh thương mại, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều chương trình và mục tiêu chính là thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bộ cũng tổ chức chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện.
“Đây là một chương trình rất quan trọng trong thời gian qua, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên cả nước. Hy vọng rằng, những hành động tổng hợp các mục tiêu như vậy sẽ góp phần quan trọng việc thực hiện Mục tiêu quốc gia của Việt Nam về thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Đức Dũng/TTXVN
Tags