Triển lãm Di sản văn hóa xứ Thanh - Di sản chung của chúng ta diễn ra chiều 22/11 tại Thành nhà Hồ. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của UNESCO.
Thông qua 40 pano ảnh, Triển lãm "Di sản văn hóa xứ Thanh - Di sản chung của chúng ta" được chia làm hai phần. Phần thứ nhất trưng bày, giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu có giá trị mang tính đặc trưng về di sản văn hóa xứ Thanh như: Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, hang Con Moong, Khu Di tích lịch sử đền Bà Triệu, Khu Di tích lịch sử đền thờ Lê Hoàn, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương; các trò chơi, trò diễn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: trò diễn Xuân Phả, Trò Chiềng, lễ hội Cầu ngư...
Phần thứ hai trưng bày, giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu mang giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản thế giới tại Việt Nam. Đó là Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với cảnh quan thiên nhiên biển, sông, núi, hang động kỳ vĩ, huyền bí nhưng hữu tình mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Đó là những công trình mang hồn cốt dân tộc, thể hiện chủ quyền đất nước, với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của các vương triều như: Hoàng thành Thăng Long và Kinh thành Huế. Các công trình độc đáo, thể hiện trí tuệ, sự sáng tạo và nỗ lực phi thường của người xưa như Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn… Hay phố cổ Hội An - nơi từng là thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ, nay trầm mặc bên dòng sông Thu Bồn với những con phố rêu phong. Mỗi địa danh là một giá trị riêng biệt, đặc sắc, mảnh ghép cho bức tranh di sản văn hóa - thiên nhiên đầy màu sắc tại Việt Nam.
Đặc biệt, Triển lãm đã giới thiệu nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (2011-2022), Thành nhà Hồ đã bảo tồn, phát huy giá trị vốn có, thực hiện các cuộc khai quật và tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này. Thực hiện cam kết với UNESCO trong bảo tồn di sản, Thanh Hóa đã không ngừng quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho công tác khai quật khảo cổ và bảo tồn, chống xuống cấp di sản.
Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay, góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quê hương, đồng thời thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ. Triển lãm được tổ chức là dịp tôn vinh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa, du lịch của tỉnh Thanh Hóa đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá giữa các khu di sản tại Việt Nam.
Tags