Theo WHO, hoạt động thể chất không đầy đủ, được coi là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong thế kỷ 21, hiện là yếu tố nguy cơ hàng đầu thứ tư làm tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm trên toàn cầu. Tính đến năm 2020, khoảng 70% bệnh tật trên thế giới là do lười vận động và ngồi lâu.
Do tính chất công việc nên rất nhiều người phải ngồi nhiều giờ trong một ngày, chẳng hạn như giới văn phòng, họ có thể ngồi tới 7-8 tiếng, thậm chí là hơn. Ngoài ra, người trẻ nghiện game, xem tivi quá lâu cũng không nằm ngoài danh sách.
Lối sống kém lành mạnh này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư, đau tim,...Đặc biệt, ngồi nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, đặc biệt là phụ nữ. Các nghiên cứu cho thấy ngồi quá 3 giờ/ngày sẽ làm tăng đến 30% nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.
Bệnh thận mạn tính là tình trạng mà chức năng thận sẽ xấu đi qua thời gian, cuối cùng bị mất hoàn toàn. Quá trình này xảy ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự suy giảm chức năng thận diễn ra nhanh hơn nhiều.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh thận mạn tính là mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, ói mửa, chán ăn, đi tiểu nhiều, da ngứa, khô và một số triệu chứng khác. Khi bệnh đến giai đoạn nặng, người mắc có thể bị sưng phù ở chân hoặc mắt cá chân do cơ thể tích trữ nhiều nước. Những người trong giai đoạn này có thể tiểu khó hoặc tiểu ra máu.
Bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao dẫn đến suy thận, tức thận mất đi khả năng hoạt động bình thường. Đây là bệnh nghiêm trọng gây tử vong, cần phải lọc máu, thậm chí là ghép thận.
Do đó, nếu phải ngồi làm việc nhiều thì thỉnh thoảng hãy đứng dậy đi lấy nước, đi toilet hoặc đến gặp đồng nghiệp để trao đổi trực tiếp thay vì qua online. Vào giờ nghỉ trưa, có thể tranh thủ đi bộ quanh tòa nhà mình làm việc. Bởi đi bộ dù chỉ 5 phút hay 1 giờ thì cũng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, chẳng hạn tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ bắp và kích thích tinh thần
Các căn bệnh mãn tính từ ngồi nhiều mà ra
Theo một nghiên cứu cho thấy 50-70% số người dành 6 giờ hoặc hơn cho việc ngồi trong một ngày. Ngồi quá nhiều sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, mắt,...
Thiếu hoạt động thể chất là nguyên nhân chính gây nên khoảng:
- 21-25% ung thư vú và đại tràng
- 27% bệnh đái tháo đường
- 30% bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bệnh tim mạch
Ngồi nhiều là nguyên nhân dẫn tới những bệnh tim mạch như: cao huyết áp, tắc động mạch vành, ứng đọng ngoại vi do chi dưới ngừng hoạt động, suy tim,...
Để phòng tránh những bệnh này do ngồi nhiều, sau mỗi giờ làm việc cần tập thể dục một cách hợp lý. Thay đổi tư thế hoặc đứng dậy đi lại, vươn vai, xoa bóp từ cẳng chân đến đùi. Tư thế ngồi trên ghế hãy để hai chân sát xuống mặt đất, thân gấp với đùi một góc 135 độ và nhắm mắt thả lỏng người.
Ung thư
Ngồi nhiều (trên 8 giờ mỗi ngày) được chứng minh là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư. Theo GS.TS Karen Basen-Engquist Khoa Khoa học Hành vi, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas (Mỹ), ngồi nhiều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung.
Nghiên cứu của Mỹ được thực hiện trên 8.000 người tình nguyện, không ai mắc ung thư khi tham gia. Họ được yêu cầu mang thiết bị theo dõi trong suốt thời gian thức mỗi ngày từ năm 2009 đến 2013.
Phân tích dữ liệu sau 5 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện hầu hết tình nguyện viên ít vận động có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 82% so với những người vận động thường xuyên, thậm chí sau khi tính yếu tố tuổi tác, giới tính và tình trạng bệnh tật.
Bệnh xương khớp
Khi ngồi quá lâu, trọng lượng của nửa trên cơ thể sẽ dồn về cột sống và điểm chịu áp lực lớn nhất là cổ, lưng, đốt sống thắt lưng. Do đó, người bệnh thường có cảm giác đau mỏi cơ vai gáy thắt lưng, chuột rút, thậm chí là hoa mắt, đau đầu.
Ngoài ra, khi vùng đốt sống bị tỳ đè nhiều làm tăng áp lực, đẩy các đĩa đệm ra làm cho tổ chức đệm phù nề, lâu dần dẫn tới xơ hóa và chèn ép các rễ thần kinh, gây ra đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa thường đau một bên rồi lan từ mông xuống tới khoe và cẳng chân.
Bệnh tiết niệu
Nhân viên văn phòng thường có thói quen nhịn tiểu, ngồi nhiều làm cho nước tiểu bị lắng đọng, dẫn tới những bệnh về hệ tiết niệu như: sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu,...
Để phòng ngừa những bệnh về hệ tiết niệu, cần thường xuyên vệ sinh đường sinh dục, uống nhiều nước và luyện tập thường xuyên, đặc biệt là không được nhịn tiểu.
Nguyễn Phượng
Theo Medical News Today, WHO
Tags