Những năm gần đây, Tà Xùa trở thành cái tên quen thuộc đối với các bạn trẻ đam mê du lịch. Xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La này được du khách nhắc đến như là một điểm "săn mây".
Nhưng ngoài "săn mây", Tà Xùa có gì để "đãi" du khách?
Ấn tượng của người viết sau khi đặt chân tới Tà Xùa: Đây là địa điểm vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng. Nhưng đầu tư, khai thác thế nào để giữ mãi hình ảnh Tà Xùa "thiên đường mây", chính là câu chuyện cần nói tiếp.
Đầu tiên, đường từ Hà Nội đến Tà Xùa không phải dễ đi. Đường đi đã khó, nhưng ngại nỗi các tuyến xe lên Tà Xùa không nhiều, du khách chưa thể linh hoạt được giờ giấc. Đối với các du khách đến Tà Xùa chỉ với mục đích duy nhất là "săn mây", họ không cần lưu trú lại. Nên có nhiều du khách chỉ ngắm mây cùng lắm là vài tiếng đồng hồ, rồi muốn trở về ngay.
Chưa kể thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi cho người "săn mây", có du khách tâm sự, đã lên đến 8 lần, nhưng đến ngày 3/12 vừa qua mới gặp được môi trường lý tưởng để "săn mây".
Các điểm du lịch nổi tiếng khác của Tà Xùa như "sống lưng khủng long", "cây cô đơn" cũng chỉ là thắng cảnh, đến ngắm, chụp hình, chẳng qua phục vụ nhu cầu "sống ảo" là chính. Du khách nhiều khi đã đi hết các điểm kể trên, đứng bơ vơ không biết lên núi, xuống bản rồi thì làm gì tiếp theo, chỉ lang thang ở các quán cà phê chờ đến giờ xe đón chứ chẳng biết đi đâu.
Tà Xùa là khu du lịch mới nổi, và đang trở mình. Đi trên các con đường quanh co của Tà Xua, chốc chốc lại thấy một công trình lưu trú, hay quán xá đang xây dựng. Ngồi ở quán cà phê, thi thoảng vẫn văng vẳng bên tai tiếng cưa, tiếng khoan cắt. Cái lo sợ của những du khách đến Tà Xua để "lánh đời" chính là nơi đây sẽ bị bê tông hóa quá nhanh.
Thật ra, trong một chừng mực, đó cũng là điều cần có để phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số - những người nhờ du lịch mới có thêm nguồn thu nhập cho mình.
Tuy nhiên, trước Tà Xùa, không ít địa điểm du lịch đã mất "chất" chỉ vì tiến trình bê tông hóa diễn ra quá nhanh và chưa có quy hoạch kịp thời để vừa đảm bảo nhu cầu vui chơi cho du khách, vừa giữ gìn được một tài sản thiên nhiên hiếm có. Đối với những nhà nghiên cứu hay chỉ đơn giản là những du khách nội địa cũng như khách nước ngoài muốn tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa bản địa, việc một vùng đất bị bê tông và hiện đại hóa quá nhanh, cũng dễ gây thất vọng.
Đêm cuối tuần ở Tà Xùa, vắng những giai điệu truyền thống của đồng bào Mông, chỉ nghe lanh lảnh tiếng karaoke phát ra từ những chiếc loa kẹo kéo. Du khách từ miền xuôi đem theo giọng hát của mình phá vỡ sự tĩnh lặng của một vùng núi non yên tĩnh.
Và như thế, chuyện riêng của Tà Xùa vẫn gắn với một bài toán chung: Để phát triển một địa điểm du lịch dựa trên cảnh đẹp làm trung tâm, ta luôn cần có sự hài hòa từ nhiều phía. Xây dựng sao vừa đảm bảo tiện nghi vừa giữ cảnh quan, làm sao để thu hút nhiều du khách nhưng vẫn giữ được bản sắc địa phương - đó là câu chuyện về tầm nhìn và năng lực của những nhà quản lý cũng như phía kinh doanh du lịch.
Hy vọng lần trở lại, Tà Xùa sẽ là một khu du lịch phát triển bền vững và hài hòa mọi phương diện.
Tags