Thuật ngữ "sương mù chiến tranh" được nhà lý luận quân sự nổi tiếng Carl von Clausewitz nhắc tới từ thế kỷ XIX, ám chỉ việc các bên tham chiến đưa ra những tuyên bố mơ hồ, không rõ ràng về ý định hoặc mục tiêu của họ, khiến đối phương khó nắm bắt.
Những diễn biến mới liên quan tới tiến trình giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhất là sau vòng đàm phán tại thủ đô London (Anh) ngày 23/4 giữa đại diện Mỹ, Ukraine, Anh, Đức và Pháp, dường như cũng đang khiến hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài 38 tháng bị chìm trong "sương mù chiến tranh". Có vẻ các bên đều có những toan tính và nhiều bất đồng chưa thể hóa giải, khiến tiến trình đàm phán thúc đẩy thỏa thuận hòa bình trở nên khó nắm bắt.
Cuộc đàm phán tại London giữa Mỹ, châu Âu và Ukraine ban đầu dự kiến diễn ra ở cấp ngoại trưởng, để Washington nhận câu trả lời của Kiev về các đề xuất trong dự thảo "Thỏa thuận khung về giải pháp hòa bình cho Ukraine", vốn được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio công bố với các đại diện Ukraine và châu Âu tại cuộc gặp ở Paris (Pháp) ngày 17/4.

Binh sĩ Ukraine nã pháo Pion vào các vị trí của Nga gần Bakhmut. Ảnh: AP
Dư luận khá kỳ vọng vào một bước đột phá tại vòng đàm phán ở London, bởi những tín hiệu tích cực ngay trước ngày diễn ra cuộc họp. Đó là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/4 đề xuất tổ chức những cuộc đàm phán song phương với Ukraine, khẳng định Moskva "giữ thái độ tích cực đối với bất kỳ sáng kiến hòa bình nào", còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 nói sẵn sàng đối thoại với Nga "dưới bất kỳ hình thức nào" sau khi thiết lập được lệnh ngừng bắn. Đây là lần đầu tiên Moskva "mở cánh cửa" cho các cuộc đàm phán song phương với Kiev. Trước đó, Tổng thống Nga đã tuyên bố ngừng bắn nhân ngày lễ Phục Sinh, phía Ukraine cũng hưởng ứng, dù sau đó hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, việc Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, người đang dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán quốc tế về tình hình tại Ukraine, hủy bỏ cuộc họp tại London vào phút chót với lý do "vẫn còn khoảng cách giữa Washington, Kiev và các đồng minh châu Âu về cách thức chấm dứt xung đột", đã khiến cuộc đàm phán cấp bộ trưởng hạ cấp thành các cuộc thảo luận giữa các quan chức cấp cao. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social rằng Mỹ hầu như đã đạt được thỏa thuận với Nga, kêu gọi Kiev nỗ lực để đi đến thỏa thuận, đồng thời cho rằng những tuyên bố gần đây của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky khiến cho việc khép lại cuộc xung đột trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Anh mô tả cuộc họp tại London là "hiệu quả và thành công", đồng thời đạt được "tiến triển đáng kể" trong việc thống nhất quan điểm cho các bước tiếp theo, song những chỉ trích có phần gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào người đồng cấp Zelensky, rằng "nhà lãnh đạo Ukraine gây tổn hại đến các cuộc đàm phán hòa bình", cho thấy hành trình để các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán còn gập ghềnh. Chuyên gia về địa chính trị Dominique Moïsi (hiện đang làm việc tại Viện Montaigne), cho rằng những động thái gần đây của Washington về đàm phán khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về một sự điều chỉnh lập trường, cũng như mức độ ưu tiên của vấn đề Ukraine trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt trong bối cảnh Washington cũng đang bận rộn với hồ sơ hạt nhân Iran và hàng chục đối tác quốc tế đang chờ dàn xếp các cuộc đàm phán thuế quan. Nhà phân tích Bence Németh, giảng viên cấp cao về nghiên cứu quốc phòng tại trường King's College London, đánh giá việc Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Đặc phái viên Steve Witkoff không tham dự cuộc đàm phán ở London như kế hoạch ban đầu "không chỉ là biểu hiện của sự mệt mỏi trong ngoại giao, mà còn báo hiệu một sự thay đổi mạnh mẽ: Mỹ không định vị mình là một bên trung gian trung lập". Khi đó, vai trò dẫn dắt của Mỹ trong tiến trình đàm phán cũng bị nghi ngờ.

Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào thành phố Kiev, Ukraine ngày 20/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo các nguồn tin ngoại giao, Mỹ đề xuất một thỏa thuận mà theo đó Kiev sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như từ bỏ hầu hết các vùng lãnh thổ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Moskva, trong đó có Crimea, để đổi lấy hỗ trợ kinh tế và đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, đây được xem là "ranh giới đỏ" đối với Ukraine. Ngay trong cuộc đàm phán tại London, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã nói với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg rằng Ukraine sẽ giữ vững lập trường nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ và các vấn đề chủ quyền. Đây cũng là tuyên bố của Tổng thống Ukraine Zelensky và quan điểm của các nước châu Âu trước thềm cuộc đàm phán ở London.
Khi không đưa ra được bất kỳ lộ trình khả thi nào cho tiến trình hòa bình, giới quan sát đánh giá cuộc họp London chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Ngoài ra, việc hủy đàm phán ở cấp bộ trưởng thay vào đó là cấp chuyên gia cho thấy ở góc độ nào đó, Mỹ và châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong bối cảnh chưa có tiến triển thực chất nào sau cuộc họp ở London, chính quyền Tổng thống Trump đang đứng trước áp lực gia tăng cả về thời gian và kết quả đàm phán, bởi người đứng đầu Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong vòng 100 ngày cầm quyền đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, điều có thể giúp ông Trump tạo dựng hình ảnh về cả đối nội và đối ngoại. Đó là lý do vì sao giới chức Mỹ từ Tổng thống Trump, Phó Tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio đều gia tăng sức ép đối với các bên khi cảnh báo Mỹ có thể rút khỏi các nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn nếu tiến trình này tiếp tục đình trệ.
Có thể thấy tình hình hiện đang "ở giữa tầng tầng lớp lớp sương mù", khiến kỳ vọng sớm đạt bước đột phá trên bàn đàm phán càng trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những diễn biến vừa qua có thể là "chất xúc tác" kích hoạt những điều chỉnh nhất định trong cách tiếp cận của mỗi bên. Bên cạnh đó, quá trình thiết lập các cuộc đàm phán vẫn đang được duy trì. Đặc phái viên Mỹ Witkoff dự kiến tới Moskva cuối tuần này và sẽ gặp lại Tổng thống Nga Putin. Kể từ tháng 2 tới nay, ông Witkoff đã gặp Tổng thống Putin 3 lần để thảo luận về triển vọng chấm dứt cuộc xung đột. Các chuyên gia cũng nhắc tới khả năng xúc tiến những cuộc tiếp xúc, trao đổi khi Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhiều chính khách hàng đầu châu Âu đều thông báo sẽ tới Vatican tham dự tang lễ của Giáo hoàng Francis vào ngày 26/4. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, chuyên gia Boris Smelev, Giáo sư quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định trong bối cảnh "sương mù chiến tranh" như hiện nay, có thể mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu, đàm phán lại, thảo luận về các điều kiện. Việc ký kết một hiệp ước hòa bình sẽ không sớm diễn ra, nhưng dù sao thì quá trình này vẫn đi tiếp, và khi đó, hòa bình vẫn còn cơ hội.
Tags