"Gladiator II" - Bước tiến lớn hay chỉ là cái bóng của người tiền nhiệm?

Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 GMT+7

Google News

Khán giả toàn cầu vừa được trở lại đấu trường Colosseum huyền thoại, nơi chứng kiến sự khởi đầu của một khế ước anh hùng mới – tràn ngập quyền lực, với Gladiator II (tựa Việt: Võ Sĩ Giác Đấu 2), tác phẩm điện ảnh sử thi tiếp nối di sản phần đầu.

Với kỹ xảo mãn nhãn và loạt trận chiến kịch tính, đạo diễn lão làng Ridley Scott giữ vững phong độ trong việc tái hiện, phát triển quy mô hoành tráng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của phim là quá nhiều ý tưởng rời rạc, hành trình cảm xúc của nhân vật bị bỏ lại phía sau.

Gladiator II mở đầu vào năm 200 sau Công nguyên, 20 năm sau cái chết oanh liệt của Maximus Decimus Meridius. Lucius Verus, con trai của Maximus và hoàng hậu Lucilla, đang sống yên bình tại Numidia cùng vợ. Nhưng sự bình yên ấy không kéo dài khi quân đội La Mã, do tướng Marcus Acacius dẫn đầu, xâm lược và biến nơi đây thành thuộc địa, Lucius bị bắt làm nô lệ.

"Gladiator II" - Bước tiến lớn hay chỉ là cái bóng của người tiền nhiệm? - Ảnh 1.

Gladiator II (tựa Việt: Võ sĩ giác đấu 2) chính thức ra mắt khán giả tại các rạp chiếu phim toàn quốc từ ngày 15/11

Dưới nền cai trị độc tài của hoàng đế Caracalla và Geta, Rome chìm trong bạo lực và hỗn loạn. Lucius, với lòng dũng cảm cùng ngọn lửa báo thù, trở thành ngôi sao tại đấu trường Colosseum dưới sự dẫn dắt Macrinus, thương nhân đấu sĩ quyền lực, toan tính. Những trận chiến đẫm máu không chỉ là màn trình diễn mua vui mà còn là nơi Lucius đối mặt quá khứ, đứng lên chống lại bạo quyền, thắp lên hy vọng thay đổi vận mệnh của cả đế chế.

Kế thừa di sản, thiếu bước đột phá

24 năm trước, đạo diễn Ridley Scott cho ra mắt Gladiator, tác phẩm sử thi kinh điển về hành trình báo thù của chiến binh Maximus Decimus Meridius. Bộ phim không chỉ đoạt giải Oscar mà còn trở thành dấu ấn khó phai trong văn hóa đại chúng, với những bài diễn thuyết hùng hồn, chuỗi trận giao tranh gay cấn và sâu sắc về mặt cảm xúc.

Giờ đây, sau gần một phần tư thế kỷ, Gladiator II tiếp nối di sản đó, mang đến một phiên bản cải tiến hơn về kỹ thuật và hình ảnh. Mạch truyện vẫn trung thành với những yếu tố quen thuộc: âm mưu chính trị, hành trình tìm kiếm công lý, và đấu trường Colosseum. Đồng thời, Ridley Scott cùng biên kịch David Scarpa tái hiện một La Mã không chỉ là trung tâm quyền lực, mà còn là biểu tượng của sự suy đồi và bạo tàn qua những ván bài chính trị mờ ám ẩn sau bức tường của đế chế cổ đại. Tuy nhiên, dù khởi đầu hoành tráng, phim dần trở nên thiếu cao trào và các câu thoại đáng nhớ. Việc thiếu tập trung vào cảm xúc nhân vật khiến các cảnh quan trọng mất đi sức nặng vốn có.

"Gladiator II" - Bước tiến lớn hay chỉ là cái bóng của người tiền nhiệm? - Ảnh 2.

Đấu trường Colosseum như một đầm phá đầy cá mập, nơi diễn ra trận thủy chiến mãn nhãn

Cả GladiatorGladiator II đều xoay quanh hình ảnh những người đàn ông mạnh mẽ, gắn bó sâu sắc với đất mẹ cội nguồn. Trong mỗi con người ấy diễn ra tấn bi kịch mất đi gia đình dưới sự kìm kẹp của tầng lớp thống trị đế chế La Mã. Họ buộc đối mặt với thân phận nô lệ, trút nỗi căm hờn, uất hận vào các trận chiến sinh tử nơi đấu trường.

Nhân vật chính lần này là Lucius Verus, con trai của Lucilla và cháu nội của Marcus Aurelius. Anh như niềm hy vọng cuối cùng của Rome, người kế thừa giấc mơ xây dựng một La Mã công bằng, thịnh vượng. Giống như Maximus, Lucius sở hữu chiêu thức chiến đấu đặc trưng – pha chém đôi bằng hai thanh kiếm. Tuy nhiên, nhân vật này chỉ mang dáng dấp như một phiên bản tái chế của Maximus, pha trộn thêm ngọn lửa hận thù và nội tâm giằng xé.

"Gladiator II" - Bước tiến lớn hay chỉ là cái bóng của người tiền nhiệm? - Ảnh 3.

Dù mở đầu với những cảnh hoành tráng, nhân vật chính Lucius (Paul Mescal) dần bị lu mờ bởi chưa có sự phát triển rõ rệt từ cốt truyện

Về kỹ thuật, Gladiator II ghi điểm với phần hình ảnh và bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng. Các trận chiến, trang phục chiến binh, cùng việc huy động khoảng 5.000 diễn viên quần chúng trên khán đài đạt hiệu quả cao. Chuỗi pha hành động mãn nhãn từ chiến đấu với đàn khỉ đầu chó, cưỡi tê giác, đến trận thủy chiến tại đấu trường Colosseum ngập nước được dàn dựng công phu. Mặc dù sử dụng CGI, bộ phim vẫn mang lại cảm giác chân thực, với màu sắc Hollywood cổ điển, làm hài lòng khán giả với bữa tiệc thị giác, điều này giữ được sức hút như phần đầu tiên.

Nhạc phim của Harry Gregson-Williams cũng là một điểm nhấn đáng chú ý, giữ được hơi thở cổ điển, khéo léo lồng ghép các giai điệu đặc trưng từ tác phẩm trước của Hans Zimmer. Nhìn chung, bộ phim không chỉ khơi gợi hiệu ứng hoài niệm mà còn thể hiện sự tôn trọng tinh tế dành cho di sản của phần đầu.

Hào quang thuộc về nhân vật phản diện

Gladiator II cố gắng mở rộng câu chuyện với nhiều mâu thuẫn và nhân vật phản diện mới, nhưng tham vọng này chưa thực sự mang lại sáng tạo vượt bậc. Việc đẩy nhanh nhịp độ, bỏ qua một số chi tiết quan trọng khiến các ý tưởng sáng tạo trở nên lộn xộn, kèm theo thời lượng ít ỏi dành cho các nhân vật phụ không đủ để tăng chiều sâu và động cơ của họ.

Paul Mescal, với vóc dáng cơ bắp và chất giọng Anh trầm, mang đến hình ảnh một Lucius lạnh lùng, kiên cường được người dân tôn vinh tại đấu trường La Mã. So với những nét căng thẳng trên gương mặt Mescal, võ sĩ Rome đòi hỏi khai thác sâu hơn về diễn biến xung đột nội tâm. Nhân vật này mang đến một sự khác biệt mềm mại hơn so với Maximus, tuy thể hiện tốt trong các cảnh chiến đấu, nhưng Lucius còn gặp khó khăn trong việc tạo điểm nhấn cảm xúc, chưa thực sự cạnh tranh được với phần phim đầu.

"Gladiator II" - Bước tiến lớn hay chỉ là cái bóng của người tiền nhiệm? - Ảnh 5.

Gladiator II vẫn đứng vững nhờ Macrinus (Denzel Washington), với tham vọng quyền lực và quá khứ biến động

Pedro Pascal, trong vai Marcus Acacius, một tướng quân La Mã, thể hiện một góc nhìn mới cho vai phản diện. Marcus không phải là một kẻ độc ác điển hình mà là một nhân vật đầy giằng xé tâm lý, luôn ám ảnh bởi những tội lỗi sau các cuộc chinh phạt. Pascal đã thể hiện tốt chiều sâu tâm lý của nhân vật, nhưng đáng tiếc vai diễn này chưa được khai thác đủ để khơi gợi sự đồng cảm từ người xem.

Trái lại, Denzel Washington hoàn toàn chiếm trọn ánh đèn sân khấu với vai Macrinus – một cựu đấu sĩ nay trở thành một chính trị gia xảo quyệt, đầy tham vọng. Hắn mang trong mình nỗi đau quá khứ khi từng là nô lệ dưới triều đại Marcus Aurelius, đối lập với khát vọng quyền lực hiện tại. Qua từng phân cảnh, nam diễn diên từng đoạt giải Oscar thể hiện xuất sắc sự phức tạp của Macrinus, một kẻ vừa toan tính vừa có khả năng thao túng người khác sau mỗi bước đi chính trị. Vai diễn này không chỉ làm thay đổi trọng tâm của Gladiator II, chuyển hướng tác phẩm từ hành trình anh hùng sang một góc nhìn về xã hội và quyền lực, làm nổi bật các mâu thuẫn trong thế giới La Mã cổ đại.

Hai hoàng đế song sinh Geta (Joseph Quinn) và Caracalla (Fred Hechinger) được vẽ nên với hình ảnh những nhà lãnh đạo trẻ tuổi, xa hoa và tự mãn, làn gió mới cho Gladiator II. Sự lưỡng tính và kiêu kỳ của họ tạo nên một số tình tiết thú vị, nhưng vẫn chưa đủ đất diễn để trở thành những nhân vật phản diện đáng nhớ.

Gladiator II là sự tổng hòa góp nhặt từ những khoảnh khắc tỏa sáng của dàn nhân vật, dù thiếu tính liền mạch trong cốt truyện và chiều sâu cảm xúc. Diễn xuất đỉnh cảo của Denzel Washington cùng một số điểm nhấn mới mẻ đã mang lại sự căng thẳng cần thiết, tác phẩm vẫn là sự lựa chọn tốt, giữ vững sức hấp dẫn cho khán giả yêu thích thể loại sử thi.

Huyền Nguyễn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›